Trẻ bị chân tay miệng là gì?
Chân tay miệng là bệnh được gây ra do virus đường tiêu hóa, lây trực tiếp qua đường tiêu hóa khi ăn uống chung hoặc tiếp xúc với dịch của trẻ em mắc căn bệnh này. Ngoài ra, bệnh cũng lây gián tiếp qua vật dụng hoặc bàn tay bị nhiễm virus.
Hình ảnh trẻ bị chân tay miệng. (Ảnh minh họa)
Bệnh thường có thể xảy ra quanh năm nhưng phổ biến nhất là vào thời điểm giao mùa, thường với những trẻ em dưới 5 tuổi.
Khi mới xuất hiện, trẻ sẽ thường đau họng, sốt nhẹ, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn. Sau khi sốt khoảng 1-2 ngày, trẻ bắt đầu đau miệng, nổi ban ở trong lòng bàn tay, bàn chân và khoang miệng...
Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ
Trẻ bị chân tay miệng thường có các dấu hiệu rất dễ nhận biết như:
- Sốt nhẹ hoặc sốt cao: Với trường hợp nặng, sốt cao không thể hạ.
- Da bị tổn thương: Trẻ bị mụn nước, rát đỏ tại những vị trí đặc biệt như quanh miệng, họng, lòng bàn tay hoặc bàn chân, đầu gối, mông...
- Một số trẻ em khi bị đau miệng thường bị nôn, bỏ ăn, tiêu chảy, tăng tiết nước bọt, quấy khóc, mệt mỏi…
Thời kỳ đầu mới nhiễm bệnh cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng khoảng từ 3-6 ngày. Sốt thường là dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ em đầu tiên, tiếp theo là trẻ bị đau họng, thỉnh thoảng khó chịu và bỏ ăn. 1 hoặc 2 ngày sau khi sốt, những vết đỏ gây đau có thể xuất hiện tại miệng và cổ họng.
Một số dấu hiệu trẻ bị tay chân miệng. (Ảnh minh họa)
Những vết phát ban nổi lên tại bàn tay, bàn chân và mông trong khoảng 1 hoặc 2 ngày. Những vết loét ở miệng và cổ họng cũng có thể là dấu hiệu của việc trẻ bị nhiễm virus herpangina. Nếu như bé bị nhiễm virus này thường sẽ sốt cao đột ngột và co giật.
Các vết loét trên bàn tay, bàn chân hoặc các bộ phận cơ thể khác là rất hiếm. Cha mẹ cần phải phân biệt giữa hai loại bệnh này để có cách điều trị phù hợp.
Khi phát hiện những dấu hiệu chân tay miệng ở trẻ, gia đình nên đưa bé đi khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại các chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, tránh các hậu quả đáng tiếc.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ
Bệnh tay chân miệng ở trẻ thường do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo đó, mục tiêu của việc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cho trẻ chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực nhằm duy trì chức năng sống đối với những trường hợp bị nặng. Đặc biệt là khi có suy hô hấp, suy tuần hoàn.
- Tích cực hạ nhiệt cho trẻ: Nếu trẻ sốt cao, khoảng từ 38,5 độ C trở lên, cần phải cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt acetaminophen (paracetamol).
- Thực hiện bù nước và điện giải: Có thể cho trẻ uống dung dịch điện giải (hydrite hoặc oresol).
Mẹ nên đưa trẻ đi khám để có cách điều trị kịp thời cho trẻ bị chân tay miệng. (Ảnh minh họa)
- Bổ sung kẽm, vitamin C: Đối với trẻ bị sốt và loét miệng.
- Làm sạch miệng cho trẻ: Với trẻ bị loét miệng, loét họng, cần phải lau sạch miệng trước và sau khi ăn bằng dung dịch glycerin borat. Những loại gel rơ miệng có công dụng sát khuẩn, giảm đau, giải quyết tình trạng biếng ăn ở trẻ, giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.
- Dùng thuốc chống co giật: Khi phát triệu chứng não-màng não, cần dùng thuốc chống co giật và chuyển đến bệnh viện ngay lập tức để được điều trị chuyên sâu.
Bên cạnh đó, nếu nhận thấy trẻ có nguy cơ cao khi mắc bệnh tay chân miệng như li bì, nôn ói, sốt cao...hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Trẻ bị tay chân miệng tắm lá gì cho nhanh khỏi?
