Với những gia đình có con nhỏ chắc hẳn đều có ít nhất 1 chiếc nhiệt kế thủy ngân để phòng trong các trường hợp trẻ ốm sốt bởi nhiệt kế thủy ngân cho kết quả chính xác nhất trong số các dụng cụ đo nhiệt độ. Tuy nhiên loại nhiệt kế này cũng là vật dụng vô cùng nguy hiểm cần phải để tránh xa bàn tay trẻ nhỏ.
Một trường hợp mới xảy ra ở Trung Quốc gây xôn xao mạng xã hội. Theo chia sẻ của người mẹ, trong khi người lớn trong nhà đang vui vẻ trò chuyện thì cô cháu gái Yumi bất ngờ chạy đến hô lớn "Mẹ ơi, em cắn nhiệt kế và cho vào miệng ăn rồi".
Tất cả mọi người đều bàng hoàng, bà mẹ vội chạy đến chỗ cậu con trai 3 tuổi thì phát hiện cậu nhóc cầm chiếc nhiệt kế thủy ngân vừa được đo nhiệt độ và để trên bàn để nghịch chơi, cho vào miệng cắn thử và không may bị vỡ. Trong khi người mẹ và chị họ - mẹ của bé Yumi, chưa kịp hoàn hồn và không biết cách xử lý như thế nào thì người bố mặc dù cũng lo sợ nhưng kịp bình tĩnh, anh hô to mọi người không được kích động để bản thân anh xử lý.
Việc đầu tiên, anh lấy đèn pin điện thoại để soi kiểm tra xem miệng con trai có vết xước nào không, thủy ngân có bị tràn ra miệng không. Rất may đứa trẻ cắn vỡ nhiệt kế nhưng niêm mạc không bị xước bởi mảnh vỡ thủy tinh. Trên răng của em bé có vài hạt thủy tinh, người bố dùng loại ống hút nước nhẹ nhàng cạy và hút ra ngoài.
Sau đó, anh đưa con vào nhà tắm, đưa cho con cốc nước và bảo bé súc miệng cho thật sạch. Đồng thời anh yêu cầu tất cả mọi người trong nhà đeo khẩu trang, mở cửa sổ thông gió và gom sạch các mảnh vỡ trên sàn nhà lại. Đứa trẻ sau đó cũng được chở ngay đến bệnh viện để kiểm tra.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy bé trai đã nuốt một lượng nhỏ thủy ngân vào trong bụng. Tuy nhiên phía bác sĩ cho biết niêm mạc dạ dày không bị tổn thương nên lượng nhỏ thủy ngân này sẽ bị đào thải ra ngoài. Bố mẹ nên cho con ăn nhiều chất xơ thô như cần tây, tỏi tây. Bên cạnh đó, phía bác sĩ dành lời khen ngợi cho cách sơ cứu của người bố là hoàn toàn đúng đắn và rất chuyên nghiệp.
Trên thực tế, việc trẻ không may cắn vỡ nhiệt kế và nuốt phải thủy ngân bởi những sơ suất của bố mẹ xảy ra khá phổ biến. Ở Việt Nam, thậm chí bé gái 11 tuổi cũng đã từng bị nhiễm độc thủy ngân từ chiếc nhiệt kế này. Theo chia sẻ, bé gái 11 tuổi ở Thái Bình nhập viện tại Bệnh viên Bạch Mai tháng 2 năm ngoái trong tình trang bị nhiễm độc thủy ngân.
Người nhà cho biết, trong quá trình vẩy nhiệt kế thủy ngân để vạch thủy ngân trở về mức ban đầu đã sơ ý để chiếc nhiệt kế chọc mạnh vào tay trái của cháu. Nhiệt kế bị vỡ và tạo ra vết thương ở ngón trỏ tay trái. 6 ngày sau, do sợ bị nhiễm độc thủy ngân, gia đình đã đưa cháu tới Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.
