Đối với trẻ trong tuổi cắp sách đến trường, học là một trong những công việc quan trọng nhất. Ngày này, với điều kiện kinh tế tốt hơn, gia đình nào cũng cố gắng tạo làm mọi thứ tốt nhất cho con để phát triển bản thân. Chuyện học tập của con là mối bận tâm rất lớn của bố mẹ. Ai cũng hiểu rằng, chinh phục tri thức tốt bây giờ sẽ giúp con sau này có được tương lai tốt đẹp hơn.
Bởi thế mới có những câu chuyện phụ huynh nổi giận vì con không chịu học, thậm chí có người còn thiếu kiểm soát, mắng mỏ, đánh đập con khi cô giáo có những phản hồi không tích cực về chuyện học của con trên lớp. Thế nhưng ông bố dưới đây lại khác hoàn toàn. Khi cô giáo nhắn tin thông báo về việc con không hoàn thành bài tập, người bố này chẳng những không tức giận con mà còn bày tỏ thẳng quan điểm với cô giáo: Cố tình bảo con không làm bài này!
Khi cô giáo nhắn tin thông báo về việc con không hoàn thành bài tập, người bố này chẳng những không tức giận con mà còn bày tỏ thẳng quan điểm với cô giáo: Cố tình bảo con không làm bài này! (Ảnh minh họa)
Trên mạng xã hội, câu chuyện được lan truyền và nhận về nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Cụ thể như sau: Cô giáo nhắn tin cho người bố trong một hội nhóm tập thể dành cho các phụ huynh, thông báo về việc hôm nay con đã không hoàn thành nội dung bài tập, đề nghị phu huynh nghiêm túc nhắc nhở con. Những tưởng ông bố sẽ nổi cáu với con, nào ngờ, anh viết một nội dung rất dài:
“Chào cô, xin phép giải thích với cô: Hôm qua tôi nói chuyện với Đạt rồi, Đạt hiểu chuyện và hứa phấn đấu. Đạt có nói 1 bài toán hình không hiểu nên mai hỏi cô chứ không phải không làm.
Gia đình tôi cho phép các con bỏ bài khi bằng đủ mọi tư duy mà tự thân không làm được nên cho phép hỏi cô để cô giúp các cháu hiểu bài và tự thân làm được. Không chấp nhận việc xem sách giải, bố mẹ hay anh giúp… hay copy bài của bạn.
Đoạn hội thoại của ông bố với cô giáo nhận được sự quan tâm của cư dân mạng
Quan điểm của gia đình là: giúp các cháu xây dựng lối sống tự lập chứ không sống bằng thành tích. Vì vậy, chỉ cần các cháu hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay.
Rèn như thế trong 12 năm học thì kiểu gì đến lớp 10 cháu sẽ bốc lên thôi”.
Bên dưới bài viết ông bố này cũng chia sẻ thêm về quan điểm của mình:
"Cha mẹ có nhiệm vụ làm việc của cha mẹ. Cha mẹ chỉ dạy cho con đối nhân xử thế: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và dũng. Dạy cho tự lập để trưởng thành. Nhiệm vụ của con là học để rèn luyện bản thân: cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc và bình thiên hạ.
Nếu con yếu, giáo viên và nhà trường cứ để học sinh lưu ban. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là dạy học trò. Nếu ra bài, học trò không làm được, nhiệm vụ của thầy cô giáo là bằng mọi phương pháp để giúp học sinh hiểu, làm bài và truyền cảm hứng cho các con học.
Nhiệm vụ của nhà trường là tạo nên môi trường cho đội ngũ giáo viên hoàn thành nhiệm vụ rèn học sinh thực lực chứ không chạy theo thành tích. Ai cho bài tập thì người đó có trách nhiệm giúp trẻ hiểu và làm... Bố mẹ và anh không cho bài thì không có nghĩa vụ phải giúp cháu hiểu bài...
Tại sao chúng ta cứ áp lực lên con trẻ để mất đi niềm vui học hành? Nếu phải chịu áp lực, người lớn mới là đối tượng chịu áp lực truyền cảm hứng học cho con trẻ chứ?".
Ông bố có quan điểm: Tại sao chúng ta cứ áp lực lên con trẻ để mất đi niềm vui học hành? Nếu phải chịu áp lực, người lớn mới là đối tượng chịu áp lực truyền cảm hứng học cho con trẻ chứ? (Ảnh minh họa)
Ngay sau khi bức ảnh với đoạn hội thoại này được đăng tải, rất nhiều người đã quan tâm và bàn tỏ quan điểm tán thành với ông bố trong câu chuyện. Phần lớn cho rằng, người giáo viên có nhiệm vụ giúp học sinh hiểu, làm bài và truyền cảm hứng cho các em. Bố mẹ không có trách nhiệm phải ốp cho con làm bằng hết những bài được giao. Hơn nữa, học tập cũng là rèn luyện tính cách, cần phải để trẻ tự lập, không nên chạy theo thành tích rồi đặt áp lực quá lớn lên vai những đứa trẻ ngây thơ.
Theo tìm hiểu, vị phụ huynh này là anh Thanh Toàn, một người làm trong lĩnh vực bảo hiểm và Bất động sản. Anh có chia sẻ câu chuyện này diễn ra khá lâu rồi, khi con anh còn đang học trung học. Hiện giờ, con trai anh đã lớn. Anh chia sẻ việc mình làm như vậy là chỉ muốn các thầy cô và chính các bậc phụ huynh nên dạy con mình tính tự lập trong cuộc sống, trong học tập, bằng chính sức mình, không bị bệnh thành tích chi phối mà thôi.