Người xưa vẫn thường nói "cửa sinh là cửa tử", bởi trong quá trình "vượt cạn", không ai có thể lường trước được những biến chứng sản khoa có thể xảy ra. Dù mang bầu khỏe mạnh, suôn sẻ, mẹ cũng có thể rơi vào tình huống "thập tử nhất sinh" như trường hợp được bác sĩ Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn) thuật lại dưới đây.
Một ca mổ sinh tại bệnh viện Xanh Pôn.
Nguyên văn câu chuyện "nghẹt thở" được bác sĩ Trần Văn Phúc chia sẻ lại như sau.
"Lúc 4 giờ sáng ngày 26/7/2020, vợ chồng chị T.N.T (35 tuổi) ở Canh Nâu, Thạch Thất, Hà Nội háo hức chuẩn bị đón một thành viên mới trong gia đình. Nhưng niềm vui của cặp vợ chồng ấy càng có thêm ý nghĩa, khi đứa con của họ đã thoát chết chỉ trong tích tắc, bởi diễn biến cuộc sinh thực sự là bi kịch.
"Đó là một phép màu!" – Bác sĩ Tiến, trưởng ê kíp sản kể lại.
Chị T.N.T mang thai khá dễ dàng, đây là đứa con thứ 3, hai lần trước thai đều đủ tháng, khỏe mạnh và đẻ thường tại Bệnh viện Thạch Thất (Hà Nội). Lần này chị vỡ ối, người chồng cùng gia đình vội vã đưa vợ đến bệnh viện.
Thời điểm 4 giờ sáng, bệnh nhân nằm rải rác trong phòng cấp cứu nội, cấp cứu ngoại và sản, phòng mổ, phòng hậu phẫu, các đơn nguyên cấp cứu trong các khoa. Dường như bác sĩ và điều dưỡng phải rải người để phân chia thành các bộ phận rời rạc.
- "Bác sĩ ơi, em bị vỡ nước ối!".
Các nhân viên y tế làm nhiệm vụ ngay lập tức, điều dưỡng đón sản phụ vỡ nước ối, hướng dẫn người mẹ nằm lên bàn khám, nữ hộ sinh lắng nghe nhịp tim thai nhi, hộ lý hỗ trợ sản phụ thay quần áo sạch của bệnh viện.
Bác sĩ Phan Mạnh Tiến đã trực tiếp khám cho sản phụ. Vừa đưa ngón tay trỏ thăm cổ tử cung, bác sĩ Tiến giật bắn mình, ngón tay của anh đột nhiên chạm vào cái gì đó.
Là một bác sĩ chuyên khoa cấp 1 về sản, có kinh nghiệm lâu năm, bác sĩ Tiến thực sự lo lắng. "Dây rốn bị sa!" – bác sĩ Tiến bật ra câu nói như phản xạ tự nhiên. Mặc dù ngón tay của anh vừa mới chạm vào cái gì đó chưa rõ ràng, nhưng dựa trên nhiều năm kinh nghiệm, anh chắc chắn rằng đã chạm vào dây rốn của thai nhi.
- "Tim thai bao nhiêu?"
- "114 lần/ phút, mờ xa xăm, đã nghe 3 lần!"
- "Chuyển thẳng phòng mổ!"
Bác sĩ Tiến thảng thốt hỏi điều dưỡng nghe tim thai, 114 lần/ phút, đó là chỉ số báo hiệu ngạt vì thai suy mà bất cứ bác sĩ nào cũng hoảng sợ. Thai nhi phải được mổ để lấy ra nhanh chóng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào kể cả khi ca mổ đẻ đã thành công.
Sự sống của thai nhi bị treo trên một sợi chỉ mảnh.
Bác sĩ Tiến gọi đồng nghiệp đến hỗ trợ giải cứu. Nữ hộ sinh Nga là người có kinh nghiệm, cô phải dùng tay đẩy ngôi thai, đồng thời sử dụng ngón tay nâng đỡ giữ dây rốn, nhiệm vụ của cô không được phép để đầu thai nhi đè vào dây rốn gây tử vong đột ngột.
