Với sự phát triển của khoa học công nghệ, các bệnh viện thẩm mỹ mọc lên như nấm và không ít người vì muốn thay đổi ngoại hình mà tìm tới đây. Chị Lưu (sống ở Trung Quốc) cũng là một trong số đó. Chị luôn không hài lòng về chiếc mũi của mình nên đã tiến hành phẫu thuật mũi tại một bệnh viện thẩm mỹ. Ca phẫu thuật mặc dù rất thành công nhưng một điều không thể chấp nhận được lại xảy ra với chị.
Sau khi phẫu thuật mũi, chị Lưu cũng rất cẩn thận, luôn nghỉ ngơi ở nhà. Tuy nhiên, một tuần sau đó, chị bắt đầu bị nôn và buồn nôn. Ban đầu, chị cứ tưởng đó là di chứng của ca phẫu thuật nên cũng không để ý gì nhiều. Nhưng 15 ngày sau ca mổ, người phụ nữ này lại phát hiện chị bị xuất huyết bất thường ở âm đạo nên đã tới bệnh viện thăm khám.
Sau khi phẫu thuật nâng mũi được 1 tuần, chị Lưu bất ngờ bị nôn.
Hóa ra, chị đã có thai được hơn 50 ngày. Khi biết tin chị Lưu mới phẫu thuật nâng mũi, bác sĩ đã nhắc nhở chị rằng, thuốc được sử dụng trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi nên khuyên chị bỏ đứa bé.
Điều này khiến chị vô cùng hoảng hốt. Bởi lẽ trước khi làm phẫu thuật, chị đã khám sức khỏe tổng thể tại bệnh viện thẩm mỹ, bao gồm cả xét nghiệm máu và nước tiểu. Vậy tại sao bệnh viện lại không phát hiện ra chị đang mang thai? Do đó, chị Lưu cho rằng bệnh viện này không thể thoái thác được trách nhiệm.
Người phụ nữ này cũng cho biết, bệnh viện thẩm mỹ đã tiêm thuốc kháng viêm và kháng sinh cho chị trong nhiều ngày. Giờ chị cảm thấy vô cùng đau đớn và tuyệt vọng, vừa không nỡ bỏ con vừa sợ rằng nếu cố chấp sinh con ra thì con lại gặp di chứng gì đó.
Chị Lưu đã phẫu thuật thẩm mỹ mà không biết rằng mình đang mang thai.
Không còn cách nào khác, chị Lưu đành phải nhờ báo chí can thiệp vào việc này. Phóng viên đã tìm tới bệnh viện thẩm mỹ này, tìm gặp nhân viên tại đây để nắm rõ tình hình. Tuy nhiên, nhân viên bệnh viện vẫn chối quanh chối co, nói rằng việc thử thai bằng que thử lúc đó đều cho kết quả âm tính. Ngoài ra, do trang thiết bị y tế bị hạn chế nên bệnh viện không thể làm xét nghiệm chuyên sâu được.
Trước câu trả lời này, mẹ bầu cảm thấy thật không thể chấp nhận được vì một bệnh viện lớn như thế không thể nào lại không phát hiện ra chị mang thai được, rõ ràng là do họ làm việc tắc trách. Sau đó, người phụ nữ yêu cầu được xem hồ sơ bệnh án để biết chị đã dùng những loại thuốc gì, liệu có gây hại cho thai nhi hay không nhưng bệnh viện cũng từ chối cung cấp.
Hiện vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, chị Lưu vẫn không biết có nên giữ con hay không.
Nguy cơ gặp phải khi phụ nữ mang thai làm phẫu thuật
- Rối loạn đông máu: Cơ chế đông máu ở phụ nữ mang thai thường bị mất cân bằng. Nếu phẫu thuật khi đang mang thai, máu có thể đông nhanh hơn và đông trên diện rộng, gây tắc nghẽn mạch máu, nguy hiểm tới tính mạng bà bầu.
- Biến chứng chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch: Phụ nữ mang thai từ 20 tuần trở lên dễ gặp phải biến chứng chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch, gây nguy hiểm tới tính mạng cả mẹ và thai nhi.
- Thai nhi bị gây mê khi mẹ bị gây mê: Hầu hết các ca phẫu thuật đều sử dụng thuốc gây mê. Khi mẹ bầu được gây mê, thai nhi cũng sẽ bị gây mê theo. Nhưng để tránh thuốc gây mê ảnh hưởng tới thai nhi, bác sĩ thường áp dụng phương pháp gây mê một phần.
Phụ nữ mang thai chỉ làm phẫu thuật khi nào?
Các loại phẫu thuật đều không được khuyến khích thực hiện với phụ nữ mang thai, trừ trường hợp mẹ bầu mắc phải những căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng nếu như không được phẫu thuật ngay. Với một số bệnh không mấy nguy hiểm, phẫu thuật có thể được hoãn lại cho đến khi bà bầu bước sang tam cá nguyệt thứ 2 hoặc sau sinh để giảm thiểu các biến chứng cho cả thai nhi và người mẹ.
Trong trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là phẫu thuật cắt mí, tiêm filler, botox,… cũng không được thực hiện vì đây không phải là dạng phẫu thuật cấp bách.