Chị Phương Thảo ở Hà Nội, sinh cặp song thai đúng mùng 2 Tết. Với chị, sự ra đời của hai em bé lần này hoàn toàn là do duyên định mệnh. Chính sự xuất hiện bất ngờ này đã khiến chị và anh xã cùng lúc trải qua rất nhiều cảm xúc, có lo lắng, hoang mang và cả những niềm vui bất tận.
Tổ ấm nhỏ của chị Thảo giờ đây đã có thêm 2 thành viên nhí.
Sau một hành trình thai đôi không ít khó khăn, chị cùng 2 em bé đã cán đích thành công vào một ngày đầu năm mới, trong sự háo hức chờ đợi của toàn thể gia đình.
Siêu âm biết mang thai đôi, mẹ 8X gọi điện cho chồng vừa run vừa khóc
Theo lời chị Thảo, chị biết tin có em bé trong một chuyến công tác xa. Ban đầu, chị thấy mệt nghĩ do sức khỏe không được tốt, đến khi thử que thấy lên hai vạch “căng đét” mới giật mình. Chị vội chụp hình ảnh que thử thai gửi về cho chồng, anh xã nhận tin nhắn cũng ngỡ ngàng không kém. Sau đó hai tuần chị trở về Hà Nội và đến phòng khám tư nhân để khám thai, nhìn kết quả siêu âm cho thấy mang thai đôi, chị càng hốt hoảng hơn, phải chạy vào ngay bệnh viện phụ sản Trung ương để kiểm tra lại.
Cả chị Thảo và chồng đều khá hài hước khi cận ngày sinh đã kịp vẽ lên chiếc "bụng bự" tình trạng sắp nổ của quả "bom".
Chị kể: “Vì hai vợ chồng chưa có kế hoạch sinh thêm bé nên thực sự mình khá hoang mang khi thử lên vạch. Mình vốn là người rất cẩn thận về chuyện con cái, bé đầu mình tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai. Bé này mình hoàn toàn không có sự chuẩn bị gì đâm ra vừa mừng vừa lo. Lúc siêu âm biết chắc chắn mang thai đôi mình cầm điện thoại gọi cho chồng mà vừa run vừa khóc”.
Trải qua vài tuần đầu thai kỳ, chị Thảo tái khám và được biết tình trạng thai đôi 1 bánh nhau hai buồng ối. Ông xã vốn là bác sĩ nên khi biết sức khỏe của vợ, anh cũng hiểu và nắm được những khó khăn, nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ, nhất là với những cặp hai buồng ối nhưng chung nhau có thể mắc phải hội chứng truyền máu nhau thai và nhiều tai biến khác.
Mẹ Hà Nội tâm sự: “Hay tin mình mang thai đôi cùng chung 1 bánh nhau, nhiều mẹ khuyên hai vợ chồng không phải là hiếm muộn thì cũng có thể cân nhắc về việc có tiếp tục thai kỳ hay không. Mấy tuần đầu, hai vợ chồng thực sự rất phân vân, cân nhắc. Cuối cùng vợ chồng quyết định: Con cái là duyên lành đến với gia đình, chắc chắn có duyên thì mình tin mọi chuyện sẽ tốt đẹp”.
Mang bầu khá to nhưng chị Thảo không bỏ sót bất cứ hoạt động vui chơi nào.
Tự trấn an bản thân không được quá lo lắng, chị Thảo theo dõi sức khỏe thường xuyên. Chị ý thức được việc mẹ vui vẻ, em bé chắc chắn sẽ khỏe nên mọi kế hoạch và hoạt động trong công việc, cuộc sống, chị vẫn không hề thay đổi vì lý do mang thai. Thậm chí chị vẫn làm việc và vui chơi cùng bạn bè, gia đình như cuộc sống bình thường trước khi mang thai – có thể vì tinh thần như thế mà mẹ bầu đã có một thai kỳ khá ổn định.
