Chiều 8/7, giới chức Bắc Giang xác định 15 người tiếp xúc gần với bệnh nhân chủ yếu ở xã Hợp Thịnh, Mai Trung, Danh Thắng và Thường Thắng. Họ được cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Nhân viên y tế điều trị dự phòng cho nhóm này bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với ca bệnh.
Sức khỏe của các F1 (người tiếp xúc gần) hiện ổn định, không có biểu hiện bất thường. Còn bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội.
UBND Bắc Giang cũng cho hay trước khi xác định mắc bạch hầu, cô gái đã đến 4 quán karaoke tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ngành y tế xử lý môi trường, khử trùng bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính tại phòng trọ, quán karaoke và các khu vực xung quanh.
Cô gái này được CDC Bắc Giang ghi nhận dương tính với bạch hầu hôm 6/7, di chuyển từ Nghệ An ra Bắc Giang và đi nhiều nơi nên nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng. Cô bị lây nhiễm vào cuối tháng 6 trong chuyến đến Nghệ An thi tốt nghiệp PTTH và ở chung phòng với một nữ sinh mang mầm bệnh bạch hầu. Nữ sinh này ngày 1/7 vào viện, bốn ngày sau tử vong. 119 người tiếp xúc gần với bệnh nhân Nghệ An đã được cách ly. Trong thời gian này cô gái Bắc Giang đã về địa phương, có dấu hiệu đau họng ngày 5/7, sau đó CDC lấy mẫu xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Như vậy, đã có 134 người bị cách ly liên quan đến hai nữ sinh.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bạch hầu sẽ có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành...
Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp. Các độc tố bạch hầu khi ngấm vào máu sẽ gây nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.
Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đảm bảo nhà ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Tại Việt Nam hiện nay không có vaccine đơn phòng bệnh bạch hầu, chỉ duy trì vaccine phối hợp trong đó có thành phần kháng nguyên bạch hầu. Vaccine phòng bệnh này được cung cấp qua Chương trình Tiêm chủng mở rộng (miễn phí) hoặc tiêm mất tiền tại các cơ sở tiêm chủng. Thống kê cho thấy hàng triệu trẻ em đã được bảo vệ bằng vaccine từ năm 1985. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến cuối 2023, do dịch Covid-19 và những khó khăn về nguồn cung sau đó, tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng xảy ra trên nhiều tỉnh thành, ảnh hưởng đến việc tiêm chủng của trẻ.
Thúy Quỳnh