Vào thời điểm quan trọng nhất, những y bác sĩ ở các vị trí rời rạc, họ nhanh chóng thành lập một đội quân triển khai chiến đấu. Các đội cứu hộ gồm ê kíp phẫu thuật sản, ê kíp gây mê hồi sức, đặc biệt là ê kíp hồi sức sơ sinh dưới sự chỉ huy trực tiếp của bác sĩ Vĩnh sẽ đảm nhận nhiệm vụ nặng nề nhất là giải cứu em bé bị ngạt ngay sau khi bác sĩ Tiến lấy ra khỏi bụng mẹ.
Những bước chạy hối hả trong đêm!
Mọi thứ đều ngay lập tức, ngay lập tức!
Khử trùng, trải khăn… thời gian nơi phòng mổ trôi qua chậm chạp trong bầu không khí cực kì căng thẳng, mọi nhân viên y tế đều tập trung vào một mục tiêu chiến đấu với tử thần. Tại thời điểm này, nữ hộ sinh Nga trông giống như một tác phẩm điêu khắc, cô quỳ gối nơi cuối bàn mổ, ở giữa 2 chân sản phụ. Để dây rốn không tụt thêm hơn nữa và đầu thai nhi không chèn ép, nữ hội sinh Nga phải cố gắng hết sức dùng tay thiết lập khoảng trống an toàn, 25 phút thực sự là thử thách, đó là thời gian vàng cung cấp oxy cho em bé.
Bác sĩ Tiến dùng dao mổ rạch đường da đầu tiên.
Cuộc giải cứu thực sự bắt đầu, ê kíp hồi sức cấp cứu sơ sinh do bác sĩ Vĩnh chỉ huy đã đặt các thành viên trong trạng thái khẩn cấp, họ chờ đợi ngay bên cạnh bàn mổ cùng các thiết bị hồi sức khẩn cấp đã được kích hoạt.
Hai phút sau khi mở bụng, một thai nhi nặng 3kg được bác sĩ Tiến lấy ra, hai mẹ con đều an toàn.
Nhưng em bé không khóc!
Em bé may mắn được cứu sống với mọi sự nỗ lực của các y bác sĩ.
Bác sĩ Vĩnh nhanh chóng đón nhận em bé sơ sinh, cùng ê kíp hồi sức thực hiện cuộc giải cứu marathon. Hút dịch và đờm dãi, sử dụng túi hồi sức cung cấp oxi áp lực dương, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, sử dụng thuốc hồi sức, chuẩn bị ép tim và sẵn sàng đặt nội khí quản nếu cần.
Lúc 5 giờ sáng tiếng khóc của đứa trẻ vang lên.
Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm. Sau 10 phút cấp cứu, dấu hiệu sinh tồn của đứa trẻ dần hồi phục. Bên ngoài ngay dưới chân cầu thang khu phòng mổ, chiếc xe cứu thương đã nổ máy chờ sẵn, đèn hiệu đang quay những vòng quay gấp gáp sốt ruột. Em bé được các y bác sĩ bế chạy xuống xe cứu thương. Lại một cuộc marathon, chiếc xe hú còi lao đi xé toang màn đêm nơi vùng quê yên tĩnh, xe hối hả trên những cung đường ngược chiều để kịp đến khoa sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp tục theo dõi và hồi sức.
Vào buổi bình minh ngày 26 tháng 7 năm 2020.
Khoa sản Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất vẫn hoạt động bình thường. Giám đốc Bệnh viện, bác sĩ Vương Trung Kiên đến sớm hơn thường lệ, anh bắt đầu công việc của một ngày mới với việc điều khiển giao ban chuyên môn.
