Tầm này năm ngoái là thời điểm Thu Hạnh (20 tuổi, Hà Nội) căng thẳng, mất ăn, mất ngủ, thậm chí khóc ròng vì sợ sẽ chẳng thể giữ được em bé sinh non nặng chưa đầy 1 kg, chào đời vào tuần thứ 26. Theo lời bà mẹ trẻ, quá trình cô mang thai rất khó giữ do có hiện tượng nhau bám thấp, bị chảy máu thường xuyên. May mắn, đã một năm trôi qua, con từ một đứa trẻ sinh thiếu tháng giờ đây 13 tháng tuổi, tuy có chậm nói, chậm đi song bé vô cùng rắn rỏi. Ôm bé trai trong tay, Hạnh vẫn nghĩ rằng để cùng bé sinh non vượt qua vô vàn sóng gió, đó quả là một điều kỳ diệu.
Con trai của Hạnh chào đời thiếu tháng và từng phải nằm lồng kính 56 ngày.
Thu Hạnh tâm sự, cô và bạn trai đến với nhau khi cả hai đang ở độ tuổi khá trẻ. Vì chưa có dự định kết hôn và sinh con, lại chẳng có dấu hiệu bất thường nên khi bầu tận 3 tháng Hạnh mới phát hiện. Thời gian đầu mới mang thai cô khá khỏe mạnh, không bị ốm nghén. Tuy nhiên, đến 19 tuần Hạnh đi siêu âm và được phát hiện bị rau tiền đạo (rau thai bám một phần ở đoạn dưới tử cung và gây chảy máu). “Thật sự lúc đó mình khóc rất nhiều, phải kiêng hoàn toàn. Bác sĩ nói xác suất giữ được con rất thấp” – cô gái nói.
Cô được bác sĩ dặn dò kiêng khem, đặc biệt tránh đi lại nhiều. Tuy vậy, do chủ quan, Hạnh chỉ nghỉ ngơi được hai ngày sau đó lại lao vào công việc, thậm chí còn làm nhiều hơn lúc trước. Đến tuần 26 cô bất ngờ chảy máu ồ ạt phải đi cấp cứu và nằm theo dõi 3 ngày mới được về, nhưng vừa về nhà một ngày thì Hạnh nhận thấy sức khỏe bất ổn, cô chạy tới chạy lui khắp các phòng khám và được bác sĩ chẩn đoán: Có dấu hiệu chuyển dạ sinh non.
Hạnh sinh con ở tuần 26 của thai kỳ.
Lúc đó em bé nặng chưa đầy 1kg.
Hạnh hồi tưởng: “Kiểm tra xong, bác sĩ nói khả năng sinh ngay hôm nay. Nằm trong phòng chờ đẻ mình lo lắng đến mức không nghĩ được gì chỉ biết khóc, nước mắt cứ giàn giụa. Miệng liên tục van xin bác sĩ: “Hãy cứu lấy con em”. Lúc đó ê kíp đỡ đẻ ai cũng gấp rút thật nhanh vì mọi người nói nếu chậm trễ có thể sẽ ảnh hưởng cả mẹ lẫn con, thậm chí nếu mất máu nhiều sẽ dẫn đến tử vong”.
Tối 21/3/2020 cũng là lúc Hạnh bước sang ngày thứ 5 của tuần thai 26, cô được tiêm thuốc kích sinh, hay tay cô cứng đờ không thể cử động. Cổ tử cung mở được 8cm bác sĩ bắt đầu rạch ối, cô lấy sức rặn đúng 3 nhịp nhưng không thấy có chuyển biến gì bác sĩ buộc phải đưa tay vào để kéo em bé ra ngoài. “Mang thai đến tuần 26 mình chỉ tăng đúng 1kg nên em bé lọt lòng vỏn vẹn có 9 lạng, mẹ vẫn chưa kịp nhìn mặt thì con đã được bác sĩ đưa tới phòng chăm sóc sơ sinh để nằm lồng kính” – Hạnh kể.
Giờ đây bé đã 13 tháng tuổi.
Sau sinh vài ngày Hạnh được xuất viện, bé trai vẫn tiếp tục được theo dõi đặc biệt. Theo lời bà mẹ trẻ, bé trai nằm lồng kính suốt 56 ngày liên tục, con phải thở máy và ăn qua đường ống sonde một cách khó khăn. Vài tuần sau Hạnh được bác sĩ gọi lên cho thăm con, nhìn qua khung cửa sổ thấy con nhỏ xíu, cô đau từng khúc ruột. Mặc dù vậy cô vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc, dồn hết niềm hy vọng của mình vào sự tiến bộ của y học hiện đại.
Hàng ngày, Hạnh chỉ biết trông ngóng tin tốt lành từ con. Vì nghĩ suy quá nhiều nên 2 tháng sau sinh cô mắc chứng trầm cảm, suy sụp tinh thần. Dẫu vậy, càng buồn tủi và lo lắng Hạnh lại như được tiếp thêm sức mạnh để hy vọng về ngày mẹ con được đoàn tụ. Dẫu vậy, vì chào đời thiếu tháng nên em bé mắc phải bệnh lý trẻ sinh non. Võng mạc của con gặp vấn đề, bác sĩ nói nếu không can thiệp sớm sau này khi lớn sẽ dễ dẫn đến mù loà. Chưa kể, sau khi xuất viện về nhà chưa được bao lâu tay bé nổi lên u cục khá to, hai mẹ con lại tìm đến tiếp tục rong ruổi chữa bệnh.
Con cứng cáp và rất rắn rỏi.
Sau một hành trình dài đối mặt với nhiều thử thách, cuối cùng Hạnh và con trai cũng đã được bên cạnh nhau. Con từ một đứa trẻ sinh thiếu tháng giờ đây 13 tháng tuổi, tuy có chậm nói, chậm đi song bé vô cùng rắn rỏi. Bộc bạch về hành trình mang thai, sinh con đầy gian nan, bà mẹ trẻ cho hay: “Mang thai ở tuổi còn khá trẻ mình từng nghĩ bản thân sẽ chẳng thể vượt qua, một phần vì chưa có kinh nghiệm, chưa từng tích lũy hay học cách làm mẹ, mặt khác em bé lại sinh non. May mắn nhờ có ông bà nội ngoại 2 bên, nhờ có người thân trong gia đình giúp đỡ mình mới tiếp tục được. Nhiều lúc mình nghĩ con dũng cảm kiên trì vượt qua mọi ốm đau bệnh tật như vậy thì mẹ chẳng có lý do gì để không làm được. Tuy mệt mỏi, áp lực nhưng nhìn con vui vẻ, cười đùa thì mọi mệt mỏi trong người tan biến hết. Nghĩ lại một năm vừa qua mà cứ như vừa mới xảy ra vậy”.
Là người mẹ trẻ bầu bí từng trải qua nhiều dấu hiệu bất thường, Hạnh khuyên các chị em hãy lắng nghe cơ thể, không nên chủ quan để dẫn đến những ảnh hưởng sức khỏe cho cả mẹ và yêu.