Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh không chỉ học cách di chuyển ngón tay, ngón chân mà cũng ngủ mơ, đôi khi ngáp, mút ngón tay cái và làm rất nhiều điều thực sự đáng kinh ngạc khác. Cùng khám phá những việc mà bé thực hiện hàng ngày để hiểu hơn về cuộc sống của con các mẹ nhé!
1. Ngủ
Em bé trong bụng mẹ thường rất thích ngủ. Thậm chí, ngay cả khi chưa phát triển mí mắt, bé cưng cũng có thể dành 90-95% thời gian của mình để ngủ. Tuy nhiên, mỗi giấc ngủ của con không dài, chỉ kéo dài chưa tới 60 phút. Sau đó, bé sẽ dậy, và bận rộn với một vài “thú vui” khác.
2. Mút tay
Rất nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thói quen mút tay, và những bà mẹ thì thắc mắc không hiểu ngón tay liệu có “ngon” đến như vậy không. Thực ra, không chỉ trẻ sơ sinh, ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã có phản xạ này. Theo các chuyên gia, từ tuần thứ 30, khi xúc giác phát triển hơn, em bé trong bụng mẹ sẽ có “sở thích” mút ngón tay, nhất là ngón cái. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng bé cũng sẽ nghịch ngón tay, dây rốn hay tự sờ lên mặt mình nữa.
Ở trong bụng mẹ, em bé rất bận rộn chứ không đơn thuần chỉ ăn và ngủ đâu mẹ nhé!
3. Nấc
Đây là hiện tượng khá bình thường. Các mẹ sẽ rất khó nhận ra, nhưng nếu chú ý, bạn sẽ có thể cảm nhận được một chút nấc từ bên trong tử cung của bạn. Tuy nhiên, không phải thai nhi nào cũng nấc khi trong bụng mẹ, tùy theo cơ địa của mẹ cũng như cơ địa của bé, bé có thể nấc từ 1-2 lần/ngày hoặc nấc nhiều hơn nhưng cũng có bé không bao giờ nấc.
4. Khóc
Thực hư chuyện thai nhi khóc trong bụng mẹ đến nay vẫn chưa có câu trả lời, và các nhà khoa học vẫn đang đau đầu nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này. Bởi từng có tin đồn rằng, một phụ nữ Ấn độ và Trung Quốc đã nghe thấy tiếng trẻ khóc phát ra từ bụng bầu của mình.
Hai câu chuyện nhanh chóng lan truyền và gây nên sự tò mò thích thú trong dư luận. Đây cũng chính là một trong nền tảng đầu tiên cho vấn đề thai giáo hiện nay. Vì người ta tin rằng, cảm xúc của thai nhi không chỉ bắt đầu khi sinh ra mà đã được hình thành từ khi trong bụng mẹ, việc thai giáo thai nhi sẽ giúp đứa trẻ được sinh ra giàu cảm xúc và thông minh hơn.
5. Tập thở
Bé trong bụng mẹ cũng rất chăm chỉ tập thở, luyện tập các chức năng cho phổi và thận để có thể thích nghi với môi trường bên ngoài nhanh nhất sau khi sinh. Thậm chí, bé cũng có thể gặp “tai nạn” sặc nước và bị nghẹn trong lúc tập thở.
6. Đi tiểu
Theo các chuyên gia nghiên cứu, phôi thai bắt đầu tiểu tiện ngay từ khi được 2 tháng tuổi, thời điểm em bé bắt đầu biết nuốt nước ối sau đó thải ra chính nguồn nước ối đã nuốt của mình. Một cách dễ hiểu hơn, thai nhi sẽ uống nước tiểu của mình.
Dù vậy, nước tiểu của thai nhi không giống như phân, nước tiểu của bé trong môi trường nước ối là vô trùng, không chứa vi khuẩn nên không làm thai nhi mắc bệnh. Chính vì giữ vai trò quan trọng đối với trẻ, nước ối luôn được tái tạo và đổi mới mỗi 3 giờ để đảm bảo môi trường luôn chuyển hóa và vệ sinh cho thai nhi phát triển tốt nhất.
7. Nghịch dây rốn
Trong bụng mẹ hơi buồn nên nghịch dây rốn là một trong những hành động bé hay làm nhất. Ngoài ra, bé còn mút ngón tay, vuốt ve mẹ, lắng nghe nhịp tim của mẹ, nghịch ngợm và thỉnh thoảng đạp một lần để chứng minh mình vẫn khỏe mạnh nên mẹ có thể yên tâm.
8. Nghe ngóng tình hình
Đừng tưởng em bé trong bụng mẹ thì sẽ không biết được điều gì đang ở bên ngoài nhé! Từ tuần thứ 16 của thai kỳ, con đã chịu khó “cập nhật” thông tin rồi mẹ ơi. Bởi vậy, nếu muốn cho bé nghe nhạc, mẹ nên bắt đầu từ giai đoạn này. Chọn những bài nhạc nhẹ nhàng, âm thanh vui nhộn sẽ làm bé “thích thú” hơn nhiều.
9. Nếm thức ăn
Các mẹ phải biết rằng bất cứ thực phẩm mẹ tiêu thụ, thai nhi sẽ nhận được hương vị thông qua nước ối. Theo các chuyên gia, người ta nói rằng thai nhi khi ở tuần thứ 15 sẽ bắt đầu có ý thức về hương vị của thức ăn.
10. Mỉm cười
Khoảng tuần thứ 26 của thai kỳ em bé sẽ phản ứng với nhiều thứ khi vẫn nằm bên trong tử cung. Trong thời gian này bé có dấu hiệu tươi cười khá dễ thương.