Từ mối duyên định mệnh khi hỏi thăm đường “chú cảnh sát” Đài Loan trong một lần đi du lịch Đài Bắc mà chị Bích Phương (31 tuổi, Bắc Giang) và anh Hong Kuan quen biết nhau.
Cũng từ đó mà anh chị có tình cảm và yêu nhau. Nhìn thấy sự nghiêm túc, chín chắn của “chú đồn phó” Hong Kuan mà chị Bích Phương đã đồng ý nhận lời cầu hôn của anh sau chỉ 3 tháng quen biết. Hiện tại, chị đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc ở Đài Loan và một nhóc tì nhí hơn 3 tuổi.
Tổ ấm nhỏ của chị Phương và ông xã cảnh sát Đài Loan.
Lấy cảnh sát Đài Loan hơn 15 tuổi, mang bầu ở nhà một mình suốt
Chị Phương và ông xã quen nhau vào năm 2015. Sau 3 tháng quen, chị đồng ý lời cầu hôn của anh. Đám cưới của anh chị diễn ra sau đó không lâu. Tuy nhiên vì chị phải ở lại Việt Nam làm thủ tục kết hôn mất khoảng 6 tháng nên phải gần 1 năm sau vợ chồng chị mới nhận tin vui. Thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bé đầu tiên phải rời xa vợ chồng chị vì không có tim thai và thai đã ngừng phát triển ở tuần thứ 8.
Chị Phương kể, khoảng thời gian đó, chị mới qua Đài Loan sống, không có người thân bạn bè nên sau khi mất con, chị bị stress rất nhiều. Ngày nào chị cũng nghĩ ngợi đến những điều tiêu cực rồi vô cớ cãi nhau với chồng. Mãi đến khi biết tin vui đến lần thứ 2 mối quan hệ của vợ chồng chị mới tốt lên.
“Khi biết có tin vui lần nữa, vợ chồng mình rất vui vì không những con lại đến với vợ chồng mình mà khi đó mình đã không còn bị stress nghĩ ngợi nhiều nữa. Nhờ đó, mối quan hệ của 2 vợ chồng cũng tốt lên rất nhiều, chồng mình thì vui gấp đôi vì mình đã không còn vô cớ cãi nhau với anh ấy nữa”, chị Phương cười.
Con đến làm mối quan hệ của vợ chồng chị được cải thiện.
Chị Phương tâm sự, khó khăn nhất đối với chị khi mang bầu đó là xa quê, xa gia đình. Hơn nữa, công việc cảnh sát của chồng bận rộn, đi suốt ngày trong khi vợ chồng chị ở riêng nên bầu bí khó chịu không có ai chăm sóc chị. May mắn chị mang bầu không nghén ngẩm nhiều, dễ ăn nên không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề ăn uống, bổ sung dinh dưỡng trong suốt thai kì.
“Mình nghĩ là không chỉ có mình tủi thân mà hầu như ai có chồng làm bên cảnh sát hay quân đội đều rất hiểu cảm giác này, đặc biệt là các dịp lễ tết hay mang thai cũng như nuôi dạy con cái. Chồng mình biết điều đó nên từ khi biết mình mang thai anh ấy đã làm đơn xin chuyển cơ quan về gần nhà và có thể đi về trong ngày tiện cho việc chăm sóc mình”, chị Phương chia sẻ.
Chị mang bầu vô cùng gọn chỉ tăng 8kg.
Được biết cả thai kỳ chị Phương chỉ tăng 8kg nên người vô cùng gọn, không thay đổi nhiều so với trước mà tháng nào con cũng đạt chuẩn cân nặng. Chia sẻ về bí quyết của mình, chị tiết lộ, chị hạn chế tinh bột nhiều, gần như cả ngày chỉ ăn một bát cơm nhỏ, thay vào đó ăn nhiều rau xanh, hoa quả. Bên cạnh đó, chị học được kinh nghiệm của người Đài Loan khi mang thai, đó là ăn nhiều các loại canh hầm, ăn nhiều cá, thịt bò và sữa tươi không đường. Nhờ đó mà chị ăn bao nhiêu vào hết con mà không vào mẹ.
Đi sinh ở Đài Loan được nhà nước cho tiền, con được trợ cấp đến 5 tuổi
Chị Phương sinh bé vào tháng 7/2018. Nhớ lại ngày đi sinh, chị cười cho biết, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị đó là trước sinh tầm 3-4 ngày không cẩn thận bị ngã rất mạnh. Chị còn tưởng hôm đó mình đi sinh rồi nhưng may mắn em bé không bị ảnh hưởng gì.
