Những đứa trẻ bị bỏ rơi luôn thiệt thòi bởi chúng không chỉ không nhận được tình yêu thương của bố mẹ mà sự săn sóc sức khỏe cũng bị thiếu hụt. Caai chuyện của cậu bé châu Phi bị bỏ rơi đói đến mức chỉ còn da bọc xương đã lấy đi nước mắt của hàng triệu cha mẹ trên thế giới.
Vào ngày 30 tháng 1 năm 2016, bức ảnh nữ nhân viên cứu trợ người Đan Mạch Anja Ringgren Lovén đưa nước uống cho cậu bé 2 tuổi gầy quắt như xác khô đã gây rúng động thế giới. Cậu bé khi đó bị gia đình cho là phù thủy, bị bỏ đói và lang thang nhiều ngày do bố mẹ và cộng đồng Akwa Ibom hắt hủi.
Bức ảnh của cậu bé Hope gây rúng động thế giới.
Cậu bé da bọc xương đó may mắn được Anja, người sáng lập ra Quỹ cứu trợ giáo dục và phát triển trẻ em châu Phi (ACADEF) nhận nuôi và đặt tên là Hope. Hiện tại, Hope đang sống tại Land of Hope - một trại trẻ được vợ chồng cô Anja lập nên để cứu giúp những đứa trẻ mồ côi.
Khi Hope gặp mẹ nuôi, cậu bé đã phải lang thang nhặt đồ ăn trong thùng rác nhiều ngày, suy dinh dưỡng nặng.
Mới đây, trên trang facebook cá nhân, mẹ nuôi của Hope cho biết, sau 6 năm, cậu bé đã gặp lại bố mình. Đây là nỗ lực không ngừng của những người trong ngôi nhà Land of Hope. Điều mà mẹ Anja muốn là không chỉ trao cho cậu bé cơ hội trở về quê hương mà cũng cho những người dân trong làng thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc của cậu bé da bọc xương ngày nào.
Anja chia sẻ: "Lần trước, chúng tôi đưa Hope về quê là vào năm 2018, khi đó chúng tôi tổ chức một hội nghị về mê tín dị đoan tại tòa thị chính cho toàn thể dân làng.
Lần này Hope rất vui khi được trở lại vì cậu bé đã lớn và hiểu nhiều hơn về quê hương. Điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ là cuộc gặp mặt với chú của Hope.
Vào năm 2016, khi chúng tôi cứu Hope và đưa cậu bé về trại trẻ, người chú đang làm việc ở một bang khác. Trong cuộc nói chuyện, anh cho biết cha của Hope cũng đã trở về sống tại làng sau nhiều năm đi xa.
Và rồi chúng tôi tìm đến nhà của cha Hope. Cảm giác thật khó tin. Người chú nói rằng cậu bé rất giống bố, và cuộc gặp mặt càng khẳng định điều đó.
Cha mẹ của Hope đã ly hôn. Gặp lại con, cha của Hope đã rất ngạc nhiên. Cậu bé cũng nhìn chằm chằm vào bố. Chúng tôi phải liên tục nói với cậu bé rằng mọi thứ đều ổn.
Khi chúng tôi trở lại Hope of Land, cậu bé đã lấy điện thoại của tôi và rất hào hứng khoe với bạn bè những bức ảnh của hai bố con. Đó là cảm xúc chung giống như tất cả những đứa trẻ khác khi chúng về thăm nhà".
Cuộc gặp gỡ bất ngờ với cha của Hope ở quê nhà. Cậu bé đi cùng bạn và mẹ nuôi trong chuyến thăm quê hương
Câu chuyện nhận được rất nhiều lời động viên, chia sẻ của những người đã từng theo dõi hành trình của Hope từ những ngày sống lang thang cho tới khi tìm được sống trong trại trẻ. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, Hope không nên liên lạc lại với cha mẹ của mình, những người đã bỏ rơi cậu và đẩy cậu ra đường. Nơi cậu đang sống hiện nay mới thực sự là nhà, và chỉ ở đó cậu mới tìm thấy sự bình yên cũng như hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Đáp lại những bình luận này, mẹ nuôi của Hope thẳng thắn cho biết: "Hope sẽ không sống với cha hoặc mẹ của cậu bé vì nhiều lý do. Nhưng bất kể điều gì đã xảy ra trong quá khứ, trẻ em cần phải biết cội nguồn của mình. Trẻ em cần biết chúng đến từ đâu vì nó giúp hình thành bản sắc cá nhân.
Hope có quyền có một danh tính, đó là một quyền cơ bản của con người. Đối với Hope để biết thêm về nền tảng văn hóa và nơi xuất thân sẽ giúp cậu bé phát triển ý thức mạnh mẽ về con người của chính mình
Việc Hope khi biết mình đến từ đâu không có nghĩa là cậu bé sẽ quên những gì đã xảy ra, ngược lại, nó sẽ giúp cậu bé trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc sống của mình".
Quả thật, sau 6 năm, Hope càng chứng tỏ sự mạnh mẽ và trưởng thành của mình trong ngôi nhà đầy ắp tình yêu của cha mẹ nuôi. Lúc được mẹ đưa tới đây, cậu bé bị suy dinh dưỡng nặng, mắc nhiều bệnh do những ngày tháng lang thang, nhặt đồ ăn thừa trong thùng rác. Chị Anja cho biết đã có những lúc cậu bé rơi vào tình trạng nguy kịch trong viện và không ai biết cậu bé có thể tiếp tục cuộc sống được hay không.
Mẹ Anja cho biết khi nhận Hope, có lúc tưởng cậu bé đã không thể may mắn chiến thắng Thần Chết vì tình trạng bệnh tật, suy dinh dưỡng nặng.
Vậy mà giờ đây, cậu bé phù thủy đã bước sang 8 tuổi, cao lớn, mạnh mẽ và đặc biệt là luôn nở nụ cười tươi trên môi. Không chỉ được ăn uống, học hành đầy đủ, có nhiều bạn bè thân thiết, Hope còn được tham gia thể thao, các hoạt động ngoại khóa. Mẹ nuôi của Hope tiết lộ cậu bé thích vẽ và được gọi là họa sĩ Picasso nhí. Rất nhiều bức tranh của Hope đã được nhiều người chọn mua. Chị chia sẻ: "Hope là cậu bé đáng yêu và thích các hoạt động sáng tạo. Mọi thứ Hope làm đều với niềm đam mê mãnh liệt và hướng tới sự hoàn hảo. Cậu bé luôn muốn thử mọi điều người khác làm nhưng theo một cách riêng của mình. Nhờ những sáng tạo đó, Hope đã biến mọi thứ trở nên khác biệt."
Cậu bé 8 tuổi đam mê vẽ tranh, thích thể hiện hội họa theo một cách rất riêng.
Bạn bè ở mái nhà Land of Hope mang tới cho Hope niềm hạnh phúc.
Nhìn lại 6 năm cùng đồng hành bên Hope, chứng kiến sự thay đổi và trưởng thành của con, mẹ Anja khẳng định: "Câu chuyện về Hope không phải là một câu chuyện đau lòng hay thảm họa. Đúng hơn, đó là một câu chuyện chứng minh rằng chúng ta sẽ tiếp tục lên tiếng để bảo vệ quyền của trẻ em cho đến khi những đứa trẻ vô tội không còn bị cáo buộc là phù thủy.
Câu chuyện cảm động về cậu bé Hope sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người như cô Anja trong cuộc hành trình bảo vệ những trẻ em bất hạnh trên toàn thế giới.