Sinh con là một sự kiện gây tổn hại không ít lên sức khỏe của người phụ nữ. Thậm chí đôi khi mẹ tưởng mình đã "vượt cạn" suôn sẻ, khỏe mạnh nhưng những biến chứng sau sinh vẫn có thể xảy ra. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một ví dụ.
Tiểu Hạ (28 tuổi, sống tại Quý Châu, Trung Quốc) mới sinh con thứ 2 cách đây hơn 1 năm. Ca sinh của cô diễn ra khá nhanh và suôn sẻ. Sau sinh hơn 1 ngày hai mẹ con đã được về nhà. Trong tháng đầu ở cữ, thỉnh thoảng Tiểu Hạ thấy bụng nhâm nhẩm đau nhưng cô chỉ nghĩ là do tử cung đang co lại nên đó là chuyện bình thường.
Cho đến một hôm sau ngày sinh đúng 1 tháng 5 ngày, Tiểu Hạ bị đau bụng dữ dội. Cơn đau không khác gì khi cô đau đẻ. Cô vào nhà vệ sinh, ngồi lên bồn cầu và vật vã xoa bụng. Thế rồi bỗng nhiên một "vật lạ" trôi tuột ra từ vùng nhạy cảm của Tiểu Hạ, cùng với đó là máu me chảy ra. Cô hốt hoảng hét lên gọi chồng đưa mình đến bệnh viện. Mẹ chồng cô còn gói "vật lạ" kia lại để mang đến bệnh viện cho bác sĩ kiểm tra.
Sau sinh hơn 1 tháng, Tiểu Hạ bị đau bụng dữ dội. (Ảnh minh họa)
Trên đường tới bệnh viện, Tiểu Hạ vừa đau đớn và sợ hãi. Cô nghĩ trong lòng liệu có phải đó là tử cung của mình bị rơi ra ngoài không. Tuy nhiên tại bệnh viện, bác sĩ cho biết đó là một phần nhau thai bị sót trong tử cung của cô và bên trong vẫn còn chứ chưa ra hết. Cô đã có dấu hiệu nhiễm trùng và xuất huyết. Ngay lập tức, Tiểu Hạ được đưa lên bàn phẫu thuật một lần nữa để lấy hết những phần nhau thai bị sót ra ngoài.
Sau ca phẫu thuật, Tiểu Hạ phải nằm viện hơn 1 tuần và chịu cảnh tắc sữa đầy đau đớn do không thể cho con bú. Trải nghiệm kinh hoàng đó đã ảnh hưởng đến cả sức khỏe và tâm lý của Tiểu Hạ.
Đến nay hơn 1 năm sau ca phẫu thuật, cô vẫn bị sợ chuyện "chăn gối" với chồng. Mỗi khi chồng đề nghị, Tiểu Hạ đều tưởng tượng đến cảnh có thứ gì đó trong cơ thể mình rơi ra ngoài nên không dám đồng ý. Chuyện tình cảm vợ chồng của cả hai cũng vì vậy mà gặp căng thẳng.
Tiểu Hạ bị sót nhau sau sinh dẫn đến nhiễm trùng. (Ảnh minh họa)
Sót nhau thai nguy hiểm thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, nhau thai sẽ ra ngay sau khi em bé chào đời nhưng cũng có nhiều ca bất thường, giai đoạn này không diễn ra tự nhiên và nhau thai không thoát ra ngoài dẫn đến hiện tượng sót nhau sau sinh. Nếu sót nhau thai không được can thiệp kịp thời mẹ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, băng huyết sau sinh và có thể đe dọa tới tính mạng.
Nguyên nhân dẫn đến sót nhau thai bao gồm:
- Nhau thai bám toàn bộ quanh tử cung, bánh nhau che kín cả cổ tử cung ngay cả khi đã mở.
- Các cơn co thắt tử cung không đủ mạnh để đẩy nhau thai ra ngoài.
- Nhau thai bám sâu vào thành tử cung và không thoát ra ngoài hết sau khi em bé chào đời.
- Nhau thai dính vào vết sẹo từ lần mổ đẻ trước hoặc phẫu thuật tử cung của mẹ.
- Một phần nhau thai bị kẹt lại không thoát ra ngoài được khi cổ tử cung đóng quá sớm.
Các triệu chứng của sót nhau:
- Sốt
- Dịch tiết ra có mùi hôi từ âm đạo
- Chảy máu nhiều
- Những mảnh mô lớn ra khỏi âm đạo
- Đau đớn