Ngày 8/7 vừa qua, vợ chồng siêu mẫu Đức Tiến và Hoa hậu Bình Phương hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng sau gần 10 năm mong ngóng. Em bé chào đời tại một bệnh viện ở California bằng phương pháp sinh mổ nặng 3,5kg. Được biết, em bé tên là Phương Mai, tên Mỹ là Madison.
Hơn 10 ngày qua, mặc dù quay cuồng với bỉm sữa nhưng mỗi lần nhìn ngắm con gái, siêu mẫu Đức Tiến lại cảm thấy hạnh phúc vì sau bao năm đã cảm nhận được cảm xúc rõ nét nhất của 2 chữ “gia đình”.
Tổ ấm nhỏ của siêu mẫu Đức Tiến và Hoa hậu Bình Phương. (Ảnh: NVCC)
Trào nước mắt, thở phào khi nghe tiếng con khóc chào đời sau 10 năm khát con
Hơn 10 ngày qua, khi chính thức được lên chức bố ở tuổi 40, được bế nàng công chúa bé nhỏ sau 10 năm mong ngóng anh có cảm thấy như mình đang ở trong một giấc mơ?
10 năm qua lúc nào vợ chồng mình cũng cố gắng hết sức, cầu nguyện và tin điều lành, trồng cây ngọt sẽ có trái ngọt. Lần đầu tiên khi đón em bé, vợ chồng mình cũng rất bỡ ngỡ. Mọi thứ trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đều có sự thay đổi. Vợ chồng mình dành nhiều thời gian tập trung tất cả mọi thứ vào cho bé. Phải nói, 10 ngày qua cuộc sống vợ chồng mình thay đổi 100% nhưng sau đó cũng dần đi vào ổn định. (Cười)
Gần 10 năm kết hôn, vợ chồng anh mới có được niềm hạnh phúc làm bố mẹ. Trong giây phút nhìn thấy con chào đời, cảm xúc của anh và bà xã thế nào?
Bình Phương sinh mổ nên mình căng thẳng rất nhiều, nhất là khi mình ở cùng Phương trong hơn 26h, cùng cô ấy bước vào phòng mổ và nắm chặt tay để cô ấy có thêm sự hỗ trợ về tinh thần. Mình cũng là người cắt rốn cho em bé nên sự lo lắng, sự hồi hộp lấn áp tất cả mọi thứ.
Khi em bé ra đời, mình còn có sự lo lắng khác nữa như kiểm tra về sức khỏe của 2 mẹ con nên lúc nào mình cũng dè chừng trong tất cả mọi thứ, không muốn để cho cảm xúc bị chi phối nhiều quá. Ngày qua ngày, 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày rồi bây giờ là 10 ngày thì hạnh phúc nhiều hơn, niềm vui dâng lên rất nhiều. Sự hiện diện của con cho mình cảm xúc thật là một gia đình rất là cụ thể.
(Ảnh: NVCC)
Nhìn vợ 26 tiếng chịu đau mà mình không thể giúp được gì, tâm trạng anh lúc bấy giờ ra sao? Anh có suy nghĩ, đắn đo nhiều khi quyết định để vợ sinh mổ và ký vào giấy cam kết đồng ý mổ?
Mình và bà xã có rất nhiều sự lo lắng, có nhiều điều bị ám ảnh về những câu chuyện trước đó nên rất hồi hộp. Cả 2 vợ chồng đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng cho em bé chào đời rồi nhưng quá giờ vẫn chưa thấy, cơ thể bà xã không thực sự sẵn sàng cho em bé sinh nên cả 2 vợ chồng mình đã quyết định sinh mổ để tất cả mọi thứ trong tầm kiểm soát, không muốn có trục trặc.
Trong 26 tiếng con chuẩn bị chào đời là 26 tiếng căng thẳng, mình cầu nguyện và lúc nào cũng muốn bé chào đời trong sự chuẩn bị chu đáo, tốt nhất.
Khi quyết định để vợ sinh mổ mình lo lắng, hồi hộp rất nhiều nhưng bác sĩ mổ chính là bác sĩ rất giỏi nên mình cũng tin tưởng. Bước vào phòng mổ, thấy sự chuyên nghiệp, cũng như sự hướng dẫn, chỉ đạo bác sĩ mổ chính cùng ê kíp, tất cả sự lo lắng của mình đều biến mất để đón chờ con. Bác sĩ mổ chính rất tuyệt vời, nhiệt tình. Sau khi mổ xong, em bé chào đời mọi thứ diễn ra rất nhanh và an toàn.
Anh nhớ nhất khoảnh khắc nào cùng vợ trong phòng mổ vượt cạn?
