Trong quá trình mang thai và sinh nở, người mẹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bản thân và em bé. Do đó, ngay cả khi ca “vượt cạn” đã kết thúc, các bác sĩ vẫn phải thường xuyên theo dõi sát sao sản phụ để phòng tránh các tình huống khẩn cấp xảy ra.
Vốn là người có thể trạng gầy, sau khi mang thai, Tiểu Vân (26 tuổi, sống ở An Huy, Trung Quốc) cũng không tăng cân lên là bao. Cô rất lo mình không có sức để sinh thường nên đã nói bác sĩ cho sinh mổ. Tuy nhiên, sau khi xem xét, bác sĩ khuyến cáo mẹ bầu này nên chọn sinh thường vì tuy cô nhỏ người nhưng hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện sinh nở tự nhiên. Chưa kể, sinh thường cũng giúp sản phụ phục hồi nhanh hơn so với sinh mổ.
Nghe theo bác sĩ, đến ngày chuyển dạ, Tiểu Ly được đầy vào phòng sinh thường. Do chưa có kinh nghiệm nên cô đã mất khá nhiều sức trong việc la hét mỗi khi cơn đau ập đến. Cô cũng không biết phải rặn đẻ như thế nào nên bật khóc nức nở. May mắn là các nữ hộ sinh đều giàu kinh nghiệm nên đã nhẹ nhàng hướng dẫn chỉ bảo sản phụ cách điều chỉnh nhịp thở để sinh con. Một lúc sau, Tiểu Ly sinh con thành công.
Mỗi lần cơn đau ập đến, Tiểu Ly lại không thể chịu đựng nổi, đành phải hét thật to nên mất khá nhiều sức (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên, trong lúc bác sĩ đang “khám trong” để kiểm tra nhau thai, thì đột nhiên, Tiểu Ly kêu ngứa họng và muốn uống nước. Ngay lập tức, cả phòng sinh đều lặng như tờ. Bác sĩ vội vàng yêu cầu y tá chuẩn bị phòng mổ, đồng thời hỏi han tình hình của sản phụ, xem có thấy khó chịu ở đâu không ngoài chuyện bị ngứa họng. Đã thế, bác sĩ còn nhìn chằm chằm vào các thiết bị theo dõi nhịp tim và huyết áp.
Thấy mọi người quá căng thẳng, Tiểu Ly khẽ giọng nói: “Chắc lúc nãy do tôi hét to quá nên cổ họng bị khô. Uống một chút nước là sẽ hết thôi mà”. Mặc dù sản phụ đã nói thế, nhưng bác sĩ vẫn không rời mắt khỏi màn hình theo dõi. Một lúc sau, cô ấy mới thở phào nhẹ nhõm vì Tiểu Ly không có phản ứng bất thường nào.
Sau sinh, cô còn kêu bị ngứa họng nên bác sĩ lo lắng phải nhìn chằm chằm vào thiết bị theo dõi vì lo lắng sản phụ bị thuyên tắc ối (Ảnh minh họa).
Bác sĩ giải thích: “Tôi thật sự lo lắng khi nghe chị nói bị ngứa họng. Tôi sợ chị bị thuyên tắc ối, vì đó là một tình huống vô cùng tồi tệ nếu nó xảy ra. May mắn đây chỉ là báo động giả”. Vậy nên, một lát sau, Tiểu Ly được đẩy ra khỏi phòng sinh.
Thuyên tắc ối là gì và nó nguy hiểm như thế nào đối với mẹ bầu?
Theo thông tin từ Mayo Clinic, thuyên tắc nước ối là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng xảy ra khi nước ối - chất lỏng bao quanh em bé trong tử cung - hoặc các “vật chất” của thai nhi như tế bào thai nhi, tóc… đi vào máu của mẹ gây nên phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này gây ra tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn cấp tính, sốc phản vệ, đông máu… ở người mẹ. Điều quan trọng là thuyên tắc ối không chỉ xảy ra trong quá trình sinh nở mà còn có khả năng xảy ra ngay sau khi sản phụ đã sinh con.
Chính vì thế, nếu trong và sau quá trình sinh con mà các mẹ thấy mình khó chịu, buồn nôn, ớn lạnh, muốn ho hoặc ngứa họng, hãy báo với bác sĩ ngay lập tức để được theo dõi và cứu chữa kịp thời.