Lấy nhau được 6 năm, Bùi Minh Phượng mới mang thai. Vì hiếm muộn nên chị Phượng quyết định xin nghỉ việc không lương để ở nhà dưỡng thai. Hễ nghe ai mách ăn gì tốt cho thai nhi là cả mẹ chồng và mẹ đẻ lại chế biến chăm sóc cho chị Phượng. Chỉ trong 5 tháng đầu, chị Phượng tăng 9kg, tháng thứ 7 đi khám thai, chị Phượng đã tăng đến 17 kg.
Tăng cân quá nhiều trong khi mang thai dễ có nguy cơ bị tiểu đường thai nghén. (Ảnh minh họa)
Khi đi khám thai, vợ chồng chị Phượng đã choáng váng khi nghe bác sĩ thông báo chị bị tiểu đường thai nghén. Điều này có nghĩa là chị Phượng có nguy cơ cao xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường như: Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh. Tỷ lệ các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ bị tiền sản giật khoảng 12% cao hơn so với các thai phụ không bị đái tháo đường thai kỳ; sinh non; sảy thai và thai lưu;
Về lâu dài, chị Phượng còn có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai và còn có nguy cơ bị đái tháo đường trong những lần mang thai tiếp theo…
Không chỉ ảnh hưởng đến mẹ, em bé trong bụng chị Phượng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng như thai tăng trưởng quá mức, hạ glucose huyết tương và các bệnh lý chuyển hóa ở trẻ sơ sinh, hội chứng nguy kịch hô hấp, vàng da sơ sinh, thậm chí trẻ còn có nguy cơ tử vong ngay sau khi sinh.
TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng việc tăng cân quá nhiều so với tiêu chuẩn ở phụ nữ mang thai ngoài nguy cơ bị cao huyết áp, tiểu đường thai nghén (trong quá trình mang thai, nếu đường huyết cao mà không được khống chế hiệu quả thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đáng tiếc là rất lớn: người mẹ dễ bị sẩy thai, sinh non hoặc thai dễ chết lưu. Con của thai phụ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị tốt thường rất nặng cân nhưng lại dễ bị suy hô hấp) còn có nguy cơ bị phù nếu tăng cân quá nhanh trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mỗi tuần tăng trên 1kg mỗi tuần là dấu hiệu đáng báo động.
Phụ nữ mang thai tăng từ 15kg trở lên dễ sinh con thừa cân. (Ảnh minh họa)
Thông thường mức tăng cân của bà mẹ mang thai trong thời gian 9 tháng lý tưởng nhất là từ 10-12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg. Nếu 3 tháng giữa tăng dưới 3kg và 3 tháng cuối tăng dưới 4kg thì người mẹ có nguy cơ đẻ bị đẻ non hoặc suy dinh dưỡng bào thai, đứa trẻ thường chỉ đạt cân nặng dưới 2.5kg. Nếu bà mẹ tăng quá nhiều lại sinh ra những đứa trẻ thừa cân và có nguy cơ phải mổ đẻ.
Phụ nữ mang thai tăng từ 15kg trở lên dễ sinh con thừa cân (trên 3,8kg nếu trẻ sơ sinh chào đời đủ tháng). Hầu hết trẻ sơ sinh vượt ngưỡng cân nặng này đều phải được chăm sóc theo dõi chặt chẽ trong những ngày đầu. Trẻ sơ sinh càng to, thì khả năng phải mổ đẻ của người mẹ càng cao, kéo theo việc mẹ chậm có sữa nuôi con, phải dùng sữa ngoài khiến sức đề kháng của trẻ yếu.
Ngược lại với việc tăng cân quá nhiều, phụ nữ mang thai có thể bị thiếu cân do chán ăn một hoặc nhiều món ăn, buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón thường do một số nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng như: Buồn nôn, nôn thường liên quan đến thiếu vitamin B6. Rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy do ăn phải thức ăn khó tiêu hoặc không an toàn. Táo bón do liên quan đến thiếu chất xơ, ít uống nước, số lượng thực phẩm tiêu thụ không đủ và cả do giảm nhu động ruột khi mang thai. Chuột rút do thiếu Can xi và vitamin D. Vì vậy, khi có bầu, phụ nữ cần phải lắng nghe cơ thể để biết mình đang thiếu gì để cung cấp đủ các thành phần dinh dưỡng, vi chất sẽ giảm các biểu hiện trên cho phụ nữ có thai.