Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng

Trẻ nhỏ uống đủ lượng nước và đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe và sự phát triển thể chất về sau.

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu nước ở trẻ em cũng tăng cao nhằm giúp điều hòa thân nhiệt, chống nóng và bù vào lượng nước mất do đổ mồ hôi. Thiếu nước hoặc mất nước có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải, các cơ quan không hoạt động bình thường và nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ khác.

Uống nước là điều cần thiết nhưng cần uống bao nhiêu nước và uống như thế nào để có lợi cho sức khoẻ của con thì không hẳn bố mẹ nào cũng biết.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 3

Một số dấu hiệu trẻ bị thiếu nước

Trên thực tế, có nhiều trẻ em vẫn chưa uống đủ nước vì mải chơi, chưa nhận thức được tầm quan trọng của nước đối với cơ thể,... Ngoài ra nếu trẻ hoạt động nhiều hoặc bị bệnh như tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao thì rất dễ bị mất nước, thiếu nước.

Một trong những phản ứng đầu tiên của cơ thể khi thiếu nước là cảm giác khát. Bên cạnh đó, việc trẻ ít năng động hơn thường ngày, nước tiểu sẫm màu hơn, môi khô, đau đầu hoặc nhịp tim nhanh cũng là dấu hiệu cho thấy con đang bị thiếu nước.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 4

Trẻ bị sốt là dấu hiệu thường thấy khi trẻ mất nước.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 5

Những cách cha mẹ có thể áp dụng để khuyến khích con uống đủ nước

Để phòng tránh tình trạng mất nước và thiếu nước ở trẻ, phụ huynh nên nhắc nhở con uống nước thường xuyên, đồng thời chú ý đến các biểu hiện mất nước (nếu có), nhất là trong những ngày hè nắng nóng như hiện tại.

Cha mẹ có thể khuyến khích con uống đủ nước bằng những cách sau:

- Để nước uống trong tầm mắt trẻ: Việc các bình nước được đặt trong tầm nhìn và tầm với sẽ giúp trẻ nhớ đến việc uống nước và tự lấy nước khi cần. 

- Trang bị bình nước riêng cho con: Một chiếc bình yêu thích có thể giúp con thích thú với việc uống nước hơn. Bên cạnh đó, uống nước trong bình riêng sẽ giúp cha mẹ dễ dàng kiểm soát được lượng nước con uống hàng ngày.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 6

Nước đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, do đó cha mẹ nên khuyến khích con uống đủ lượng nước mỗi ngày.

- Đặt ra khung giờ uống nước cố định: Giúp trẻ hình thành thói quen uống đủ nước bằng những khung giờ trong ngày như khi mới ngủ dậy, trước bữa ăn, đầu giờ chiều,... Theo thời gian, con sẽ quen với việc uống nước thường xuyên thay vì chỉ uống nước khi khát.

- Trở thành tấm gương của con: Trẻ em có xu hướng bắt chước người lớn. Do đó, việc cha mẹ thường xuyên uống nước trước mặt con là cách tinh tế khuyến khích trẻ uống thêm nước. Qua đó cả nhà đều hưởng lợi từ việc uống đủ nước và khoẻ mạnh hơn.

Tiến sĩ - Bác sĩ Phạm Diệp Thuỳ Dương, giảng viên chính Bộ môn Nhi Đại học Y dược TP.HCM, sẽ giúp các bậc phụ huynh giải đáp thắc mắc và cung cấp thêm một số thông tin hữu ích về nhu cầu nước ở trẻ em.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 7

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 8

Tầm quan trọng của nước đối với sức khỏe của trẻ?

Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể mọi sinh vật sống. Nước tham gia vào mọi quá trình và phản ứng của cơ thể con người, giúp duy trì cân bằng môi trường bên trong cơ thể, vận chuyển dưỡng chất đến tế bào và loại bỏ chất thải từ quá trình chuyển hóa. Nước còn giúp điều hòa thân nhiệt, làm đầy mạch máu và giúp cho máu lưu thông dễ dàng trong lòng mạch. 

Nước chiếm phần lớn trọng lượng cơ thể. Ở trẻ em, tỷ lệ nước chiếm đến khoảng 75%, cao hơn ở người lớn (60%). 

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 9

Một số cha mẹ tin rằng cho trẻ uống nước càng nhiều càng tốt, nên cố gắng cho trẻ uống nước nhiều hơn. Theo bác sĩ nhận định này có đúng không?