Khi vào viện, vết thương của cháu bé đã bị nhiễm trùng và áp xe. Các bác sĩ chụp X-quang ngón tay của cháu thấy có nhiều hạt thủy ngân ở bên trong phần mềm sát khớp bàn ngón trỏ tay trái. Do tình trạng nhiễm trùng phức tạp, cháu đã được điều trị nhiễm trùng, xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu, nước tiểu và đánh giá các tổn thương. Rất may tình trạng của cháu bé cũng đã nhanh chóng ổn định sau đó.
Một trường hợp nguy hiểm hơn nữa xảy ra vào tháng 5/2011, theo Bệnh viện Nhi đồng 1, em bé 6 tháng tuổi, nhà ở Lâm Đồng được người nhà đưa đến bệnh viện vì nuốt phải thủy ngân. Mẹ cháu cho biết, trước đó chị đã làm vỡ chiếc nhiệt kế trong khi đo nhiệt độ bình sữa pha cho bé mà không hề hay biết.
Mãi đến khi cho bé bú gần hết bình sữa, phát hiện có đọng ở đáy bình những giọt lóng lánh trông như thủy ngân lẫn trong sữa chị lấy nhiệt kế ra xem thì mới biết nó đã bị nứt, cạn sạch thủy ngân. Làm mọi cách để cháu bé nôn ra nhưng không được nên đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện. Qua theo dõi và xử lý của các bác sĩ, may mắn sức khỏe của bé sau đó đã hoàn toàn bình thường.
Cách xử lý khi trẻ không may nuốt phải thủy ngân Khi trẻ không may nuốt phải thủy ngân, bố mẹ không nên thực hiện các biện pháp như móc họng, bóp bụng gây nôn cho trẻ. Bởi việc móc họng sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi khiến trẻ tử vong. Việc cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế nơi gần nhất để được các y bác sĩ hướng dẫn. Bình tĩnh theo dõi phân của trẻ trong vài ngày để xác định, đánh giá lượng thủy ngân đã được bài tiết ra ngoài. Đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt uống nhiều nước để tránh táo bón, giúp sự bài tiết tốt hơn. Một số dụng cụ đo nhiệt độ cho trẻ Bên cạnh nhiệt kể thủy ngân khá phổ biến, mẹ có thể sử dụng một số loại nhiệt kế có tính an toàn hơn như: Nhiệt kế điện tử Nhiệt kế điện tử có ưu điểm dễ sử dụng nhưng hiệu quả không cao so với nhiệt kế thủy ngân. Ví dụ, nhiệt độ cơ thể bình thường của bé là 36,5 ℃ nhưng với nhiệt kế điện tử nhiệt độ có khả năng lên 37 ℃. Đây là một trong số yếu điểm song cha mẹ có thể yên tâm nếu nhiệt độ cơ thể bé không vượt mức này thì trẻ hoàn toàn bình thường. Nhiệt kế hồng ngoại Nhiệt kế hồng ngoại hoạt động dựa trên hiệu ứng bức xạ nhiệt dưới dạng hồng ngoại của các vật nóng. Tuy nhiên thiết bị này đòi hỏi sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, chẳng hạn khi mùa đông nhiệt độ thấp nhiệt kế có thể không đo chính xác thân nhiệt người bệnh. Nhiệt kế dán trán Nhiệt kế dán trán giúp theo dõi thân nhiệt của bé đơn giản nhất. Việc sử dụng nhiệt kế rất dễ dàng, chỉ cần dán trực tiếp lên trán và đợi khoảng 1 phút nếu miếng dán thay đổi màu sắc thì rất có thể bé bị sốt. Lưu ý: Khi trẻ bị ốm cha mẹ nên đo nhiệt độ cho bé từ 1-2h/ lần bởi trẻ nhỏ thân nhiệt thường không ổn định. Ngoài ra, cần phải quan sát xem bé có xuất hiện triệu chứng bất thường hay không, nếu có hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để kiểm tra. Khi sử dụng nhiệt kế thủy ngân, cha mẹ lưu ý cần giám sát con cẩn thận để tránh xảy ra nguy cơ đáng tiếc như trên. |