Khi đưa bà xã và phòng mổ mình cũng động viên rất nhiều. Mình cũng cầu nguyện nắm tay tiếp sức cho cô ấy. Mặc dù có sự chuẩn bị của bác sĩ giỏi với thiết bị hiện đại và đông đảo bác sĩ hỗ trợ khác nhưng lúc bắt em bé ra là lúc mình căng thẳng nhất. Đặc biệt, khi con cất tiếng khóc, mình mới thấy muốn thở phào và trào nước mắt. Lúc đó, mình thấy nhẹ nhõm như cả thế giới trùng xuống, tất cả mọi âm thanh đều trở nên bị nhòe đi và mình chỉ tập trung vào nghe tiếng khóc con. Con khóc thì mọi sự vỡ òa giống như trở lại thế giới thực vậy đó. (Cười)
Sau 26 tiếng căng thẳng trong phòng sinh thường, anh và vợ đã quyết định sinh mổ. (Ảnh: NVCC)
Vợ Hoa hậu ở cữ theo phương pháp truyền thống của phụ nữ Việt
Bà xã Bình Phương sinh mổ có gặp nhiều khó khăn sau sinh không, thưa anh?
Những ngày đầu sinh bé có rất nhiều đảo lộn, bà xã không ngủ được vì 2 tiếng bé thức một lần, ngày cũng như đêm, đêm cũng như ngày.
Hơn nữa, đi sinh trong thời gian cách ly COVID-19 nên vợ mình hoàn toàn phải ở trong phòng bệnh, 24/24 nhìn quanh 4 bức tường, không được đi đâu, rất căng thẳng, bí bách, không ăn uống được gì. Bác sĩ chăm sóc quá kỹ, cứ 30 phút vào kiểm tra một lần nên cô ấy không ngủ được. Những ngày đầu tiên phải nói là những ngày kinh khủng. Chính vì vậy, mình đưa vợ về nhà sớm hơn dự định vì sinh hoạt ở bệnh viện không phù hợp.
Sau khi về nhà mọi thứ nhẹ nhàng hơn, bé ăn uống vô guồng quay rồi khoảng chừng 2-3 tiếng thức bú, vệ sinh, thay tã rồi chơi luân phiên, buổi tối bé ngủ nhiều hơn 3 tiếng thức một lần nên vợ chồng mình bắt đầu quen dần so với trước đây.
Vợ chồng mình cho bé bú kết hợp sữa mẹ lẫn sữa bình để bé vừa có đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ lại có thêm sự hỗ trợ phát triển tốt từ sữa bình. Hơn nữa, ban đêm bé khát sữa, nhiều khi bú mẹ không đủ khóc khiến mẹ mệt nên mình cho bé bú thêm sữa ngoài để bé có sức, no bụng, ngủ tối nhiều hơn cho mẹ đỡ mệt mỏi. Mỗi lần, bé ăn chừng 60 ml sữa công thức và tăng thêm một chút vào cữ đêm để no bụng và ngủ sâu hơn.
Sau sinh mổ, chị có phải kiêng cữ nhiều? Anh chị gặp những bỡ ngỡ như thế nào trong việc chăm con mọn khi cữ ăn cữ ngủ của con khác người lớn?
Vì vết thương mổ nên vợ mình cũng hơi khó khăn trong chuyện ăn uống, đi lại, sinh hoạt, kiêng cữ. Chưa kể, phải vừa kết hợp cho con bú bình lẫn cho con bú sữa mẹ. May mắn bà xã mình đủ sữa mẹ cho con bú nhưng vết thương mổ nên vẫn phải kỹ trong mọi thứ.
Về nhà, bà xã mình được chăm sóc theo phương pháp ở cữ đúng chuẩn truyền thống của phụ nữ Việt như ăn thực đơn có gà, heo, cá đồng, kiêng thịt bò, hải sản. Về việc tắm rửa, anh cho biết bà xã sẽ kiêng tắm cả tháng mà thay vào đó chỉ lau người và hạn chế ra ngoài.
Chăm bé thời gian đầu cũng rất vất vả nhưng may mắn vợ chồng mình có ông bà ngoại từ Texas qua trước 1 tuần lễ và ở đây thêm 1 tháng phụ chăm bé. Mình gần như không có kinh nghiệm nên chưa biết gì, bà ngoại chăm sóc cho việc tắm rửa, kiêng kị khác cho mẹ và bé nên mình cũng thấy nhẹ nhõm, an tâm hơn trong chăm sóc, thay tã cho bé. Bà còn hỗ trợ vợ mình tự vệ sinh vết mổ theo cách bác sĩ hướng dẫn nữa.
Anh không quan trọng con giống bố hay mẹ mà chỉ cầu nguyện con khoẻ mạnh, ngoan và sau này siêng năng, thông minh.
Anh có ông bà ngoại hỗ trợ rất nhiều trong việc chăm con. (Ảnh: NVCC)
Bố mẹ vợ giúp đỡ vợ chồng anh chuyện nhà cửa và chăm sóc con, vậy khoảng cách thế hệ và quan niệm chăm sóc xưa có khiến vợ chồng anh và bố mẹ có những suy nghĩ khác nhau trong quan niệm chăm sóc bé?
Thực ra mình với ông bà ngoại 2 bên thống nhất với nhau trong mọi việc chăm sóc nên 2 bên hỗ trợ nhau hết trong mọi việc, không có nhiều khác biệt lắm trong việc chăm sóc bé. Ba mẹ vợ sang giúp mình rất nhiều.
Hơn nữa, mình là người truyền thống nên tiếp thu cả 2. Những điều kiêng kỵ và những điều hiện đại phù hợp, mình học hỏi được nhiều nên không có gì là không hợp. Ông bà thương cháu lắm vì cháu đầu lòng mà.
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!