Như chúng ta đã biết, trẻ ở độ tuổi lên 3 bước vào thời kỳ phát triển quan trọng cả về ngôn ngữ, thể chất và trí tuệ. Hầu hết trẻ sẽ có khả năng làm theo hướng dẫn và bày tỏ nhu cầu cũng như suy nghĩ của mình tốt hơn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ trẻ mới biết đi sang trẻ mẫu giáo thường có thể hơi gập ghềnh. Để con được phát triển tốt nhất trong giai đoạn này, bố mẹ cần có những phương pháp dành riêng cho việc dạy trẻ 3 tuổi.
Vi sao 3 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ?
Đây là lúc tâm lý của con bắt đầu thay đổi khi chuyển giai đoạn từ lúc chập chững biết đi bước vào một môi trường mới. Trẻ 3 tuổi sẽ trở nên hiếu động, lém lỉnh hơn nhưng đôi khi trẻ sẽ đòi hỏi, đưa ra nhiều yêu sách với bố mẹ và thỉnh thoảng sẽ có những hành động bộc phát. Vì vậy việc dạy trẻ 3 tuổi biết nghe lời và ngoan ngoãn là không hề dễ dàng.
Trẻ bắt đầu hình thành “Cái tôi” của bản thân
Trẻ 3 tuổi sẽ bắt đầu hình thành nên ý thức về cái tôi của bản thân mình, có khả năng biết cơ thể mỗi người là riêng biệt, phân biệt được giữa con trai và con gái, phân biệt được giữa bản thân mình và thế giới xung quanh.
Thời điểm này, trẻ bé đã nảy sinh ra suy nghĩ phân biệt giữa bản thân mình và người khác, bắt đầu biết so sánh nhất định. Trẻ sẽ rất hứng thú với những lời nhận xét của người khác về mình, cũng như thích được nhận lời khen từ người lớn.
“Cái tôi” ở bên trong của bé sẽ liên tục thúc đẩy bé tự làm mọi việc hàng ngày, muốn làm mọi việc bằng chính bản thân mình và muốn kiểm soát được tất cả đồ vật bên trong nhà như một người lớn thật sự.
Trẻ 3 tuổi sẽ trở nên hiếu động, lém lỉnh hơn nhưng đôi khi trẻ sẽ đòi hỏi, đưa ra nhiều yêu sách với bố mẹ và thỉnh thoảng sẽ có những hành động bộc phát.
Quan tâm nhiều đến thế giới xung quanh mình
Trẻ cũng nhận thức được thế giới mình đang sống và trở nên nhạy cảm hơn với nó. Bé sẵn sàng tương tác trực tiếp với mọi người xung quanh, biết xếp hàng để chờ đợi đến lượt mình và biết chia sẻ đồ chơi với những bạn mà mình yêu quý.
Khi lên 3 tuổi, trí tò mò và mong muốn khám phá sự vật, sự việc cũng rất mạnh mẽ. Dần dần, bé biến đồ chơi của mình thành các môn luyện tập kỹ năng đơn giản và biết dùng các đồ chơi đó làm nên các trò chơi theo trí tưởng tượng của trẻ.
Trẻ sẽ để ý hơn đến các vật dụng xung quanh ngôi nhà, chăm chú hơn với các hiện tượng bên ngoài cửa sổ, từng cử chỉ hay việc làm của người lớn cũng được trẻ chú ý.
Trẻ 3 tuổi cũng cởi mở hơn ngay cả khi giao tiếp với người lạ.
Thể hiện cảm xúc rõ rệt giữa yêu và ghét
Trẻ 3 tuổi cũng cởi mở hơn ngay cả khi giao tiếp với người lạ. Tuy nhiên, mức độ thể hiện được đến đâu sẽ phụ thuộc vào tính cách của từng trẻ khác nhau.
Lúc này, trẻ cũng đã có sự tự ý thức về cảm xúc rất rõ rệt, bé cũng biết bày tỏ tình cảm của mình đối với người thân yêu.
Nếu bị người lớn quở trách hoặc lên án, bé đã biết xấu hổ, buồn bã và hoảng sợ. Hay khi được bố mẹ khen thưởng, bé sẽ ôm chầm lấy bố mẹ và sự vui vẻ hiện rõ lên khuôn mặt.
Vậy bố mẹ nên chú ý dạy điều gì cho trẻ 3 tuổi?
Giáo sư Qian Zhiliang, chuyên gia giáo dục nổi tiếng tại Trung Quốc cho biết, trong giáo dục mầm non cho bé dưới 3 tuổi, bố mẹ nên tập trung làm tốt những điều sau đây, nếu bõ lỡ sẽ khó tạo dựng một nền tảng vững chắc chp quá trình phát triển của trẻ về sau.
