Từ trước tới nay, đạo lý tôn sư trọng đạo vẫn là một nét văn hóa, cách sống mà con người cần phải đề cao. Thầy cô giáo là “ngọn đèn soi đường” cho trẻ, dạy trẻ kiến thức, chăm sóc trẻ, giúp trẻ trưởng thành hơn. Chính vì điều này, trong xã hội hiện đại, khi con người có điều kiện kinh tế hơn, nhiều ông bố bà mẹ muốn con mình được cô giáo quan tâm hơn nên đã dành tặng cô giáo nhiều món quà để gây ấn tượng. Nhưng điều này vô tình cũng gây ra những hệ lụy xấu, tạo nên một luồng gió không tích cực.
Trong cuộc chạy đua của các ông bố bà mẹ, họ hi vọng rằng con mình sẽ “chiến thắng ngay từ vạch xuất phát” (Ảnh minh họa)
Cô Li, sống ở Nam Kinh, Trung Quốc. Cô có một cô con gái nhỏ đang học ở một trường mẫu giáo nổi tiếng trong thành phố. Ban đầu, khi lựa chọn ngôi trường này, cô nghĩ rằng chọn trường tốt cho con một chút sẽ tạo xuất phát điểm tốt cho con sau này. Nhưng gần đây, cô bắt đầu cảm thấy khó chịu trước những vấn đề gặp phải khi con theo học tại đây.
Chuyện là, khi đến đón con, cô được biết, một số phụ huynh đã tặng quà riêng cho giáo viên. Cô nghĩ rằng đây là vấn đề cá nhân của mỗi người, nên không quá bận tâm, cô tin rằng cô giáo sẽ không vì thế mà đối xử khác biệt với con mình.
Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, vài ngày sau đó, trong nhóm trao đổi, kết nối với các phụ huynh, cô giáo đã viết mấy lời cảm ơn và gây nên một cú “bùng nổ” giận dữ trong nhóm phụ huynh. Nội dung cô viết là: “Cảm ơn cha mẹ của Hao Hao về món quà. Bánh rất ngon, cả nhà đã rất thích".
Chỉ là một lời cảm ơn đơn giản về việc phụ huynh trong nhóm đã tặng quà nhưng lại khiến mọi người nổi cơn thịnh nộ. Lý do là vì, Hao Hao là một học sinh trong lớp. Bé xuất thân trong một gia đình có điều kiện và họ đã tặng quà cho cô giáo cách đây vài ngày. Nhiều phụ huynh biết chuyện này nên cảm thấy không hài lòng. Việc cô giáo công khai cảm ơn như thế trên hội nhóm rõ ràng đang bộc lộ cảm xúc không hài lòng với những gia đình khác đã không tặng quà.
Sự vụ này đã bùng nổ lên, phụ huynh làm ầm. Cuối cùng, nhà trường biết chuyện. Để xoa dịu sự tức tối của phụ huynh, nhà trường ra quyết định xử lý nhắc nhở cô thiếu khéo léo.
Nhiều phụ huynh cảm thấy hài lòng với kết quả này. Họ cho rằng cách giải quyết như vậy sẽ ngăn không có sự so sánh giữa các phụ huynh, học sinh với nhau, để cô giáo đối xử bình đẳng với tất cả các học sinh trong lớp.
Tuy nhiên phải thừa nhận rằng việc tặng quà, thể hiện tình cảm dành cho các giáo viên cũng là một lễ nghĩa đẹp và phổ biến trong thời buổi hiện nay. Vậy làm sao để hành động đẹp này không phản cảm, hợp lý, hợp tình?
Cha mẹ cần là chính mình
Trong xã hội, nhiều bậc cha mẹ nói và làm không đồng nhất. Họ không hiểu rằng muốn con cái phát triển nhân cách tốt thì chính bản thân mình phải làm gương. Rất nhiều gia đình trước mặt mọi người thì chê trách, coi việc tặng quà là xấu, không nên, nhưng sau lưng, sợ con mình bị cô giáo phân biệt đối xử nên vẫn lẳng lặng đi mua quà để tặng. Cha mẹ lo con bị tụt hậu, không dám bỏ qua việc tặng quà, 1 mặt họ tỏ ra coi thường hành vi tặng quà nhưng lại ngấm ngầm cổ súy cho trào lưu này.
Giáo viên cần giữ đạo đức nghề nghiệp
Trách nhiệm của người giáo viên là một lòng một dạ dạy dỗ cho trẻ, không phân biệt những học trò giàu – nghèo khác nhau mà mình từng dạy. Thế nhưng cuộc sống hiện đại đôi khi đã làm nhiều người biến tướng lối suy nghĩ, không còn giữ được đạo đức nghề nghiệp. Sự bất bình đẳng trong cách đối xử với trẻ chỉ vì việc bố mẹ tặng quà nhiều hay ít là một điều thật tệ hại. Hãy nhớ rằng, những đứa trẻ hoàn toàn trong trắng, như tờ giấy trắng, chúng không hề có lỗi trong chuyện này vì thế đừng gây ra bóng đen ám ảnh tâm hồn trẻ.
Cân bằng mối quan hệ giữa giáo viên, cha mẹ và con cái
Cha mẹ mong con cái được học hành tốt hơn, điều này là hợp lý, nhưng họ không nên làm hoen ố xã hội nhỏ bé mà trẻ mới bước vào. Trường học là thế giới thu nhỏ của trẻ khi bước vào xã hội, trường học phải là nơi truyền thụ và hỗ trợ trẻ trưởng thành. Một khi bị ảnh hưởng bởi hành vi xấu giữa cha mẹ và giáo viên, đứa trẻ sẽ nhận được một nền giáo dục khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc tu dưỡng nhân sinh quan của đứa trẻ. Vì vậy, thầy cô, cha mẹ và con cái vẫn nên duy trì mối quan hệ đáng lẽ phải có, chứ không nên vượt quá mối quan hệ này và làm điều gì đó vi phạm đạo đức nhà giáo và cản trở sự trưởng thành của trẻ.