Những bài văn của trẻ ở trường, bên cạnh lột tả một cách chân thực nhất mọi điều trẻ quan sát được về thế giới xung quanh thì còn là phương tiện để trẻ bày tỏ tâm tư tình cảm, cảm xúc của mình, đặc biệt là với những người thân thuộc bên cạnh bé mỗi ngày như bố mẹ.
Ví dụ như tác phẩm tả mẹ của nhóc tỳ tiểu học dưới đây, đã từng một thời “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội và hiện tại bỗng viral trở lại. Điều khiến nó thu hút sự chú ý là bé học sinh này đã có màn “quay xe” ở cuối bài khiến ai đọc cũng lặng người.
Ảnh minh hoạ
Nguyên văn bài làm của nhóc tỳ như sau: “Mẹ là một đoá hoa hồng, mẹ là sư tử Hà Đông. Mẹ của em năm nay đã ngoài 35 tuổi. Mẹ em xinh đằm thắm và rất thông minh. Câu hỏi về kiến thức nào mẹ em cũng giải quyết được. Thế nhưng mẹ em rất nghiêm khắc, có phần ghê gớm.
Trong mắt em, mẹ em ác hơn dì ghẻ, dữ hơn cả mụ phù thuỷ và giống như sư tử, sẵn sàng vồ em mỗi lần em phạm sai lầm. Sau này em thà FA còn hơn lấy một người nghiêm khắc như mẹ, thế thì cuộc đời có mà chết. Tuy nhiên em rất yêu thương mẹ vì đã chăm sóc, dạy dỗ em. Nếu được chọn lại, em vẫn chọn làm con của mẹ”.
Mở đầu bài văn, bé học sinh đã không quên dành những lời có cánh để khen mẹ. Thế nhưng khi đọc xuống những dòng sau thì nhóc tỳ liền quay sang “bóc phốt” mẹ khiến bài văn có dòng cảm xúc thay đổi liên tục.
Đặc biệt, khi đứa trẻ chốt 1 câu: “Thà FA còn hơn lấy người vợ như mẹ”, có thể câu nói chỉ đơn thuần xuất phát từ suy nghĩ non nớt, và “có gì nói nấy” của trẻ. Nhưng nhiều người vẫn chạnh lòng sau khi đọc đến câu này. Một số dân tình còn đoán rằng, người mẹ nếu đọc được bài văn con tả mình, hẳn cũng sẽ rất bất ngờ, thậm chí là chạnh lòng.
Trên thực tế, trẻ nhỏ thường có cách suy nghĩ đơn giản và ngây thơ, những gì bé quan sát được trong cuộc sống hàng ngày thì bé sẽ dễ dàng đưa ngay vào bài văn của mình. Vậy nên, không ít bài văn "dở khóc dở cười" đã ra đời, khiến nhiều giáo viên phải bất ngờ. Trong tình huống này, thay vì cho điểm kém thì cô giáo có lẽ nên hướng dẫn, góp ý để học sinh có cơ hội điều chỉnh cách viết của mình sao cho phù hợp hơn.
Trẻ học văn, nhất là văn tả ngoài tính chính xác cũng cần rèn luyện khả năng tư duy thông minh và trí tưởng tượng phong phú mới tạo nên một bài văn hay. Chính vì thế, để góp phần giúp con học tốt môn văn, bố mẹ cần giúp con phát huy khả năng tư duy và trí tưởng tượng phong phú thông qua:
- Đọc sách và kể chuyện cho con nghe
Đọc sách và kể chuyện là cách tuyệt vời để khơi gợi trí tưởng tượng và phát triển khả năng ngôn ngữ cho con. Bố mẹ có thể chọn các tác phẩm phù hợp với độ tuổi và sở thích của con, cùng thảo luận về nội dung và khuyến khích con đưa ra ý kiến của mình.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể để con tự chọn một số câu chuyện để đọc hoặc kế lại, như vậy thì có thể giúp con rèn luyện khả năng ghi nhớ, sự tự tin và tư duy sáng tạo.
- Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo
Cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo là một trong những cách tuyệt vời nhất, để giúp con phát triển khả năng sáng tạo và tư duy logic. Bố mẹ có thể cung cấp cho con các loại đồ chơi và dụng cụ sáng tạo như lego, mô hình giấy, bút chì, màu vẽ, xếp hình, mô hình khoa học...
Khi con được cung cấp đồ chơi và dụng cụ sáng tạo, con sẽ được khuyến khích để khám phá sơ đồ, tự tạo ra các mô hình, bức tranh hay giải các câu đố, từ đó giúp con rèn luyện khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề và đồng thời kích thích trí não phát triển.
- Khuyến khích con tham gia hoạt động nghệ thuật, thể thao và các hoạt động xã hội
Tham gia hoạt động nghệ thuật và thể thao không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng về nghệ thuật và thể chất, mà còn giúp khơi gợi sự sáng tạo và khả năng tư duy vượt trội của trẻ.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội như tình nguyện, giúp đỡ người khác, tham gia các câu lạc bộ và nhóm học tập... cũng là phương pháp hiệu quả để trẻ có cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, trau dồi kiến thức và khơi gợi sự sáng tạo của mình.
- Không giới hạn con trong tưởng tượng
Bố mẹ cần đồng hành và không giới hạn trẻ trong tưởng tượng, tạo điều kiện, môi trường và cho phép con tự thực hiện ý tưởng, cũng như suy nghĩ của mình một cách tự nhiên và thoải mái nhất.
Khi trẻ được khuyến khích tưởng tượng, trẻ có thể tìm thấy chính xác và khám phá thế giới xung quanh bằng con đường sáng tạo hơn.