"Nghén" là một đặc trưng thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Những triệu chứng ốm nghén thường gặp bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đầy bụng... Tuy nhiên, có một số mẹ bầu khi mang thai không có biểu hiện gì của ốm nghén. Nhưng đôi khi họ không cảm thấy may mắn mà còn thêm lo lắng, sợ con phát triển không khỏe mạnh, bình thường như con của những mẹ bầu khác. Vậy vì sao có người mang thai không nghén và như vậy có đáng lo không?
Nghén là một vấn đề thường gặp khi mang thai nên những mẹ bầu không bị nghén lại... "đâm lo". (Ảnh minh họa)
Vì sao mang thai nhưng không nghén?
Mỗi người phụ nữ có cơ địa không giống nhau, chính vì thế mà biểu hiện trong quá trình bầu bí cũng khác nhau hoàn toàn. Dù ốm nghén là triệu chứng thường gặp nhưng không có nghĩa là nó xảy ra ở tất cả mọi người. Những yếu tố dưới đây có thể là lý do giúp mẹ may mắn không bị nghén khi mang thai:
Do cơ địa có sự thích ứng tốt với sự thay đổi hormone
Cơ chế gây ra nghén đến nay vẫn chưa được giải thích một cách đầy đủ, nó được cho là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như hormone, yếu tố di truyền, tâm lí, thiếu một số vi chất... trong đó cơ chế thay đổi hormone thường được đề cập đến nhiều nhất.
Hormone HCG (Human Chorionic Gonadotropin) thường được gọi là hormone thai kỳ vì nó được tạo ra bởi các tế bào nhau thai sau khi hợp tử làm tổ thành công vào buồng tử cung, xâm nhập và phá vỡ mạch máu nội mạc tử cung, hormone này có vai trò quan trọng trong thai kỳ. Mức độ HCG đầu tiên có thể phát hiện được sau khi thụ thai khoảng 11 ngày bằng xét nghiệm máu và sau khoảng 12-14 ngày bằng xét nghiệm nước tiểu. Trong các trường hợp đa thai, thai trứng có nồng độ hormone này cao thì thông thường triệu chứng nghén sẽ nặng hơn.
Trong thai kỳ cũng có sự thay đổi của hormone estrogen và pregesteron, các hormone này có thể góp phần gây nghén. Ở một số cơ địa mẹ thích nghi tốt với sự thay đổi hormone, đáp ứng tốt hoặc vốn dĩ có một số yếu tố về di truyền nên không bị nghén khi mang thai.
Do môi trường bên ngoài, hoàn cảnh, công việc
Vì công việc, áp lực, căng thẳng quá mức nên mẹ bầu không nhận ra mình đang bị nghén. Hoặc cảm nhận chủ quan và dung nạp tốt với những thay đổi nhỏ khi mà mẹ phải chú tâm nhiều hơn vào các vấn đề khác. Thực tế, nhiều bác sĩ đã gặp nhiều mẹ bầu không bị nghén, thậm chí đã có trường hợp 3 tháng đầu không nghén khi đến khám thai. Lúc này, mẹ bầu không nên lo lắng vì sức khoẻ đang rất tốt, bên cạnh đó cần nghỉ ngơi, phân bổ thời gian hiệu quả để đảm bảo sức khoẻ cho thai nhi.
Thực tế việc nghén hay không tùy thuộc vào "cơ địa" của mẹ và nó không phản ánh tình trạng sức khỏe thai nhi. (Ảnh minh họa)
Mang thai không nghén có nguy hiểm không?
Đây thực sự là điều bình thường nếu bạn mang thai không ốm nghén, thậm chí đó còn là một điều may mắn đối với bạn vì bạn sẽ không phải trải qua những triệu chứng ốm nghén đầy khó chịu như buồn nôn, đầy hơi, hoa mắt, chóng mặt... khi có thai 3 tháng đầu. Hầu hết phụ nữ mang thai đều đồng ý rằng ốm nghén khiến cho cơ thể mệt mỏi hơn và đây cũng là một trong những lý do khiến mẹ bầu cảm thấy suy nhược cơ thể và căng thẳng.
Nếu bạn mang thai không nghén và bác sĩ thông báo em bé vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt trong mỗi lần khám thai thì không có gì đáng lo cả. Thậm chí việc không bị nghén còn giúp nhiều mẹ bầu khỏe mạnh hơn, ăn uống ngon miệng, cơ thể tràn đầy sinh lực.
Mẹ chỉ cần đảm bảo khám thai đầy đủ, đúng lịch để theo dõi tình trạng phát triển của bé. (Ảnh minh họa)
Tóm lại, ở mỗi cơ thể khi mang thai sẽ có những sự thay đổi khác nhau do đó việc mang thai không ốm nghén là biểu hiện hết sức bình thường. Mẹ không cần quan tâm đến vấn đề này mà hãy dành thời gian xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để mẹ khỏe, con phát triển tốt.