Mải mê kiếm tiền sau khi sinh, 3 năm sau mẹ phải ôm con đi khám vì kiểu dạy cháu “hiện đại” của ông nội

Vì quá bận rộn với công việc sau khi sinh con đầu lòng, 3 năm sau người mẹ trẻ phải đưa con đi trị liệu tâm lý khi thấy trẻ có dấu hiệu bất ổn.

Ngày 28/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã phát động chiến dịch “24h bên con”, nhằm truyền tải thông điệp đến các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ rằng “hãy luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn” để thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần. Ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, do vậy việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ là trách nhiệm chung của mỗi gia đình, cũng như toàn xã hội.

Thực tế cho thấy, nhiều trẻ vì thiếu sự quan tâm của bố mẹ nên bị ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý. Lấy ví dụ về một trường hợp thực tế tại buổi phát động chiến dịch, tiến sĩ Phạm Văn Tư - Phó khoa Công tác xã hội (trường Đại học Sư phạm Hà Nội), chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý cho biết, ông từng tiếp nhận một bé hơn 3 tuổi nhưng không bập bẹ nói được, trong khi bố mẹ rất thông minh, hoạt ngôn.

Mải mê kiếm tiền sau khi sinh, 3 năm sau mẹ phải ôm con đi khám vì kiểu dạy cháu “hiện đại” của ông nội - 1

Việc giao điện thoại, tivi cho con có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ. Ảnh minh họa. 

Khi khai thác cuộc sống gia đình, tiến sĩ Tư được biết, người mẹ của trẻ đang làm trong một công ty mỹ phẩm rất nổi tiếng. Sau khi sinh con 2 tháng, chị đã đi làm lại và bận rộn với công việc. Người chồng cũng vậy. Khi bố mẹ mải mê kiếm tiền để con có cuộc sống tốt hơn, đứa trẻ còn rất nhỏ ở với ông. Hằng ngày, ông hầu như không nói chuyện với cháu, mà cho cháu xem tivi, còn bản thân ông xem điện thoại.

Khi trẻ 3 tuổi chưa biết nói, gia đình hốt hoảng đổ lỗi cho nhau vì cho rằng con bị tự kỷ, nên đưa đi khám. Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy, trẻ không bị tự kỷ mà chỉ chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc do thiếu sự quan tâm của bố mẹ trong giai đoạn đầu đời. Sau khi được tư vấn, gia đình đã đồng hành trong quá trình trị liệu cho con và trẻ đã cải thiện đáng kể khả năng giao tiếp. Người mẹ bày tỏ nỗi ân hận và nói rằng sẽ quan tâm tới con nhiều hơn”, tiến sĩ Phạm Văn Tư chia sẻ.

Theo ông Tư, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến cảm xúc của con để sớm nhận ra những biểu hiện bất thường. Những trẻ ít được bố mẹ quan tâm thì khi tiếp xúc với người lạ, thậm chí với người thân lâu ngày không gặp, trẻ thường tỏ ra xa lánh, ngại giao tiếp, lầm lũi... Nếu thấy những biểu hiện này, bố mẹ cần thay đổi cách chăm sóc con, dành thời gian cho con nhiều và chất lượng hơn.

“Phụ huynh cố gắng kiếm tiền cũng là để lo cho gia đình và tương lai của con cái nhưng chúng ta cần biết cân bằng với việc chăm sóc con và tổ ấm của mình. Tốt nhất nên áp dụng quy tắc 80-20. Trong đó 80% là dành thời gian cho những việc quan trọng, 20% dành cho gia đình.

Đôi khi sự quan tâm không cần quá cầu kỳ, chỉ là bố mẹ cùng con vui chơi, nấu một bữa ăn hay ôm và cười với con thật trìu mến khi đi làm về, thay vì dồn dập với hàng loạt câu hỏi như: Hôm nay đi học thế nào? Có bạn nào đánh không? Bài tập làm xong chưa... Khi được quan tâm, trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ được cảm xúc với bố mẹ, sẽ nói được những từ ngữ yêu thương như con yêu bố, con yêu mẹ”, tiến sĩ Tư tư vấn.

Mải mê kiếm tiền sau khi sinh, 3 năm sau mẹ phải ôm con đi khám vì kiểu dạy cháu “hiện đại” của ông nội - 3

Chuyên gia trị liệu tâm lý Phạm Văn Tư cho rằng, bố mẹ nên dành thời gian chất lượng cho con thay vì những hỏi han hời hợt.

Ông Tư cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, dành thời gian cho con không phải là dạy con học, bởi đôi khi việc này chỉ gây áp lực cho trẻ khi bố mẹ không có kỹ năng sư phạm, dễ nổi cáu, quát mắng khiến trẻ càng khó tiếp thu. Thay vào đó, cha mẹ hãy dành thời gian chất lượng để chơi cùng con, làm việc cùng con, tránh xa thiết bị điện tử. Phụ huynh cũng cần biết chấp nhận cả cái hay và cái dở của con mình, bằng lòng với những gì con có, tránh so sánh con với trẻ khác. 

Ngoài những vấn đề về tâm lý như chuyên gia Phạm Văn Tư chia sẻ, ông Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, cho rằng, trong xã hội ngày nay, muốn phát triển toàn diện thì trẻ cần được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục ở cả ba môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội. “Ba môi trường này có quan hệ mật thiết và tác động qua lại với nhau, tạo thế kiềng 3 chân vững chắc trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong đó, môi trường gia đình là nền tảng để hai môi trường kia phát triển, nâng cao hơn nữa việc chăm sóc trẻ”, ông Khoa khẳng định.

Về “24h bên con”, ông Khoa cho rằng đây là chương trình rất ý nghĩa, góp phần nâng cao vai trò của cha mẹ với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Đồng thời, nâng cao sự hiểu biết của cha mẹ và tăng cường thực hiện 24h đồng hành bên con, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, từ đó tạo ra thế hệ trẻ Việt Nam chất lượng cao, giúp cho dân tộc ngày càng giàu mạnh.

Cái vỗ vai lúc nửa đêm của mẹ bầu 6 tháng và nỗi ân hận của người chồng bị tắc ống dẫn tinh