“Tôi xin biểu dương ê kíp trực đã xử trí xuất sắc một ca sinh nở sa dây rau!” – Giám đốc Kiên đã nói với các nhân viên của mình – “Tôi đề cao khả năng chẩn đoán và xử trí của ê kíp sản khoa, khả năng hồi sức của ê kíp sơ sinh, đặc biệt là khả năng ứng phó và điều phối của các bộ phận liên quan. Bệnh viện sẽ có phần thưởng. Nhưng phần thưởng lớn nhất dành cho các bạn chính là em bé đã được cứu sống.”
Trong tiếng vỗ tay của cả hội trường, cho đến lúc này, nữ hộ sinh Nga nhìn xuống bàn tay của mình, cô chợt nhận ra nó bị tê và bầm tím".
Bác sĩ Phan Mạnh Tiến và đồng nghiệp.
Câu chuyện đã có một cái kết "có hậu" khi cả sản phụ và em bé đều được cứu sống. Đây cũng như một lời cảnh báo với những bà mẹ mang bầu không chủ quan dù mang thai khỏe mạnh, cần luôn chú ý và đến bệnh viện ngay khi thấy cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Sa dây rốn là gì? Sa dây rốn là một biến chứng hiếm gặp ở thai kì, trong đó dây rốn rơi vào âm đạo bà mẹ trước khi sinh em bé. Bệnh cảnh thường xảy ra khi vỡ ối, dây rốn tụt dần xuống rồi chui vào âm đạo, thai nhi lọt và chèn vào, tuần hoàn máu từ mẹ đến thai nhi bị chặn lại, làm cho em bé thiếu oxy nghiêm trọng, thai bị suy, sau 5-7 phút không được giải cứu thai có thể chết. Tỉ lệ xảy ra khoảng 0,3 phần trăm các trường hợp. Khám thai và siêu âm định kì rất quan trọng, giúp tìm ra các nguy cơ gây sa dây rốn, những nguy cơ giúp bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm gồm: Tuổi bà mẹ trên 35; Dây rốn quá dài hoặc; Đầu thai nhi quá thấp; Đa ối; Trọng lượng thai nhi thấp; Sinh non; Đa thai; Dị tật thai nhi; Các can thiệp: chọc ối, đặt bóng chèn… Chẩn đoán sa dây rốn khi chuyển dạ nhờ thăm khám cổ tử cung sờ thấy dây rốn bị sa. Siêu âm cho phép chẩn đoán sa dây rốn, đặc biệt siêu âm Doppler màu ngoài đánh giá dây rốn sa còn biết được sự tắc nghẽn dòng máu đến thai nhi, đánh giá chính xác tình trạng tim thai, đánh giá tưới máu não của thai. Siêu âm cũng cho phép phát hiện sa dây rốn sớm, đặc biệt các yếu tố nguy cơ. Tần số tim thai rất quan trọng khi chẩn đoán, thường biến đổi đột ngột, tái phát bất thường kéo dài hơn 1 phút, nếu chậm dưới 120 chu kì phút được coi là suy thai, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Sa dây rốn là cấp cứu sản khoa bắt buộc, khẩn cấp, thời gian là vàng tính từng giây từng phút. Khoảng thời gian dưới 30 phút kể từ khi dây rốn bị sa cho đến khi giải cứu thành công. Phẫu thuật lấy thai ưu tiên hàng đầu. Ngoài ê kíp phẫu thuật sản khoa và gây mê, phải song song ê kíp hồi sức cấp cứu sơ sinh, sự phối hợp để có hành động nhanh chóng và kịp thời. Trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật cần phải có biện pháp giảm nén dây rốn bị sa. Kĩ thuật giải nén bằng 2 ngón tay hoặc cả bàn tay qua âm đạo, đẩy đầu thai nhi lên cao, đồng thời nâng đỡ dây rốn. Bệnh nhân nên đặt tư thế đầu dốc (Steep Trendelenburg). Có thể đặt sonde Foley và làm đầy bàng quang bằng 500-750mL giúp giữ thai nhi không tụt xuống thấp. |