Con cái chính là mối liên hệ duy nhất giữa các cặp vợ chồng. Cho dù mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân có thể xảy ra, họ có thể đi đến quyết định ly hôn nhưng trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc con cái là điều không được phép bỏ qua. Thế nhưng, song song với những cặp cha mẹ có trách nhiệm thì cũng có người vì lý do nào đó: họ ghét người cũ, không muốn dây dưa với đứa trẻ hay không muốn đứa trẻ cản đường phía trước của họ... mà đã nhẫn tâm vứt bỏ con đẻ của mình khi cuộc hôn nhân kết thúc.
Một câu chuyện gây xôn xao mạng xã hội Trung Quốc những ngày qua đang nhắc đến một cặp cha mẹ được cho là vô trách nhiệm với con cái như vậy. Sự việc xảy ra vào một buổi chiều cách đây không lâu tại đồn cảnh sát một quận thuộc thành phố Trấn Giang (Trung Quốc) khiến ai cũng bức xúc khi nhắc tới.
Được biết, vào buổi chiều hôm xảy ra sự việc, cảnh sát địa phương tiếp nhận một cặp vợ chồng già bế trên tay một bé gái 9 tháng tuổi. Họ nói rằng họ nhặt được một đứa trẻ bị bỏ rơi trước cửa nhà mình nên đem trình báo.
Tuy nhiên, phía cảnh sát điều tra thì thấy cặp vợ chồng này không sống trong khu vực thuộc quyền quản lý của đồn cảnh sát nên đã rất nghi ngờ về lý do tại sao lại có sự xuất hiện của đứa trẻ cũng như cách họ đem đứa trẻ đến. Sau một hồi tra hỏi, người chồng già này cũng khai nhận đứa trẻ chính là cháu gái của một người quen cũ. Trước khi cảnh sát kịp phản ứng và nhân lúc sơ hở, cặp vợ chồng già đã để đứa bé lại và bỏ đi rất nhanh.
Cảnh sát nhanh chóng vào việc điều tra, tìm hiểu nhân thân của bé gái bị bỏ rơi thì được biết, bố mẹ bé đã ly hôn và cả hai không ai nhận chăm sóc cho đứa trẻ. Chính vì thế họ đã nhờ người đưa con đến đồn công an để... gửi chăm sóc. Phía cảnh sát cũng đã liên lạc với cha mẹ của bé gái nhưng cả hai đều không muốn nhận lại con.
Đáng nói hơn, khi cảnh sát tìm đến nhà cha đứa bé, cả gia đình đều đóng cửa ăn uống ở trong nhà và quyết không mở cửa. Còn với gia đình mẹ bé gái, họ cũng... quay lưng lại với đứa trẻ tội nghiệp.
Không còn cách nào khác, các cảnh sát quận đành phải tạm thời chăm sóc đứa trẻ. Hơn chục công an viên, cảnh sát phụ trách thay phiên nhau mua sữa bột, tã về thay cho em bé. Gong Yunhui - Trợ lý cảnh sát của Sở cảnh sát Liên Hồ thuộc Sở công an thành phố Trấn Giang đã chủ động yêu cầu một cấp dưới đưa bé gái về nhà vì gia đình đồng chí này có một đứa trẻ chạc tuổi bé gái nên việc chăm sóc có phần thuận tiện hơn.
Rất may, vào ngày hôm sau, sau khi nhân thân của bé gái được yêu cầu đến sở để làm việc. Khi kiên nhẫn hòa giải kết hợp với những quy định, điều lệ của pháp luật được đưa ra, cha mẹ bé gái đã đưa con về nhà và hứa chăm sóc thật tốt. Hiện tại cả hai vợ chồng cũng giải quyết ổn thỏa chuyện ly hôn.
Cách chăm sóc, nuôi dạy con sau khi ly hôn
Theo GS.TS Lê Thị Quý – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội Trường Đại học Thăng Long, hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng ít học kiến thức về văn hóa gia đình, hứng lên thì cưới có con, giận thì ly hôn mà không biết rằng trong hôn nhân ngoài tình còn nghĩa và trách nhiệm, đặc biệt đối với con cái.
Sau ly hôn, cần phải hiểu nỗi đau của trẻ và hợp tác trong nuôi dạy chúng để chúng bớt tổn thương. Chính quyền, đoàn thể, nhân viên công tác xã hội cần chú ý giúp đỡ cho các gia đình này.
Bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con, giáo dục lối sống lành mạnh cho con giống như lúc vẫn ở với nhau. Bố mẹ đừng giáo dục con thù hằn mà phải giáo dục tình thương yêu, cảm thông với bố mẹ và những người khác.
(Ảnh minh họa)
"Theo các nghiên cứu của chúng tôi, ở Việt Nam, ly hôn để lại hậu quả lớn nhất, đau thương nhất cho trẻ em bởi cách mà cặp đôi ly hôn và cách mà Tòa án xử ly hôn. Khi yêu thì anh/em không thể sống thiếu em/anh nhưng khi ly hôn thì họ coi nhau như kẻ thù thậm chí phải triệt hạ làm cho nhau càng đau khổ càng tốt. Hai loại “vũ khí” mà họ thường dùng trong những trường hợp này là con cái và của cải.
Tòa án xử ly hôn cũng chưa thật phù hợp, thiếu chất Xã hội học. Chẳng hạn cần phải xem xét các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người được nuôi trẻ và sự đóng góp của người còn lại.
Rất nhiều vụ án Tòa xử cho mẹ nuôi con, bố đóng góp nhưng hầu hết những người chồng không thi hành án vì họ còn bận lo cho gia đình mới của họ. Hậu quả là mẹ con phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn.
Nhiều người mẹ đã trả đũa bằng cách nói xấu và không cho con gặp mặt bố và không thiếu những trường hợp người bố cũng hành xử như vậy với người mẹ khi anh ta được quyền nuôi con. Họ không biết rằng cách hành xử thiếu văn hóa và nhẫn tâm của họ đã làm cho con cái họ vô cùng tổn thương.
Trẻ em là giai đoạn non nớt của con người, cần một mái ấm gia đình che chở, cần sự đồng thuận của cha mẹ để được tự do học hành, ăn chơi, ngủ nghỉ, để lớn lên, trưởng thành cả về mặt nhân cách lẫn thân thể. Vì vậy khi Tòa hỏi “Con muốn ở với ai?” thì 100% trẻ đều khóc lóc và nói “Con muốn ở với cả hai”. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng chúng đành bất lực trước quyết định ly hôn của bố mẹ. Điều đó có nghĩa là môi trường gia đình hay hệ thống sinh thái cũ của chúng đang tan vỡ" - bà nói.