Sinh con đầu lòng nên chị Trần Thu Quyên, 25 tuổi ở Tây Hồ, Hà Nội chưa có kinh nghiệm. Vì thế, khi lên bàn đẻ, dù cổ tử cung đã mở, chị rặn mãi vẫn chẳng ra. Cuối cùng để an toàn nhất cho bé, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp giác hút để hỗ trợ giúp bé ra.
Sau sinh bằng giác hút, bản thân chị Quyên bị đau ở đáy chậu, con trai nhỏ của chị cũng có một vết sưng và vết xước nhỏ trên da đầu. Ngoài ra, đầu con bị dài và nhọn khiến cả nhà rất sốt ruột. Bác sĩ bảo đây là tổn thương da đầu khi đỡ đẻ bằng giác hút. Tuy nhiên tình trạng này ở mẹ và con đều biến mất trong hơn 1 tuần sau sinh mà không để lại bất cứ dấu vết nào.
Tuy vậy, nhiều người thân đến thăm bà đẻ vẫn thường bảo, đẻ giác hút có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển não bộ của bé sau này nên vẫn khiến bà mẹ trẻ càng lo lắng.
Đẻ giác hút có thể ảnh hưởng lớn tới sự phát triển não bộ của bé sau này. (Ảnh minh họa)
Những rủi ro mẹ và bé phải đối mặt khi sinh con bằng giác hút?
Theo các bác sĩ sản khoa, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho các bác sĩ buộc phải chỉ định phương pháp hỗ trợ sinh như sử dụng giác hút.
Thông thường sinh bằng giác hút được chỉ định trong trường hợp như: Chuyển dạ giai đoạn II kéo dài: con so ≥ 60 phút, con rạ ≥ 30 phút; thai suy, sản phụ mắc các bệnh lý nội khoa như tim mạch, tiền sản giật, thần kinh cơ...
Cũng như các thủ thuật y tế khác, sinh con bằng giác hút có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe mẹ và bé. Song trên thực tế, những rủi ro này ít gặp và thường không gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Thực tế, phương pháp sinh giác hút hay còn gọi là sinh vacuum được đặt một lực kéo lên đầu thai nhi qua trung gian một cái chén kim loại hay chén bằng silastic bám chặt lên đầu thai nhi dưới áp lực chân không. Dùng áp lực chân không bằng máy hút hay máy bơm bằng tay.
Các bác sĩ sản khoa sẽ dùng tay kéo nhẹ nhàng theo cơn gò tử cung kết hợp với sức rặn của người mẹ để kéo bé ra. Thời điểm kéo thai nhi khi đầu đã sổ ra hoàn toàn sẽ khóa máy hút lại, nắp đặt lên đầu thai nhi tự động bong ra và lúc đó tiếp tục cuộc đỡ sinh vai, sinh thân và chi dưới ra một cách dễ dàng.
Để thực hiện sinh giác hút, bác sĩ thực hiện thủ thuật phải có kinh nghiệm giúp sinh bằng dụng cụ này và kèm những điều kiện: Cổ tử cung đã mở trọn, màng ối đã vỡ, đầu thai đã lọt, ngôi và kiểu thế phải được xác định rõ, trọng lượng thai và khung chậu người mẹ cân xứng (tránh nguy cơ kẹt vai), giảm đau đầy đủ cho sản phụ….
Thủ thuật sinh con bằng giác hút có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, thủ thuật sinh con bằng giác hút có thể gây ra một số rủi ro cho mẹ và bé:
Cụ thể, với những sản phụ sinh con bằng giác hút, mẹ có thể bị đau ở đáy chậu sau sinh; rách đường sinh dục dưới; bị khó tiểu trong thời gian ngắn; tiểu tiện, đại tiện không tự chủ được…
Ngoài ra, bé có thể gặp những rủi ro như: tổn thương da đầu; khối tụ máu dưới da do tĩnh mạch hoặc động mạch bị tổn thương; tụ máu đầu và tụ máu dưới da đầu… dù tình trạng này khá hiếm gặp.
Bên cạnh đó, con sơ sinh có thể gặp biến chứng xuất huyết nội sọ hay chảy máu bên trong hộp sọ; xuất huyết võng mạc; vàng da… Đây là những biến chứng nghiêm trọng của việc hỗ trợ sinh bằng giác hút.