Cuối năm công việc lu bu đủ thứ nhưng tôi và chồng vẫn cố gắng sắp xếp thời gian đưa con gái về lo giỗ mẹ chồng. Chúng tôi kết hôn được 7 năm, khi con gái được gần 2 tuổi thì mẹ chồng tôi mất vì ung thư. Gia đình chồng tôi có 2 người con, anh là con trai trưởng, còn cô em chồng cũng đã "thành gia lập thất" và sống cạnh sát bên nhà.
Mấy năm nay vẫn thế, cứ đến ngày này là gia đình tôi sẽ về quê phụ em chồng lo đám mẹ, tiện thể ở lại vài ngày để con gái có thời gian bên ông nội. Kể từ ngày mẹ chồng mất, bố chồng tôi sống một mình. Sợ ông buồn nên nhiều lần vợ chồng cũng bảo nhau đón bố lên thành phố ở cùng, tiện hơn cho việc chăm sóc vì ông cũng lớn tuổi rồi.
Tuy nhiên người già ai cũng thế, dù có đi đâu về đâu thì với họ, ở quê nhà yên bình vẫn là thoải mái nhất, thành phố bon chen chật chội, lắm kẻ đi người về khó sống hơn. Mỗi năm tôi sẽ cho cháu về quê thăm ông vài lần, nhưng năm nay kinh tế khó khăn, mua vé về quê cũng tốn kém không ít nên tôi đành thôi.
Dù vậy thì giỗ bà nội của con, chúng tôi chắc chắn phải về để làm tròn đạo hiếu. Lâu ngày không gặp ông nội, con gái tôi hào hứng lắm, về đến cổng nhà thấy bố chồng tôi đứng trước cửa là chạy vào ôm hôn ông thắm thiết. Tôi và chồng bắt tay vào lo đám cho mẹ, còn để 2 ông cháu tự trông nhau.
Ảnh minh hoạ.
Đến trưa con gái đi ngủ, tôi vô tình trông thấy bố chồng bắt ghế ngồi sau hè, tay cầm điếu thuốc hít hà với vẻ đăm chiêu. Nhìn thấy hình ảnh này tôi khá sốc, bởi bố chồng tôi từ thời trai trẻ đến nay chưa từng có thói quen hút thuốc lá. Thế là tôi tiến lại gần và có nhắc khéo ông bỏ nó, vì tôi lo cứ như vậy thì sức khoẻ của ông sẽ bị tác động xấu. Chắc cũng hiểu điều đó nên ông cũng quăng điếu thuốc hút dỡ trên tay.
Tuy nhiên cho đến tối, trong lúc đang loay hoay trong bếp thì con gái tôi bất ngờ chạy vào phàn nàn:
- Mẹ ơi! lúc nãy ăn cơm tối xong con định rủ ông chơi cùng nhưng tìm mãi không thấy ông đâu. Con đi tìm thì thấy ông đang ngồi cạnh chuồng của con Ki (con chó), ông đang vừa tâm sự với nó vừa hút cái gì đó mẹ ạ. Con thấy mùi khói đó khó chịu lắm! Con có từng ngửi thấy mỗi lần được ông thương, cái đó là gì mà sao ông thích dùng vậy ạ!
Ảnh minh hoạ.
- Cái đó chỉ người lớn mới được dùng con ạ, nhưng cho dù người lớn thì nó cũng không được khuyến khích sử dụng vì sẽ gây nguy hiểm cho sức khoẻ của mình và cả những người xung quanh. Đây là thói quen xấu nên con đừng bắt chước ông nhé! Nếu con thấy ông dùng thì hãy nói với bố mẹ để bố mẹ nói chuyện với ông, còn đừng lại gần vì hít phải khói của nó sẽ không tốt cho sức khoẻ của trẻ em đâu con ạ!
- Vậy mẹ phải nói với ông nội ngay nhé, mẹ đừng cho ông dùng nó nữa mẹ nhé?
- Bố mẹ sẽ cố gắng khuyên ông, con đừng lo nha!
Ảnh minh hoạ.
Con gái tôi nghe xong lời này thì bỏ ra phòng khách ngồi chơi đồ chơi một mình. Còn tôi thì nóng bừng cả mặt vì không hiểu vì sao bố chồng của mình nay lại có thói quen xấu như thế. Đặc biệt là khi có cháu gái về chơi, mọi hành động của ông sẽ ảnh hưởng đến đứa trẻ, chẳng lẽ bố chồng tôi không biết điều đó? Ban sáng tôi đã nhắc khéo ông một lần nhưng ông lại tiếp tục lặp lại, là con dâu nên tôi thực sự vô cùng khó xử trong tình huống này. Có lẽ tôi nên để chồng mình, cũng là con trai ruột của ông giải quyết mới thoả đáng chăng...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ, đó là điều mà ai cũng biết, nhưng nhiều người vẫn mặc kệ lời cảnh báo đó mà sử dụng thuốc lá mỗi ngày. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hút, mà còn tác động đến những người xung quanh, đặc biệt là trong gia đình có trẻ nhỏ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh, việc người lớn hút thuốc lá trong môi trường gần trẻ em có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển lành mạnh của trẻ. Dưới đây là một số ảnh hưởng mà thuốc lá có thể gây ra:
- Tác động đến hệ hô hấp: Hút thuốc lá trong môi trường gần trẻ em tạo ra khói thụ động, gồm các chất độc như khí carbon monoxide, formaldehyde, nicotin và các chất gây ung thư khác. Trẻ em hít phải khói thuốc lá thụ động có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề hô hấp như viêm phổi, viêm mũi, viêm xoang, ho khan và cảm lạnh. Hơn nữa, trẻ có thể phản ứng mạnh hơn đối với khói thuốc lá do hệ hô hấp của trẻ còn đang phát triển.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh: Nicotine, một chất có trong thuốc lá có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của hệ thần kinh trẻ em. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây ra các vấn đề như chậm phát triển trong việc học, khả năng tập trung kém, vấn đề về ngôn ngữ và tác động tiêu cực đến trí tuệ của trẻ. Hơn nữa, trẻ em có thể có nguy cơ cao mắc các vấn đề rối loạn hành vi và tâm lý như lo âu và tăng động.
- Tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe: Trẻ em tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động có nguy cơ tăng mắc các vấn đề sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, viêm tai, nhiễm trùng đường hô hấp và các bệnh tim mạch. Hóa chất trong thuốc lá cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như dị tật thai nhi, suy dinh dưỡng và tăng nguy cơ sinh non.
- Hình thành thói quen hút thuốc lá: Khi trẻ em chứng kiến người lớn hút thuốc lá trong môi trường gia đình, có thể tạo ra ảnh hưởng xấu và tạo điều kiện cho trẻ phát triển thói quen hút thuốc sau này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em có nguy cơ cao trở thành người nghiện hút thuốc lá khi trưởng thành nếu trẻ tiếp xúc và chứng kiến hành vi hút thuốc lá của những người thân trong gia đình, hoặc người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ.