Có trẻ con trong nhà, rất nhiều tình huống xảy ra đột ngột khiến bố mẹ không sao đỡ được. Nhưng nếu không phản ứng khéo léo thì bố mẹ sẽ vô tình làm con tổn thương.
Tôi có một cô con gái nhỏ năm nay 4 tuổi. Từ năm 3 tuổi tôi đã cho bé đi học mẫu giáo, nhưng vì nghỉ hè nên tôi để con ở nhà nhiều hơn đi lớp. Dù sao tôi cũng là giáo viên, ngoài những buổi dạy thêm ra thì đa số thời gian đều rảnh rỗi nên có thể ở nhà vừa chăm vừa chơi với con.
Trưa nay, lúc đang nấu ăn trong bếp, con gái một mình chơi ở phòng thì bất ngờ khóc thét. Tôi hết hồn, tưởng con gặp chuyện gì nên hớt hải chạy vào kiểm tra. Vừa đến cửa phòng, tôi thấy con ngồi khóc ngon lành, bên cạnh là cuốn album ảnh đã bị xáo trộn cả lên.
Ảnh minh hoạ
Giọng lo lắng tôi hỏi đứa trẻ:
- Sao thế con gái, con bị ngã ở đâu hả. Có chuyện gì bình tĩnh nói mẹ nghe nào?
- Sao bố mẹ lại làm như thế với con, bố mẹ không thương con nữa đúng không ạ!
Nghe con gái ấm ức nói, tôi hoang mang không biết chuyện gì xảy ra, tại sao tự dưng con bé lại nói ra những lời này. Nhưng vì biết cảm xúc con lúc này đang không ổn nên dù chưa kịp tìm hiểu tình hình, tôi vẫn an ủi đứa trẻ:
- Sao con lại nghĩ như vậy, bố mẹ lúc nào cũng thương con nhất!
- Vậy tại sao bố mẹ đi chơi, đi ăn rồi còn chụp rất nhiều hình nhưng lại bỏ con ở nhà, không đưa con theo cùng!
Nói rồi con bé chỉ vào cuốn album ảnh của vợ chồng tôi, đó là album chứa rất nhiều khoảnh khắc và kỷ niệm từ lúc hai vợ chồng mới yêu nhau cho đến lúc cưới. Dĩ nhiên là thời điểm này làm gì đã có sự xuất hiện của con gái cơ chứ! Hiểu vấn đề, tôi không sao nhịn được cười.
- Không phải bố mẹ bỏ con đâu, mà vì lúc này con chưa được mẹ sinh ra con ạ. Bố mẹ phải trải qua một hành trình rất dài cùng nhau, chuẩn bị rất nhiều thứ để sẵn sàng đón con đến với gia đình mình. Như vậy thì khi con chào đời, con sẽ có một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ giống như bây giờ. Bố mẹ lúc nào cũng yêu con, bên cạnh con và mang đến cho con mọi thứ tốt nhất nên con đừng lo lắng gì nhé! Con chỉ cần ngoan ngoãn, vâng lời bố mẹ là được!
Ảnh minh hoạ
Nghe tôi giải thích, con gái dần ổn định cảm xúc. Mặc dù tôi không biết con có thực sự hiểu hết những điều mẹ nói hay không, nhưng dường như tôi biết con có thể cảm nhận được tình yêu thương bố mẹ dành cho mình. Chính vì vậy mà đứa trẻ mới yên tâm và tin tưởng sau khi được mẹ trấn an.
Đây là một tình huống mà tôi chưa bao giờ lường trước, cũng không nghĩ là con ở tuổi này lại nhạy cảm đến thế. Không biết có bố mẹ nào từng trải qua trường hợp “dở khóc dở cười” giống tôi…
Tâm sự từ độc giả hongphuc…@gmail.com
Theo các nhà tâm lý học, việc trẻ em buồn bã hay tức giận vì không thấy mình trong ảnh cưới, hay những hình ảnh của bố mẹ thời yêu nhau là điều hết sức bình thường. Vì tất cả trẻ em đều có tính chiếm hữu cao. Đây là bản năng tự nhiên của trẻ. Chẳng phải chúng ta vẫn thường thấy trẻ giật đồ chơi của bạn, “giữ của” không cho ai đụng vào đồ của mình sao. Thế nên chuyện con khóc lóc, giận dỗi vì bố mẹ không cho mình tham gia vào những khoảnh khắc này cũng là điều dễ hiểu.
Điều bố mẹ cần làm trong tình huống này chính là cách mà bà mẹ trên đã làm. Thay vì giữ im lặng hay tìm cách lơ đi vì nghĩ rằng chuyện đó không quan trọng, bố mẹ nên an ủi và giải thích cho con hiểu rằng con không thể có mặt trong hình cưới vì khi đó con còn nằm ở trong bụng mẹ. Bây giờ, con đã ra đời rồi nên cả nhà sẽ cùng nhau đi chụp hình gia đình. Và sau đó, hãy hướng sự chú ý của bé về kế hoạch chụp hình sắp tới để qua đi sự “tổn thương” vì bố mẹ không mời con dự đám cưới.
Nếu bố mẹ không biết cách phản ứng tinh tế, khéo léo và phù hợp khi ở trong tình huống bất ngờ này, bố mẹ sẽ rất dễ vô tình khiến trẻ bị tủi thân. Những nghi vấn, cảm xúc tiêu cực bên trong trẻ khi giữ quá lâu, mà không được giải tỏa thì chắc chắn nó sẽ là điều gây cản trở quá trình phát triển lành mạnh của bé, đặc biệt là mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái.