1. Nuôi dưỡng thói quen tỏ lòng biết ơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lòng biết ơn giúp mọi người có những cảm xúc tích cực hơn, tận hưởng những trải nghiệm tốt đẹp, cải thiện sức khỏe, đối phó với nghịch cảnh và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.
Nhưng làm cách nào để nuôi dưỡng lòng biết ơn ở trẻ? Cách tốt nhất là yêu cầu con dành thời gian hàng ngày, chẳng hạn như trước hoặc trong bữa ăn, để nói to điều gì đó mà con biết ơn. Dần dần, biến nó thành một thói quen biết bày tỏ lòng biết ơn của con.
Nhà xã hội học Christine Carter, Tiến sĩ, Giám đốc điều hành Trung tâm Khoa học của Đại học California tại Berkeley cho rằng, đây là một thói quen sẽ thúc đẩy tất cả các loại cảm xúc tích cực và điều này sẽ dẫn đến hạnh phúc lâu dài.
Lòng biết ơn giúp mọi người có những cảm xúc tích cực hơn. Ảnh minh họa
2. Truyền cho con khả năng đồng cảm
Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm với tư cách là cha mẹ là truyền cho con mong muốn được đồng cảm.
Đồng cảm là khả năng hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác. Đó là kỹ năng sống quan trọng giúp chúng ta liên hệ với người khác, xây dựng các mối quan hệ và giải quyết xung đột.
Tuy nhiên, sự đồng cảm không phải lúc nào cũng đến một cách tự nhiên. Một số đứa trẻ được sinh ra với khả năng đồng cảm mạnh mẽ, trong khi những đứa trẻ khác cần được dạy cách phát triển nó. Là cha mẹ, bạn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con mình phát triển kỹ năng này.
3. Khuyến khích giúp đỡ người khác
Lòng vị tha được chứng minh có liên kết chặt chẽ với cảm giác hạnh phúc. Bạn có thể áp dụng một số ý tưởng dưới đây để bồi dưỡng lòng vị tha của con:
- Thách thức mọi người trong gia đình thực hiện ít nhất một hành động tử tế mỗi ngày và chia sẻ những gì bạn đã làm trong bữa tối.
- Chọn một tổ chức từ thiện để quyên góp mỗi năm, cả gia đình tham gia từ thiện vài giờ mỗi tuần.
- Dành một khoản trợ cấp cho con mỗi tuần, khuyến khích con quyên góp hoặc mua quà tặng những người khó khăn.
Lòng vị tha được chứng minh có liên kết chặt chẽ với cảm giác hạnh phúc. Ảnh minh họa
4. Thường xuyên ăn cùng nhau
Gia đình hạnh phúc sẽ nuôi dưỡng đứa trẻ hạnh phúc cao hơn. Trẻ rất cần được bảo bọc bởi cảm giác gần gũi với cha mẹ, người thân.
Các bữa ăn cùng nhau giúp trẻ có quan điểm tích cực hơn. Trẻ em ăn cùng cha mẹ cũng ít có nguy cơ bị thừa cân hoặc rối loạn ăn uống.
5. Đừng cố gắng làm cho con bạn hạnh phúc
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng điều tốt nhất bạn có thể làm cho hạnh phúc lâu dài của con mình có thể là ngừng cố gắng giữ chúng lại. Ông Bonnie Harris, người sáng lập của tổ chức giáo dục trẻ em Core Parenting ở Peterborough, New Hampshire cho rằng:
"Nếu chúng ta đặt con mình vào một chiếc bong bóng và đáp ứng mọi mong muốn của chúng thì chúng sẽ quen. Trong khi, thế giới thực không phải như vậy".
Cha mẹ thường muốn con mình vui vẻ, làm theo ý con mỗi khi bé tỏ ra tức giận, buồn rầu hay thất vọng. Tuy nhiên, ông Harris cảnh báo, những trẻ không được học cách xử lý những cảm xúc tiêu cực sẽ có nguy cơ bị suy sụp khi đối mặt với những thách thức đó ở tuổi trưởng thành. Con sẽ khó phát triển các kỹ năng xử lý và hồi phục tâm lý sau những thất bại không thể tránh khỏi của cuộc sống.
6. Dạy con suy nghĩ tích cực
Cha mẹ cần chỉ cho con cách đối mặt với khó khăn theo hướng tích cực. Khi con cái chứng kiến cha mẹ vất vả, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, đó là tấm gương tốt để chúng noi theo.
Ngoài ra, điều này còn giúp con phát triển khả năng phục hồi và đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống.
7. Tập thể dục cùng gia đình
Đi dạo cùng nhau mỗi tối, tập thể dục theo video ở phòng khách có thể khiến mọi người trong gia đình hạnh phúc hơn, đồng thời tạo ra những ký ức tích cực.
Theo một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Journal of Happiness Studies, bạn tập bài nào không quan trọng. Thể dục nhịp điệu, các bài tập giãn cơ, giữ thăng bằng hay nâng tạ đều mang lại cảm giác hạnh phúc, nhất là khi các thành viên trong gia đình tập cùng nhau.
Thể dục nhịp điệu, các bài tập giãn cơ, giữ thăng bằng hay nâng tạ đều mang lại cảm giác hạnh phúc, nhất là khi các thành viên trong gia đình tập cùng nhau. Ảnh minh họa
8. Cho trẻ làm việc nhà
Làm việc nhà giúp trẻ cảm thấy được mình là thành viên trong gia đình, khiến con muốn gắn kết hơn với mọi người.
Cảm giác kết nối đó có thể giúp trẻ vững vàng về tinh thần khi gặp khó khăn. Việc dọn dẹp nhà cửa cũng sẽ khiến trẻ cảm nhận được sự thành công từ những việc nhỏ nhặt.
9. Tránh việc quá nuông chiều con
Mua cho con rất nhiều quà vào các ngày lễ hoặc đáp ứng mọi đòi hỏi của con không phải là chìa khóa dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc. Thực tế, những đứa trẻ quá được nuông chiều thường cảm thấy bất mãn, không phân biệt được thứ mình cần và thứ mình muốn, đo đếm hạnh phúc bằng vật chất.
Vì vậy, phụ huynh nên chống lại ham muốn cung cấp cho trẻ mọi thứ chúng muốn, như điện thoại thông minh đời mới nhất, quần áo hàng hiệu hay xe đạp đắt tiền. Thay vào đó, bạn hãy tạo cơ hội để chúng giành được phần thưởng xứng đáng nhờ chăm chỉ học tập và lao động.
Hãy tập trung vào trải nghiệm hơn mọi thứ khác. Các nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy hạnh phúc nhất thường dành thời gian và tiền bạc để tạo ra những kỷ niệm, không phải để mua thêm những món đồ hào nhoáng.
10. Rèn luyện tính tự chủ cho trẻ
Những người có khả năng tự kiểm soát bản thân tốt có thể điều chỉnh tâm trạng tốt hơn. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con tính tự giác ngay từ khi còn nhỏ, không bị cám dỗ bởi những thứ đồ yêu thích xung quanh.
Chẳng hạn, đặt tất cả thiết bị điện tử vào khu vực chung trong nhà trước khi đi ngủ. Điều này giúp trẻ không bị cám dỗ sử dụng chúng ở trên giường.