Dạy trẻ biết nói nhiều hơn
Nếu bố mẹ muốn cải thiện khả năng nhận thức của bé, thì giao tiếp với con chính là chìa khóa quan trọng. Bởi giai đoạn này, trẻ có khả năng nói được tên và tuổi của mình nếu được bố mẹ dạy và thường xuyên hỏi đến.
Trẻ cũng đã trả lời được những câu hỏi đơn giản của người khác, hơn nữa còn nói được những câu có khoảng 5-6 từ, đủ để mọi người hiểu được ý bé đang muốn nói gì.
Ngoài ra, con có thể nhớ được 10 đồ vật quen thuộc và lặp lại các vần điệu đơn giản. Nhờ khả năng ghi nhớ này, bố mẹ hãy kể chuyện cho con nghe thường xuyên, con sẽ kể lại được câu chuyện theo ý hiểu bằng cả những câu nói ngắn và diễn tả qua hành động.
Do đó, thời điểm này nếu bố mẹ tương tác với con, trò chuyện nhiều hơn sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ hiệu quả.
Nếu bố mẹ muốn cải thiện khả năng nhận thức của bé, thì giao tiếp với con chính là chìa khóa quan trọng.
Biết lắng nghe và bộc lộ cảm xúc đúng cách
Ở độ tuổi này, em bé của bạn sẽ liên tục đặt ra các câu hỏi hiển nhiên mà bé thấy được như: “Mẹ ơi, tại sao bầu trời màu xanh?” hay “Bố ơi, tại sao con chim lại có thể bay được?”,… và hàng đống những câu hỏi khác nữa mà bé tò mò muốn biết.
Khi này, bố mẹ đừng tỏ vẻ cáu gắt hay nghĩ rằng điều đó là phiền phức và phớt lờ đi những câu hỏi đó. Bởi chính việc đặt ra những câu hỏi này mới là dấu hiệu cho bạn thấy rằng con đang phát triển rất bình thường. Đây cũng là cơ hội giúp trẻ học cách biết lắng nghe và bộc lộ cảm xúc đúng cách.
Hãy lắng nghe và tận dụng cơ hội này để kích thích trí thông minh của trẻ. Bố mẹ có thể tham khảo vào những gợi ý sau đây để biết rằng trong quá trình dạy trẻ 3 tuổi, con mình sẽ nhận thức được những gì và dựa vào đó để hỗ trợ con phát triển trí tuệ tốt hơn.
Đây cũng là khoảng thời gian để trẻ 3 tuổi hình thành nên tính cách và cảm xúc cá nhân rõ ràng nhất, bố mẹ hãy để cho con phát triển một cách tự nhiên, tránh nói những điều ảnh hưởng đến cảm xúc hay hành động của bé.
Tăng khả năng vận động
Sự phát triển nhận thức của trẻ không thể tách rời vận động. Vận động được chia thành hai phần: Khả năng vận động thô và vận động tinh.
Tập thể dục không chỉ có thể rèn luyện thể lực cho bé mà còn rèn luyện khả năng kiểm soát cơ thể và khả năng phối hợp của bé.
Các môn thể thao tổng hợp bao gồm đi bộ, chạy, nhảy, bật nhảy và các chuyển động khác đòi hỏi sử dụng sức mạnh của cánh tay và chân, trong khi các kỹ năng vận động tinh chủ yếu là các chuyển động của cổ tay và ngón tay như nắm, giữ, véo và nâng. Khả năng vận động thô là tiền đề cho sự phát triển khả năng vận động tinh.
Tuy nhiên, giai đoạn này, trẻ vận động tay chân nhiều hơn nên rất cần sự giám sát của người lớn để tránh những tai nạn xảy ra.
Trẻ thường xuyên vận động giúp phát triển thể chất và trí tuệ tốt hơn.
Tăng kỹ năng sử dụng ngón tay linh hoạt
Một nghiên cứu của Mỹ từng cho biết, ngón tay càng linh hoạt, não bộ của trẻ càng phát triển. Khi tay càng cử động linh hoạt, nó càng thúc đẩy sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh của trẻ.
Điều này được cho là do khi các ngón tay trẻ tiếp xúc với mọi thứ, nó sẽ không ngừng kích thích sự liên kết của các tế bào thần kinh não bộ, tác động rất lớn tới khả năng nhận thức của trẻ.
Vào thời điểm này, trẻ gần như phát triển hoàn thiện về mọi mặt nên khả năng phối hợp cổ tay, lòng bàn tay, ngón tay tương đối tốt. Bố mẹ có thể tập trung vào việc trau dồi khả năng kiểm soát ngón tay và sự phối hợp giữa tay và não của trẻ.
Để rèn luyện khả năng điều khiển tay của trẻ, bố mẹ có thể dạy trẻ cầm thìa, cài cúc áo, xỏ dây giày. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên dạy trẻ xếp giấy origami, vẽ, tô màu…