Theo các chuyên gia y tế, không nên kiêng tắm cho bé khi bé bị tay chân miệng mà ngược lại nên tắm và giữ gìn vệ sinh da cho bé thường xuyên vì hàng ngày có rất nhiều vi khuẩn bám trên da của bé. Chú ý lau thật nhẹ nhàng để không làm vỡ các bong bóng khiến vết thương nhiễm trùng. Dưới đây là một số loại lá có thể tắm khi bé bị chân tay miệng:
- Lá chè xanh: Trong thành phần lá chè xanh có chứa kháng khuẩn có khả năng chống nhiễm trùng. Vì thế, mẹ có thể tắm lá chè xanh để chống nguy cơ bị nhiễm trùng cho trẻ.
- Lá bạc hà: Là loại lá có công dụng diệt khuẩn, thanh nhiệt, giải độc, kháng viêm. Mẹ có thể dùng lá bạc hà đun nước uống hoặc tắm cho trẻ để các triệu chứng mau hết, cơ thể bé cũng thoải mái hơn.
- Lá rau sam: Theo Đông y, rau sam có chứa các hoạt chất kháng khuẩn, chống viêm giúp các vết lở loét ở bọng nước bị vỡ mau lành và ngăn ngừa tình trạng nhiễm khuẩn của cơ thể. Ngoài ra, lá rau sam còn có tính mát, giàu vitamin C giúp cải thiện các triệu chứng trên da, tăng cường sức đề kháng.
Mẹ có thể nấu lá rau sam để tắm cho trẻ.(Ảnh minh họa)
- Lá diếp cá: Có công dụng tiêu viêm, diệt khuẩn, giảm sưng nên có tác dụng rất tốt đối với việc hỗ trợ điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ.
Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng
- Thực hiện cách ly bé: Khi phát hiện các dấu hiệu tay chân miệng của trẻ, mẹ đưa bé đi khám bác sĩ để xác định đúng bệnh. Nếu bé được chẩn đoán là mắc bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần cách ly bé ở trong phòng để tránh lây lan và tạo ổ dịch.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng đầy đủ:
+ Với những bé còn bú mẹ nên tăng cường cữ bú và cho bé bú như bình thường.
+ Nên cho bé ăn những loại thức ăn mềm mịn, lỏng để trẻ không bị đau miệng như sữa chua, súp, phô mai...
+ Chia nhỏ các bữa ăn để bé ăn nhiều hơn, bé cần ăn từ 3-5 bữa/ngày để đảm bảo dinh dưỡng.
+ Tăng cường bổ sung thêm nước uống hoa quả, ăn rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin.
+ Sau ăn nên thực hiện cho bé súc miệng bằng nước muối.
- Đảm bảo giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ:
+ Tắm rửa cho bé hàng ngày bằng nước sạch, xà phòng sát khuẩn. Mẹ cần thực hiện tắm thật nhẹ nhàng để không làm tổn thương da, tắm trong phòng kín gió.
Vệ sinh cá nhân cho bé giúp bé thoải mái hơn khi bị chân tay miệng. (Ảnh minh họa)
+ Rửa tay bằng xà phòng cho bé thường xuyên để giúp làm giảm bớt sự lây lan.
+ Các vật dụng ăn uống hàng ngày của bé nên được tiệt trùng, tránh sử dụng chung.
+ Đồ chơi, quần áo của bé cần phải được sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước sôi.
+ Mẹ hoặc người chăm sóc cho bé cần phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với bé.
Khi nào cần đưa trẻ bị chân tay miệng đến bác sĩ?
Chân tay miệng là bệnh thường gặp và chỉ gây ra sốt vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng cũng tương đối nhẹ. Tuy vậy, mẹ vẫn cần đưa bé đi khám để xác định đúng bệnh, có lời khuyên chăm sóc cho phù hợp.
Với trường hợp trẻ dưới 3 tháng tuổi và sốt hơn 38 độ C và cao hơn 39 độ C với trẻ 6 tháng, mẹ cần đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp, trẻ bị sốt cao và không hạ sốt trong 2 ngày, bé cũng cần phải được đưa tới bệnh viện.
Ngoài ra, mẹ cũng cần phải chú ý xem bé có bị mất nước không? Nếu bé bị đau họng không thể uống nước hoặc ăn uống ít hơn so với bình thường cũng cần đưa bé đi khám. Bệnh chân tay miệng có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm, vì vậy, mẹ cần phải để ý đến bé thường xuyên, nhất là khi bé ngủ.