Mãi đến khi mẹ chị bay sang chuẩn bị chăm sóc cho chị sau sinh thì đến sáng sớm ngày hôm sau chị mới bị vỡ ối, nhập viện, chuẩn bị đẻ trong khi còn 2 tuần nữa mới đến dự kiến sinh.
“Ngoài kỷ niệm bị ngã trước khi đẻ, mình còn có một kỷ niệm không bao giờ quên được nữa, đó là cơn đau đẻ kéo dài tận 30 tiếng, cảm giác đau như chết đi sống lại kéo dài hơn 1 ngày 1 đêm có lẽ không bao giờ mình quên được”, chị Phương nhớ lại.
Đi sinh ở Đài Loan chị được chăm sóc chu đáo và hưởng chế độ y tế tốt nhất.
Mang bầu và đi sinh xa quê nhưng ở Đài Loan, dịch vụ y tế luôn đứng top đầu của thế giới về y tế nên chị Phương thật sự an tâm và vô cùng thoải mái. Ở Đài Loan luôn ưu tiên và khuyến khích việc sinh đẻ tự nhiên, chỉ đến khi thai có vấn đề không thể sinh thường được mới cho đẻ mổ nên chị phải chịu đựng cơn đau đẻ kéo dài 30 tiếng mới chào đón được con yêu.
Chia sẻ về chế độ dành cho sản phụ sau sinh, chị Phương cho biết, ở Đài Loan chế độ rất tốt, sau khi đẻ con chị được nhà nước trợ cấp cho hơn 2 vạn đài tệ tương đương gần 20 triệu tiền Việt, còn nếu đẻ mổ sẽ được hơn 3 vạn đài tệ tầm hơn 20 triệu tiền Việt. Ngoài ra, con còn được trợ cấp mỗi tháng tầm 3 triệu tiền Việt cho đến khi được 5 tuổi.
Sau sinh những phong tục kiêng cữ dành cho sản phụ khá giống với Việt Nam, tháng đầu tiên kiêng cữ vô cùng cẩn thận. Tuy nhiên ở Đài Loan, sau đẻ sẽ hay ăn gà nấu với dầu mè để giữ ấm cơ thể sau sinh để sau này phụ nữ ít bị hàn lạnh hơn. Tuy nhiên do có mẹ đẻ chăm sóc sau sinh nên chị kiêng cữ theo đúng truyền thống Việt.
Dinh dưỡng cho sản phụ sau sinh tại bệnh viện.
Do ở riêng, chồng hay đi làm, mẹ đẻ chỉ qua chăm sóc một tháng đầu tiên nên từ tháng thứ 2 mọi việc đều do một mình chị Phương lo liệu từ việc nhà đến việc chăm con. Tuy vất vả nhưng chị cảm thấy may mắn hơn nhiều chị em phụ nữ bởi chị sinh con xong không phải đi làm, ông xã cũng không bao giờ đặt nặng việc nhà lên chị. Chị không phải làm việc nhà, nấu nướng cũng như việc cho con bú hoàn toàn sữa mẹ mà chỉ phải chăm sóc sinh hoạt cho con là được nên chị cảm thấy chăm con rất thoải mái.
Không chỉ có ông xã, gia đình chồng chị khá tâm lý. Do bố mẹ chồng ở xa nên hàng tháng ông bà lên thăm cháu vài lần, các chị gái ở bên nhà chồng ở gần hơn hay tìm mua những vật dụng cần thiết khi chăm con và hay chia sẻ kinh nghiệm chăm con cho chị. Thậm chí, thấy chồng chị bận đi làm, không có thời gian rảnh rỗi, người nhà chồng còn thay anh đưa chị đi du lịch.
Ông xã luôn đỡ đần chị chăm con.
Chị Phương thổ lộ, kể từ khi có con, chồng chị sống có trách nhiệm hơn. Mặc dù công việc chăm con phần lớn đều do 1 mình chị làm nhưng khi đi làm về anh cũng luôn giúp đỡ chị bế con, chơi với con, cho con ăn hay thay tã cho con mỗi khi chị nhờ.
Đến bây giờ khi con trai được hơn 3 tuổi, chị chưa từng mâu thuẫn với gia đình chồng về quan điểm chăm và dạy con. Gia đình chồng luôn tôn trọng và cực kỳ yên tâm cách nuôi dạy con của chị vì thấy chị chăm rất tốt, bé ít ốm đau lại cực ngoan, không hề kén ăn. Thậm chí, ông nội của bé còn thường xuyên nói với chị cố gắng dạy con nói tiếng Việt để bé không quên gốc gác cũng như tiếng mẹ đẻ của mình. Điều đó khiến chị cảm thấy vô cùng may mắn khi lấy chồng nơi xa xứ.