Chuyển hoá nước trong cơ thể luôn được điều hoà chặt chẽ, số lượng nước đưa vào hàng ngày luôn cân bằng với số lượng nước bài tiết ra. Do đó, uống nước vừa đủ là được. Quá thừa nước sẽ gây nhiều biến chứng (hạ Natri máu, suy tim, suy thận, …). Thiếu nước sẽ gây mất nước, nặng hơn là tụt huyết áp, trụy tim mạch. Thực tế, tình trạng thiếu nước thường gặp hơn là thừa nước.

Nhu cầu nước ở trẻ em cao hơn người lớn và thay đổi theo tình trạng bệnh lý hay hoạt động của cơ thể. Ví dụ như khi sốt, tiêu chảy, nôn, trời nóng, hoạt động thể chất nhiều thì nhu cầu nước cũng tăng lên. 

Nhu cầu nước của trẻ sẽ được tính theo kg cân nặng: 100 ml/kg cho 10 ký đầu; 50ml/kg cho 10 kg kế; và 20 ml/kg cho những ký sau đó. Ví dụ một trẻ 25kg sẽ cần tổng cộng (100x10) + (50x10) + (20x5) = 1600ml nước mỗi ngày. 

Thực phẩm không lỏng (cơm, bánh mì, táo, bánh,…) chứa có 20% nhu cầu nước. Do đó em bé 25kg ở trên cần thêm nước từ thực phẩm lỏng (nước, sữa, canh súp, …) khoảng 1280 ml/ngày (1600ml - 320ml từ thực phẩm không lỏng).

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 10

Trẻ em uống nhiều nước sẽ có sự phát triển trí não mạnh mẽ hơn, theo bác sĩ điều này có đúng không? 

Không có cơ sở khoa học nào cho việc uống nhiều nước thì phát triển trí não mạnh mẽ. Điều quan trọng là cần phải uống đủ nước, không thiếu cũng không thừa. Sự phát triển trí não phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: sức khỏe chung (bao gồm dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng, trong đó có nước), giấc ngủ đủ và sâu, hoạt động thể chất đều đặn và phù hợp.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 11

Cha mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ uống nước?

- Nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên mà không để khát mới uống, vì khi khát là cơ thể đã thiếu nước rồi. Trẻ thường ham chơi nên quên mất uống nước, hoặc chủ động nhịn uống để khỏi tiểu. Đặc biệt là trong mùa nắng nóng, cần phải chú ý nhắc trẻ uống đủ nước.

- Chia nhỏ ra uống nhiều lần, không nên uống quá nhiều cùng một lúc gây ấm ách hoặc trào ngược, hạn chế nằm hay chạy nhảy sau khi uống nhiều nước ít nhất 30 phút.

- Chú ý nguồn nước sạch hợp vệ sinh.

- Có thể cung cấp nước dưới nhiều dạng khác nhau: nước chín, nước lọc, nước cam, nước dừa tươi, nước dưa hấu, nước súp, sữa,.... Nước ép trái cây tươi cung cấp nước, nhiều vitamin và khoáng chất cho cơ thể như nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… Cần lưu ý khi uống không nên cho thêm đường và không nên uống quá nhiều vì ngọt. 

- Thực tế hiện nay, rất nhiều trẻ hiếm khi uống nước, mà thường sử dụng đồ uống có đường, nước ép công nghiệp, nước giải khát có ga, trà sữa,... thay thế cho nước lọc. Những thức uống này có nhiều đường, ít khoáng chất, ít vitamin, dùng nhiều có thể dẫn đến thừa cân/ béo phì, hoặc đầy bụng, biếng ăn do cung cấp năng lượng rỗng. Bố mẹ cũng cần tránh cho con uống cà phê và các loại nước tăng lực.

Không phải uống nhiều nước là tốt: Chuyên gia khuyên mẹ cho con uống nước dựa theo cân nặng - 12

Cho trẻ uống nước thế nào đúng cách vào mùa nóng?

Cần uống thêm nước vì đổ nhiều mồ hôi. Một lượng nước trong đó nên có bổ sung thêm điện giải, ví dụ như nước khoáng (chứa các chất khoáng như natri, kali, can-xi, magie … ), nước dừa tươi thêm ít muối, nước súp,…

Một số người cho rằng uống thức uống lạnh có thể gây đau họng hoặc cảm lạnh. Dù không có bằng chứng khoa học cho việc này, cũng nên tránh uống nước quá lạnh, đặc biệt là khi chơi ngoài nắng vào, vì có thể gây khó chịu, đau đầu.

Cảm ơn bác sĩ đã chia sẻ!

Trẻ sơ sinh có cần uống nước? Làm sai sẽ ảnh hưởng phát triển cân nặng chiều cao của con
Theo Hạ Mây (thoidaiplus.giadinh.net.vn)