Klaudia Cierpial (18 tuổi, đến từ Scotland) đi siêu âm ở tuần thứ 20 của thai kỳ và biết được con gái của cô khỏe mạnh bình thường. 6 tuần sau đó, tức ở tuần thứ 26, Klaudia chuyển tới nhà bạn đời của mình là Brad Sheldon (21 tuổi) ở Airdrie, North Lanarkshire (Scotland) sinh sống. Khi vừa chuyển tới chưa bao lâu, Klaudia bắt đầu cảm thấy đau bụng.
Klaudia Cierpial, người mẹ vừa mất con sau khi được tư vấn uống paracetamol để giảm đau.
Tới ngày 12/4, Klaudia tới bệnh viện Wishaw General thăm khám sau khi thấy thai nhi ít cử động và phàn nàn về sự khó chịu mình gặp phải. Các bác sĩ sau đó đã siêu âm cho Klaudia và nói rằng em bé của cô vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên họ lại không kiểm tra dạ dày của cô.
Mặc dù được khuyên không có gì phải lo lắng nhưng thai phụ vẫn phải trải qua những cơn co rút nhẹ trong khoảng 10 ngày sau đó, cơn đau ngày càng đau và thường xuyên hơn trước.
Vào tuần thứ 28 thai kỳ, Klaudia bị thức giấc giữa đêm vì gặp phải cơn đau không thể chịu đựng nổi. Cô gọi tới bệnh viện Wishaw nhờ tư vấn thì được khuyên nên dùng paracetamol để giảm đau. Thế nhưng, một tiếng rưỡi sau, Klaudia bắt đầu chảy máu, lúc này cô tức tốc tới bệnh viện thăm khám.
Hình ảnh siêu âm bé Maya Iwona Sheldon.
Klaudia nói: “Tôi phàn nàn với họ về cơn đau bụng ngày càng tồi tệ hơn, họ khuyên tôi nên uống paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên, tới 5h sáng, tôi không thể chịu đựng được nữa vì vậy tôi quyết định đến bệnh viện vì tôi cảm nhận được có điều gì đó không ổn. Thật đau khổ, tôi chỉ chờ đợi để họ nói với tôi rằng con tôi vẫn ổn”.
Thế nhưng, khi siêu âm, kỹ thuật viên không thể tìm thấy nhịp tim của thai nhi. Sau đó, Klaudia nhận được tin sét đánh rằng con gái của cô đã qua đời trong bụng do dây rốn ngắn và xoắn nhiều vòng, làm hạn chế máu và oxy được chuyển đến nhau thai. Hai tiếng sau, bé gái Bé Maya Iwona Sheldon chào đời trong tình trạng chết lưu tím tái từ trong bụng mẹ.
Phần mộ của bé Maya Iwona Sheldon.
Dây rốn của Maya quá ngắn và xoắn chỉ có thể phát hiện khi siêu âm. Triệu chứng này sẽ hạn chế sự phát triển của thai nhi và tăng tỷ lệ mắc bệnh ở thai nhi.
“Tôi không thể tin được. Tôi cảm thấy liên tục bị phớt lờ khi tôi nói với các bác sĩ về cơn đau của mình”, Klaudia đau đớn nói.
Cô mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình để chính quyền có thể cải thiện luật, tăng cường những lần siêu âm cho thai phụ trong thai kỳ để giảm số lượng các ca thai chết lưu.
Thai nhi dây rốn ngắn nguy hiểm thế nào? Dây rốn được coi là ngắn khi nó chưa được 30 cm. Theo số liệu thống kê thì có tới 6% thai nhi có dây rốn quá ngắn. Hiện chưa xác định được nguyên nhân vì sao mà dây rốn lại quá ngắn như vậy nhưng giải thích đơn giản nhất là do thai nhi ít cử động nên dây rốn kém phát triển. Dây rốn ngắn sẽ không bình chỉnh được ngôi thai hoặc khiến thai nhi khó cử động, nếu dây rốn quá ngắn có thể bị căng quá mức hoặc co thắt lại, làm cắt đứt hoặc giảm sự trao đổi chất giữa mẹ và thai nhi. Thai không nhận được dinh dưỡng và máu nuôi cơ thể sẽ có nguy cơ sinh ra nhẹ cân, thiếu máu. Có những trường hợp cá biệt thai nhi không nhận được oxy từ mẹ nên tử vong trong thai kỳ. Phần lớn các ca có dây rốn ngắn sẽ được chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Nếu dây rốn quá ngắn thì sẽ bị kéo căng quá mức hoặc co thắt lại khiến quá trình trao đổi chất ở thai nhi chậm lại hoặc bị cắt đứt hoàn toàn. Vì thế trẻ sinh ra dễ bị thiếu máu hoặc nhẹ cân. |