Theo kết quả điều tra hiện trạng dinh dưỡng và sức khỏe của cư dân Trung Quốc, do Ban công tác trẻ em của Liên đoàn phụ nữ toàn Trung Quốc ban hành, tỷ lệ trẻ em thiếu kẽm ở đất nước này là 39%, bằng một nửa so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Dữ liệu này cho thấy rằng các bậc cha mẹ Trung Quốc thường bỏ qua việc bổ sung kẽm cho con và thiếu hiểu biết về kẽm. Thực tế, nếu trẻ nhỏ không được cung cấp đủ kẽm sẽ tác động đến nhiều khía cạnh của sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chiều cao, khả năng miễn dịch, trí thông minh, giảm thị lực, giảm cảm giác thèm ăn, suy dinh dưỡng...
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ quá chú trọng đến vai trò của canxi đối với sự tăng trưởng của trẻ mà bỏ qua tầm quan trọng của kẽm, ít ai biết rằng nguyên tố vi lượng nhỏ này lại mang đến nhiều lợi ích lớn cho cơ thể trẻ.
Thúc đẩy phát triển chiều cao
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn và tăng cân nhanh đối với trẻ suy dinh dưỡng. Đồng thời, kẽm cũng có vai trò thúc đẩy tăng trưởng chiều cao của trẻ thông qua IGF-I.
Kẽm có thể thúc đẩy quá trình phân chia và trao đổi chất của tế bào, đồng thời kẽm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tổng hợp hormone tăng trưởng, sự phát triển chiều cao của trẻ không thể tách rời sự trợ giúp của hormone tăng trưởng.
Nếu cơ thể thiếu kẽm thì sự phân chia tế bào khó xảy ra làm chậm phát triển chiều cao ở trẻ, rối loạn phát triển xương, dậy thì chậm và giảm chức năng sinh dục.
Trẻ thiếu kẽm dễ gây ra tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Cải thiện khả năng miễn dịch
Kẽm giúp hỗ trợ và duy trì hoạt động của hệ thống miễn dịch. Kẽm kích thích sự phát triển và biệt hoá các tế bào miễn dịch lympho B và lympho T, tạo nên một hệ phòng thủ để cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, giúp cho trẻ có sức chống đỡ bệnh tật tốt.
Đồng thời, bổ sung kẽm có thể thúc đẩy sự phát triển và cải thiện các cơ quan miễn dịch của trẻ (hạch, tuyến ức, lá lách).
Thiếu kẽm làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết tế bào miễn dịch dẫn đến tổn thương chức năng miễn dịch, thể lực kém, trẻ dễ bị cảm, tiêu chảy, sốt, nghiêm trọng hơn có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong.
Thúc đẩy phát triển trí tuệ
Lượng kẽm ở hệ thần kinh chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong cơ thể. Kẽm giúp duy trì ổn định hoạt động của các tế bào thần kinh, phát triển trí não, trí lực, trí nhớ và giảm căng thẳng, lo âu. Khi được được bổ sung đầy đủ kẽm, trẻ sẽ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Bên cạnh đó, quá trình tổng hợp protein và tế bào não không thể tách rời nguyên tố kẽm, thiếu kẽm sẽ dẫn đến rối loạn tổng hợp DNA và protein của não, ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.
Bổ sung đủ kẽm giúp trẻ cải thiện chiều cao, tăng khả năng miễn dịch, trí thông minh.
Trẻ thiếu kẽm dễ bị chậm phát triển trí tuệ, kém chú ý, không đáp ứng, sẽ dẫn đến kết quả học tập kém và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Nhằm giúp các bậc phụ huynh có thêm thông tin cũng như kinh nghiệm trong việc bổ sung đủ kẽm cho trẻ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có những chia sẽ hữu ích xoay quanh vấn đề này.
BS Nguyễn Thị Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Thưa bác sĩ, trẻ thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và trí thông minh thế nào?
Kẽm là thành phần thiết yếu đối với cơ thể, bởi vì kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương, cơ bắp và trí não của trẻ. Vì vậy khi thiếu kẽm trẻ có thể bị một số ảnh hưởng:
Có thể chậm phát triển về thể chất, rối loạn về não bộ như động kinh, trầm cảm, kém tập trung….
Thiếu kẽm cũng sẽ làm trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng dẫn đến còi cọc, suy dinh dưỡng.
Các vấn đề về da, tóc, móng như mụn, rụng tóc, móng dễ gãy đều liên quan đến việc thiếu kẽm.
Thiếu kẽm còn gây ra 1 số vấn đề về cơ quan sinh sản, bệnh tiểu đường, viêm lợi…
Dấu hiệu nào giúp cha mẹ nhận biết trẻ đang thiếu kẽm?
Các dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ đang thiếu kẽm:
Trẻ thiếu chất dinh dưỡng : nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi…
Các vấn đề về tiêu hoá : chán ăn, hấp thu kém, khó tiêu, táo bón nhẹ..
Các dấu hiệu về trí não, thần kinh : Trằn trọc, khó ngủ, tiếp thu chậm, giảm trí nhớ, mơ màng, đau đầu, trầm cảm…
Các bệnh hô hấp tái đi tái lại do suy giảm hệ thống miễn dịch
Các tình trạng bên ngoài trên da tóc, móng như mụn, khô ngứa, bong chóc, vảy nến, nám, dị ứng, chàm,viêm lợi, vết thương lâu lành…
Một số phụ huynh vì lo lắng mà tự ý bổ sung kẽm cho con, thưa bác sĩ điều này có được khuyến khích không? và bổ sung kẽm sai cách sẽ tạo ra những hệ lụy nào?
Kẽm là thành phần không thể thiếu trong sự phát triển của trẻ. Bổ sung kẽm đúng cách sẽ giúp trẻ có hệ thống miễn dịch tốt, kích thích vị giác ăn ngon miệng, phát triển trí não, cân nặng và chiều cao.
Ngoài ra, việc bổ sung kẽm cho trẻ còn hỗ trợ tốt đối với các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng da…Tuy nhiên ba mẹ cần đưa trẻ đi khám để được làm các xét nghiệm cần thiết trước khi bổ sung vì các dấu hiệu có thể là biểu hiện của các bệnh lý khác, uống kẽm không đúng cách, không hợp lý sẽ gây ra tác hại xấu cho sức khỏe của bé.
Bác sĩ có thể hướng dẫn cha mẹ cách bổ sung kẽm hợp lý cho trẻ
Tùy theo từng độ tuổi khác nhau mà lượng kẽm cần được cung cấp cũng khác nhau. Theo nghiên cứu của tổ chức y tế Thế giới:
Trẻ dưới 6 tháng: 2mg/ngày
7 tháng- 3 tuổi: 3mg/ngày
4 – 8 tuổi: 5mg/ngày
9 – 13 tuổi: 8mg/ngày
Trên 14 tuổi: 9- 11mg/ngày
Lưu ý: Không uống kẽm cùng lúc với canxi hoặc sắt vì sẽ làm giảm tác dụng tốt nhất nên uống cách nhau 2 tiếng.
Cha mẹ cần đa dạng các nhóm thực phẩm trong các bữa ăn, muốn hiệu quả thì nên bổ sung cho bé các loại hải sản, đặc biệt trong các loại có vỏ như cua, nghêu, hàu, hến…Ngoài ra các loại thịt, loại hạt, ngũ cốc, trứng, sữa cũng cung cấp lượng kẽm dối dào.