Mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng cũng để lại không ít hệ lụy nếu dùng không kiểm soát, không đúng mục đích. Đặc biệt, các em học sinh rất dễ bị ảnh hưởng bởi độ tuổi này, trẻ tò mò về những điều mới lại trong khi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên chưa nhận thức được những mặt trái của mạng xã hội.
Thực tế, có không ít trẻ học theo mạng xã hội làm những điều xấu, thậm chí là ảnh hưởng đến tính mạng, hay có những trẻ quá lạm dụng mạng xã hội, ảnh hưởng đến học tập, bị bố mẹ ngăn cấm thì bỏ nhà ra đi, thậm chí là có hành vi gây hại cho bản thân. Ngoài ra, rất nhiều trẻ ở độ tuổi vị thành niên còn lấy mạng xã hội thành “sân chơi”, “sàn đấu” để thách thức nhau, thậm chí dẫn đến những vụ bạo lực học đường với những hậu quả đáng tiếc.
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Văn Tâm - Trưởng khoa Liệt vận động và Ngôn ngữ trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết, khoa từng tiếp nhận một nữ sinh quê Phú Thọ bị “cấm khẩu” (bỗng nhiên không nói được) sau khi có mâu thuẫn trên mạng xã hội, rồi kéo theo hàng loạt hệ lụy cho bản thân và gia đình.
Dùng facebook quá nhiều, không đúng mục đích sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý trẻ. (Ảnh minh họa)
Nữ sinh tên Phương Hoa, có ngoại hình cao ráo, khuôn mặt xinh đẹp, từng là học sinh giỏi nhiều năm. Từ năm học lớp 8, Hoa bắt đầu dùng Facebook và ngày càng lún sâu vào “thế giới ảo”, có những từ ngữ trao đổi với bạn bè không đúng mực trên mạng.
Một lần có mâu thuẫn chuyện tình cảm với một nhóm bạn nữ, Hoa cùng nhóm bạn đã thách thức và mạt sát nhau trên mạng xã hội, rồi hẹn nhau ở bên ngoài để “nói chuyện phải trái". Khi hai nhóm gặp nhau, chưa nói được lời nào đã lao vào đánh nhau, do Hoa là nhân vật chính nên bị 4 nữ sinh khác tấn công.
Khi được mọi người can ngăn, về nhà, nữ sinh này tiếp tục dùng mạng xã hội để “đấu khẩu” với nhóm nữ sinh kia. Bố mẹ phát hiện đã mắng chửi Hoa, đồng thời đưa nữ sinh này đến trường để làm rõ. Tại trường, do bị ức chế tâm lý, Hoa đã bị mất ngôn ngữ hoàn toàn, không nói được gì dù vẫn nghe và nhận thức được mọi việc. Sau đó, Hoa phải giao tiếp qua cử chỉ, hoặc ghi ra giấy suốt 6 tháng trời, dù được đi khám nhưng không phát hiện ra nguyên nhân. Điều này khiến bố mẹ Hoa vô cùng lo lắng, sợ rằng con bị câm vĩnh viễn.
Bác sĩ Dương Văn Tâm cho biết, khi bệnh nhân tới viện, qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị bạo ngôn, do Can khí uất kết (quá ức chế tâm lý gây nên). Thời điểm thăm khám, ngoài vấn đến bị “cấm khẩu”, nữ sinh vẫn tỉnh táo nhưng ngại giao tiếp, sống thu mình, chỉ thích nằm, vẫn thích ôm điện thoại lướt mạng, lười vận động dù vẫn tự sinh hoạt cá nhân.
Bác sĩ Dương Văn Tâm thăm khám cho bệnh nhân.
“Với trường hợp này, chúng tôi kết hợp điều trị đông tây y. Bệnh nhân được điện châm ngày 1 lần, cùng với đó là thủy châm (tiêm thuốc) và xoa bóp bấm huyệt. Sau 5 ngày điều trị, cháu đã nói được câu đơn, tuy còn ngọng. Sau 7 ngày cháu nói được nhưng còn chậm; Sau 8 ngày cháu nói rõ, lưu loát. Sau khi nói được, bệnh nhân chia sẻ những ngày bị "cấm khẩu" cảm giác rất khó chịu ở ngực, cổ (do can khí uất)”, BS Tâm chia sẻ.
Theo bác sĩ Tâm, vấn đề trẻ dùng mạng xã hội hiện nay rất phức tạp, vì thế phụ huynh cần quản lý con chặt chẽ hơn, chỉ nên cho trẻ dùng với mục đích học tập, với thời gian hạn chế. Theo bác sĩ, ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ thường đề cao cái tôi của bản thân, đôi khi nảy ra tranh cãi với bạn, nhất là chuyện tình cảm nhưng bị đuối lý, cãi thua bạn bè có thể ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến can khí uất.
Trong trường hợp trẻ rơi vào tình trạng có mâu thuẫn trên mạng dẫn đến hậu quả như trường hợp nữ sinh trên, phụ huynh cần gần gũi chia sẻ, động viên con từ từ. Khi đó trẻ đang bị sang chấn tâm lý, người thân là chỗ dựa duy nhất, nếu chính bố mẹ cũng cự tuyệt, truy đến cùng và trách móc có thể khiến con bị mất phương hướng, dẫn đến hậu quả nặng nề về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là tính mạng.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi