Để mô ta về cơn đau đẻ, các chị em vẫn thường nói với nhau rằng đau đẻ tương đương với việc bạn bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Vậy nhưng có những bà mẹ còn phải chịu nỗi đau đáng sợ hơn khi thật sự bị gãy xương trong quá trình sinh nở. Hai bà mẹ dưới đây đã kể lại trải nghiệm kinh hoàng đó.
Lấy chồng 1m9, vợ cao 1m55 bị gãy xương cụt khi sinh con
Sharmin Brunell (21 tuổi) ở Los Angeles, Mỹ là một bà mẹ trẻ thường xuyên chia sẻ cuộc sống hôn nhân của mình lên TikTok. Trang cá nhân của cô có hơn 64.000 người theo dõi. Cách đây không lâu, trong một video cô tiết lộ trải nghiệm đáng nhớ của mình khi sinh con trai.
Sharmin cao 1m55 và ông xã cô cao tới 1m9.
Sharmin cho biết, mình chỉ cao 1m55, nhưng chồng lại cao tới 1m9. Cô mang thai đứa con đầu lòng năm 19 tuổi và rất vất vả để cậu bé Amare chào đời bình an. Mặc dù chiều cao chênh lệch của Sharmin và chồng khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên, nhưng cô chưa bao giờ tưởng tượng được rằng, gen của chồng lại quá "quyền lực" như vậy, đến nỗi con trai vừa mới chào đời đã dài 56cm, trong khi hầu hết các đứa trẻ khác chỉ dài 50cm.
Bên cạnh đó, Sharmin còn tiết lộ rằng, vì con trai quá dài trong khi cơ thể của mình lại nhỏ nhắn nên phải gánh chịu nhiều biến chứng trong quá trình sinh nở. Thậm chí để con trai chào đời thuận lợi, cô đã cắn răng chịu đựng những cơn đau khủng khiếp, đến mức bị gãy cả xương cụt.
Sharmin đã bị gãy xương cụt khi sinh em bé dài 56cm.
Trên thực tế, trường hợp bị đau xương cụt thường thấy sau khi sinh con, nhưng gãy xương cụt thì cực kỳ hiếm gặp.
Mặc dù cơ thể của cậu bé Amare quá dài nhưng Sharmin cho rằng, tư thế sinh ban đầu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cô bị gãy xương cụt. Cô nói: "Khi sinh con, tôi nằm ngửa, nhưng tôi nghĩ tư thế này không thuận lợi cho bản thân lúc chuyển dạ. Hầu hết các bác sĩ đều bắt bạn nằm ở tư thế này vì nó thuận tiện cho họ".
Sharmin cho biết mình đã chịu những di chứng từ việc gãy xương cụt trong suốt 2 năm. Khoảng thời gian dài này, cô thường xuyên chịu đựng những cơn đau khủng khiếp, ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm lý.
Mẹ rặn đẻ đến mức gãy xương, sinh xong lưng đau như búa bổ
Không mang bầu một em bé quá lớn hay quá dài nhưng Elizabeth Smith (32 tuổi), sống ở Ontario (Canada) cũng từng rơi vào tình trạng nghiêm trọng đến mức bị gãy xương cụt và hai đĩa đệm thoát vị ở cột sống do đầu em bé bị kẹt trong lúc sinh.
Được biết, Elizabeth đã có một thai kỳ nhẹ nhàng và khỏe mạnh. Song, trong quá trình chuyển dạ có một loại biến chứng y khoa xảy ra khiến cô bị đau đớn. Bà mẹ 1 con nhớ lại: “Tôi đã vượt cạn và Sawyer chào đời an toàn, nhưng tôi vô cùng đau đớn. Tôi được tiêm gây tê tủy sống đến 4 lần nhưng vẫn cảm nhận được hết mọi biến chuyển trong cơ thể của mình. Bác sĩ đã giải thích rằng đầu của em bé bị kẹt nên họ cần sử dụng máy hút để đưa con ra ngoài”.
Elizabeth đã bị gãy xương và lệch đĩa đệm vì em bé bị kẹt khi chào đời.
