Ngày 7/8/2022 vừa qua, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) đã tiếp nhận trường hợp sản phụ T.T.D. (27 tuổi, trú tại Vị Xuyên, Hà Giang) và con là T.T.N. (3 tháng tuổi) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, hơi thở nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ.
Theo gia đình chị D. cho biết, sau khi sinh con, sản phụ này có nhiều biểu hiện của trầm cảm như thay đổi tính cách, không nói chuyện với mọi người.
Gần đây, thời điểm gia đình không chú ý, chị D. đã dại dột cùng con uống thuốc diệt cỏ để kết thúc cuộc đời mình. Dù 2 mẹ con đều trong tình trạng rất nặng, tiên lượng xấu nhưng do được các bác sĩ trực xử trí hồi sức tích cực kịp thời và rửa dạ dày cấp cứu cho 2 mẹ con mà sau 1 giờ 2 mẹ con chị D. đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần trở về ngưỡng bình thường. Hiện sức khỏe của sản phụ và đứa con sơ sinh đều đã ổn định.
Sản phụ và con sau khi được cứu thành công. Ảnh: BVCC
Được biết, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang (Hà Giang) thời gian qua liên tục tiếp nhận các trường hợp tự tử bằng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu... Nhiều người trong số đó là phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, may mắn là các trường hợp đều đến sớm nên được cứu kịp thời.
Trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu họa đáng sợ như thế nào?
Có nhiều nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh như: Phụ nữ có tiền sử trầm cảm trước đó; do thay đổi nội tiết tố trong thời kì mang thai và sau khi sinh; do sức khỏe giảm sút sau khi sinh yếu hơn bình thường hoặc nhiều yếu tố khách quan khác như điều kiện tài chính gia đình, hoàn cảnh sống chật chội hoặc đông đúc, sự thiếu quan tâm chia sẻ từ người thân nhất là bạn đời, áp lực gia đình… Những điều này làm gia tăng cảm xúc tiêu cực, dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh cho các sản phụ.
Trầm cảm sau sinh là một rối loạn tâm trạng cực đoan liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ sau sinh. Người bị trầm cảm thường có những cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi, lo lắng, lo sợ con mình bị hại hay bản thân mình có thể sẽ làm hại em bé. Có lúc, nó có thể phát triển thành hành vi cực đoan gây hại cho chính bản thân người mẹ và con của họ.
Người bị trầm cảm sau sinh thường có những cảm giác buồn bã, trống rỗng, mệt mỏi (Ảnh minh họa)
Ngay cả khi được điều trị, sản phụ bị trầm cảm sau sinh thường không có đủ năng lượng để chăm sóc con cái, có nguy cơ tự tử cao hơn. Ngoài ra, căng thẳng trong gia đình phát sinh triền miên gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
Đặc biệt, con của những người mẹ bị trầm cảm sau sinh không được điều trị có nhiều khả năng gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi như: Chậm phát triển ngôn ngữ và vấn đề học tập, liên kết mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề, dễ kích động hơn trẻ bình thường và có những cảm xúc tiêu cực, chậm phát triển chiều cao, khó thích nghi với môi trường và hòa nhập xã hội…