Trẻ nhỏ với tâm hồn giống như một tờ giấy trắng, phương thức giao tiếp, cách giáo dục của bố mẹ có sức ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách và phát triển tâm lý ở trẻ.
Trong đó, những câu nói tưởng chừng vô hại bố mẹ nói ra trong lúc nóng giận đôi khi vô tình khắc sâu vào tâm trí, tư tưởng, cảm xúc của trẻ, đặc biệt đối với gia đình có con trai.
Dưới đây là 4 câu nói bố mẹ nên hạn chế sử dụng khi nuôi dạy con trai, tránh làm tổn thương đến con.
“Con trai phải mạnh mẽ, không được khóc"
Tự nhiên sinh ra hai phái mạnh và yếu (Các bé trai đại diện phái mạnh, bé gái đại diện phái yếu). Vì vậy hầu hết chúng ta thường mặc định những bé trai phải mạnh mẽ, độc lập và lớn lên thường làm việc lớn.
Tuy nhiên theo quan điểm nuôi dạy con hiện đại, bố mẹ không nên dạy con trai rập khuôn theo quan niệm nào đó, sẽ vô tình tạo nên khoảng cách và giới hạn ở những đứa trẻ.
Con trai hay con gái đề u có nhu cầu thể hiện cảm xúc, việc khóc là một phản ứng rất bình thường, rất tự nhiên, trẻ khóc không có nghĩa là trẻ rụt rè, yếu đuối mà là sự đào thải cảm xúc tiêu cực. Nếu trẻ thường xuyên bị đè nén cảm xúc, lâu dần có thể ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe tinh thần.
Đồng thời, bố mẹ cũng không nên so sánh con với các bạn khác hoặc so sánh trực tiếp với tính cách của các bé gái, điều này có thể khiến trẻ nghĩ mình kém cỏi, dần dần mất đi sự tự tin vốn có.
Vì vậy, để nuôi dạy những bé trai trưởng thành lành mạnh, bố mẹ nên dạy con thể hiện cảm xúc đúng lúc, biết chia sẻ và nhờ đến sự trợ giúp khi cần.
“Con lớn lên phải giỏi giang, giàu có”
Hiện nay nhiều gia đình vẫn bảo lưu suy nghĩ rằng đàn ông phải giỏi giang, giàu có mới là đàn ông đích thực. Sức mạnh tài chính hẳn nhiên là thế mạnh. Nhưng thực tế, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành bại trong cuộc sống tương lai của trẻ.
Mặc dù khuyến khích trẻ là ý tưởng hay, nhưng gây áp lực quá lớn có thể phản tác dụng. Trẻ lớn lên có thể hình thành suy nghĩ lệch lạc, coi trọng giá trị đồng tiền, đánh giá con người qua giá trị đồng tiền, từ đó nể sợ người giàu, khinh ghét kẻ nghèo.
Thay vì kỳ vọng trẻ phải giỏi giang kiếm tiền, nên hướng tới việc giáo dục nhân cách, dạy cho con cách sống hiện đại, tích cực, biết sử dụng lợi thế của mình để phát triển bản thân, học cách san sẻ, đồng cảm công việc với mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ xung quanh, trước hết là mẹ, sau đó là bạn đời.
“Sao con lúc nào cũng thất bại giống bố con vậy”
Câu nói này vô tình sẽ gây tác động lớn đến tâm lý đứa bé trai, bởi bố được coi như là hình ảnh khuôn mẫu của nhiều bé trai khi còn nhỏ, có thể tác động đến cảm xúc của trẻ, hình ảnh người bố trong mắt bé cũng bị rạn nứt đôi phần.
Tốt nhất người mẹ nên hạn chế so sánh con trai với bố khi trẻ chưa làm được điều gì tốt, hoặc không nên nói điều không hay về bạn đời trước mặt con. Bởi trẻ nhỏ không có lỗi, không đáng để phải hứng chịu những cơn thịnh nộ.
Ngoài ra, khi mẹ thường xuyên nói câu này với con trai, đứa trẻ sẽ cảm thấy áp lực, tự ti. Thậm chí là tỏ thái độ ghét mẹ và có xu hướng muốn chống đối. Do đó, thay vì lôi bố đứa trẻ vào thì người mẹ nên bình tĩnh lại và chỉ cho con thấy những sai lầm con mắc phải. Đây là cách hành xử thiếu tinh tế.
"Con trai thì không cần phải làm việc nhà"
Theo quan niệm nuôi dạy con của người Việt trước đây, đàn ông luôn được ưu tiên hoặc miễn cho nghĩa vụ dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Bởi nhiều người cho rằng, đàn ông sẽ làm kiếm tiền và phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm về việc bếp núc, dọn dẹp.
Tuy nhiên, xã hội hiện đại ngày càng đề cao tính độc lập, do đó trẻ cần biết những kỹ năng cần thiết để tự mình chăm sóc bản thân khi rời xa vòng tay bố mẹ. Biết làm việc nhà cũng là cách để trẻ học cách chia sẻ với bạn đời trong cuộc sống gia đình về sau.
Đồng thời, nếu những bé trai được nuông chiều quá mước, và bắt con gái phải làm việc nhà. Trẻ lâu dần sẽ thấm nhuần quan niệm đó và không bao giờ học cách làm việc nhà, tương lai có thể đối xử với vợ như người giúp việc.