Đi đẻ đúng mùng 2 Tết, mổ xong tách con nằm suốt 8 tiếng ở phòng hậu phẫu
Thú nhận là người theo chủ nghĩa “thuận tự nhiên”, chị Thảo không ép buộc bản thân phải theo bất cứ quy tắc ăn uống nào. Ba tháng đầu thai kỳ, chị không ăn được gì mà chỉ uống nước canh, nước chè pha, sữa bầu lại càng không do dị ứng, rất may mắn hai em bé vẫn luôn đạt các chỉ số phát triển thai nhi. Theo chị mỗi khi thèm ăn gì thì tức là cơ thể đang có nhu cầu về đồ ăn đó, mẹ bầu cố gắng lắng nghe nhu cầu cơ thể và đáp ứng đầy đủ là được.
Trước khi sinh em bé, gia đình chị đã cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.
Hai tuần cuối thai kỳ chị Thảo bắt đầu bị phù chân, cứng bắp chân đến mức khó khăn khi di chuyển cầu thang. Trong suốt thai kỳ chị Thảo vẫn có hy vọng rằng bản thân sẽ có thể sinh thường được, bởi thế chị quyết định để chờ cơn chuyển dạ tự nhiên và sinh thường.
Chị Thảo cho biết, trong suốt thai kỳ đến đêm giao thừa là thời điểm chị cảm thấy mệt mỏi, bụng nặng nề và chân phù nề rất nhiều.
Tuy nhiên, những ngày cuối thai kỳ chị cảm thấy khá nặng nề và đặc biệt hay mệt về đêm. “Đêm giao thừa tức ngày 24/1/2020 là đỉnh điểm của sự mệt mỏi, may sao sang ngày mùng 1 tết, sức khỏe của mình lại trở về ổn định. Nhưng hai vợ chồng quyết định mùng hai Tết sẽ vào viện mổ chủ động để đảm bảo an toàn tốt nhất cho ba mẹ con” – mẹ 8X bộc bạch.
Sáng mùng 2 Tết nhập viện chị Thảo được bác sĩ thông báo sản phụ đã có cơn chuyển dạ nhưng do bị huyết áp cao lại kèm biểu hiện của tiền sản giật thể ẩn nên các chuyên gia đã tư vấn chị vượt cạn bằng phương pháp mổ lấy thai. Hai em bé chào đời với cân nặng lần lượt là 2.3kg và 2.4kg, các con lọt lòng mẹ khóc to, phản xạ tốt.
Chị Thảo sinh con bằng phương pháp sinh một, hai em bé lọt lòng khỏe mạnh.
Nhớ lại thời khắc “lâm bồn”, mẹ bỉm sữa nói: “Nằm trên bàn mổ, mọi thao tác của bác sĩ mình đều biết và cảm nhận rõ, nhưng do phản ứng của thuốc gây tê, toàn bộ cơ thể mình cứ rét run lên bần bật, huyết áp thì tăng cao, nên khi bé chào đời, mình chỉ được nhìn và ôm con một chút, sau đó phải nằm ở phòng hậu phẫu 8 tiếng để theo dõi ổn định huyết áp.
Nhìn các mẹ khác sinh cùng ca với mình và sinh sau mình, lần lượt được về phòng sớm với con mà mình vô cùng sốt ruột và lo lắng. Mãi sau mình ngủ thiếp đi được một lúc, huyết áp giảm và giữa đêm mình đã tha thiết thuyết phục bác sĩ cho được về phòng với con”.
Nhờ được mẹ thai giáo ngay từ trong bụng, 2 em bé lọt lòng khá ngoan và hiểu chuyện.
Suốt gần 9 tháng thai kỳ với những lo lắng về sức khỏe, cuối cùng hành trình vượt cạn của chị Phương Thảo cũng thành công, hai bé chào đời khỏe mạnh khiến bố mẹ vỡ òa vì sung sướng. Dù hai ngày sau đó, do ảnh hưởng của vết mổ, của huyết áp cao, chị hầu như không đi lại để bế con được lần nào, nhưng với mẹ bỉm sữa Phương Thảo được nằm ở phòng cùng với hai con cũng là một hạnh phúc viên mãn.