Sau khi Sawyer chào đời, các cơn đau của chị Elizabeth không những không thuyên giảm, ngược lại nó lại có dấu hiệu tăng lên. Nhưng vì nghĩ đây là cơn đau sau sinh mà mẹ nào cũng phải trải qua nên chị chỉ biết cắn răng chịu đựng. Tuy nhiên, khi được khám tổng quát trước khi xuất viện, bác sĩ thông báo bà mẹ này đã bị gãy xương cụt và hai đĩa đệm thoát vị ở cột sống, cần được tập vật lý trị liệu.
“Trong một thời gian dài sau khi sinh Sawyer, tôi không thể đi từ giường đến ghế sofa mà không khóc. Thậm chí, tôi còn không thể ngồi vì quá đau đớn”, bà mẹ 1 con nói. Không chịu nổi cảm giác bị đấm liên tục vào cột sống, chị Elizabeth đã yêu cầu bác sĩ cho mình được phẫu thuật chỉnh sửa cột sống – kéo các đĩa đệm về đúng vị trí để nó không ảnh hưởng đến các dây thần kinh nữa - nhưng câu trả lời của họ là không vì sức khỏe của chị không đảm bảo. Bác sĩ hẹn hơn 1 năm sẽ thực hiện phẫu thuật, còn bây giờ tạm thời chị Elizabeth hãy uống thuốc.
Rồi dần dần, tình trạng đau đớn này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của chị Elizabeth. Hàng ngày, chị vừa phải chịu nỗi đau thể xác, vừa dằn vặt chính mình khi là một người mẹ tồi, không thể tự tay chăm sóc cho con trai của mình.
Khi em bé được 18 tháng tuổi, Elizabeth đã phải phẫu thuật chỉnh lại cột sống.
Mãi đến khi Sawyer được 18 tháng, bác sĩ mới thông báo có thể tiến hành phẫu thuật chỉnh cột sống cho chị Elizabeth. Mặc dù việc phục hồi sau ca phẫu thuật không hề dễ dàng nhưng chị Elizabeth đã lấy lại được “tự do”. Vào tháng 9/2020, chị đã có thể đi bộ vào lễ đường trong đám cưới của chính mình với người chồng Kyle (37 tuổi).
Mẹ bầu cần biết về các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình sinh nở
Theo tiến sĩ Robin Elise Weiss - Trợ lý Giáo sư của trường Y tế Cộng đồng thuộc trường Đại học Louisville (Mỹ), khả năng sản phụ gặp phải biến chứng khi chuyển dạ hoặc sinh nở sẽ phụ thuộc vào tiền sử sức khỏe cụ thể tại thời điểm sinh. Có một số biến chứng chuyển dạ và sinh nở phổ biến mà các mẹ bầu cần biết như:
- Tử cung không mở: Mặc dù các cơn co thắt đã xuất hiện, nước ối đã vỡ nhưng tử cung vẫn không chịu mở. Đến lúc này, bác sĩ sẽ tiêm cho bạn thuốc để kích thích sự chuyển dạ nhưng tử cung vẫn không giãn nở thì bạn sẽ được đẩy vào phòng sinh mổ.
- Các vấn đề về nhau thai: Nhau thai tiền đạo, nhau thai bám vào thành niêm mạc hoặc nhau bong non đều là những biến chứng nghiêm trọng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
- Các vấn đề về dây rốn: Sa dây rốn hay dây rốn quấn cổ em bé cũng rất nguy hiểm, trong trường hợp này bác sĩ thường lựa chọn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
- Em bé bị mắc kẹt: Trường hợp này rất hiếm khi xảy ra vì nó phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung xương chậu của mẹ quá nhỏ, em bé to hay thai nhi ở vị trí ngôi mông hoặc nằm ngang... Và trong quá trình sinh thường, em bé dễ bị kẹt vai, kẹt đầu hay kẹt tay vào khung xương của mẹ. Nếu đỡ đẻ không khéo dễ dẫn đến tình trạng em bé bị gãy xương hoặc sản phụ bị gãy xương như hai trường hợp trên.