Chiều 22/1, kíp trực ngày cuối tuần của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã mổ cấp cứu thành công cho sản phụ Thalassemia thiếu máu nặng, tiền sản giật.
Chị N.T.M (quê Hoàng Mai, Nghệ An) đã điều trị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) tại Viện Huyết học từ năm 2015. Bệnh nhân thường xuyên thiếu máu nặng với lượng huyết sắc tố thường dao động 60 – 70 g/l (chỉ bằng một nửa so với chỉ số bình thường), đã điều trị truyền máu nhiều đợt tại Viện.
Do có kháng thể bất thường trong máu, mỗi lần truyền máu, người bệnh đều xảy ra phản ứng như sốt rét run hoặc không truyền được hết đơn vị máu.
Người phụ nữ 32 tuổi phát hiện mắc Thalassemia thể Beta và truyền máu lần đầu tiên khi 4 tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau đó đều không chọn được đơn vị máu phù hợp để truyền. Năm 2004, khi 14 tuổi, do biến chứng của bệnh tan máu bẩm sinh, lách to, chị M được chỉ định cắt lách, quá trình mổ cắt lách cũng không chọn được máu phù hợp.
Lấy chồng rồi mang thai, gần đây, đến tuần thai thứ 38, chị M. theo dõi tiền sản giật tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thiếu máu nặng, huyết sắc tố giảm chỉ còn 52 g/l, chị được chỉ định vào Viện Huyết học để truyền máu. Bệnh nhân đã được truyền 2 đơn vị khối hồng cầu tại Viện và đều xảy ra phản ứng tan máu sau truyền (sốt rét, đau xương…).
Kíp thầy thuốc của hai viện Sản và Huyết học phối hợp mổ cấp cứu thành công cho sản phụ mắc bệnh tan máu bẩm sinh, tiền sản giật. Ảnh: BVCC
Đến trưa 22/1, tình trạng thiếu máu của bệnh nhân vẫn không được cải thiện, thai 38 tuần 3 ngày, cạn ối, dịch ối đục. Kíp trực của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã hội chẩn với các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Ngay lập tức, xe cứu thương gồm gần 10 y bác sĩ và trang thiết bị, dụng cụ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để mổ cấp cứu lấy thai ngay tại Viện, giữ được tính mạng của chị M. và em bé.
Bé gái chào đời khỏe mạnh và trong vòng tay của bố cùng các nhân viên y tế. Ảnh: BVCC
Đây mới là ca sinh mổ thứ 3 được thực hiện tại Viện, ca sinh mổ thứ 2 cũng do các y bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương thực hiện giúp người mẹ ung thư máu vượt cạn thành công. Cách đây 1 tháng thì kíp trực của Viện đã đỡ đẻ an toàn cho sản phụ thiếu máu nặng với sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Trước khi ca mổ diễn ra, các bác sĩ tiên lượng nhiều nguy cơ có thể xảy đến nhưng may mắn hai mẹ con chị M. đều an toàn. Sau mổ, chị M. tiếp tục được theo dõi, truyền máu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, còn bé gái được chuyển đến theo dõi sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Tiền sản giật - sản giật là rối loạn chức năng đa cơ quan liên quan đến thai nghén, chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 10% trong toàn bộ thai kỳ. Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những tai biến sản khoa nguy hiểm, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến tăng huyết áp trong thai kỳ nói chung và tiền sản giật chiếm khoảng 14%, đứng hàng thứ 2 sau băng huyết. Tiền sản giật xảy ra sớm trong thời kỳ mang thai có nguy cơ dẫn đến sinh non. Một số trường hợp tiền sản giật nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong trong bụng mẹ. Hiện nay tiền sản giật có thể được sàng lọc và dự phòng. Việc sàng lọc tiền sản giật sẽ giúp phát hiện các trường hợp thai phụ có nguy cơ cao và điều trị dự phòng, ngăn ngừa, làm chậm sự khởi phát của bệnh. Nhờ đó, quá trình mang thai diễn ra an toàn, thai nhi có thời gian để phát triển. |