Dù là bố mẹ ngày xưa hay bố mẹ ngày nay, việc đặt tên cho con vẫn luôn được quan tâm hàng đầu sau khi đứa trẻ chào đời. Tuy nhiên xu hướng đặt tên cho con ngày càng có nhiều sự thay đổi.
Một mẹ Việt mới đây đã tiết lộ trên mạng xã hội, cô thể hiện sự bất ngờ khi nhìn mãi danh sách lớp của con vẫn không tìm ra được học sinh nào có lót chữ “Thị” vào tên gọi. Thậm chí, nguyên cả trường con đều tương tự như vậy. Trong khi đó, đệm “Thị” là đặc trưng được rất nhiều ông bà, những bố mẹ thời 7X, 8X, 9X sử dụng khi đặt tên cho con.
Nguồn: MXH
Lời khẳng định “9X là thế hệ cuối cùng trong tên có chữ Thị” của người mẹ này đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ngay sau bài chia sẻ của phụ huynh được đăng tải, hội bố mẹ đồng loạt để lại nhiều bình luận, mỗi người đều bày tỏ những quan điểm riêng của bản thân về việc này. Nhưng tựu chung đây là một chủ đề nhận được đông đảo sự quan tâm của nhiều người.
Được biết, trong quá trình đặt tên cho con thời trước, ông bà, bố mẹ rất chuộng lót chữ “Thị” trong tên dành cho bé gái, còn chữ “Văn” trong tên dành cho bé trai. Không ít người hài hước cho biết, chưa cần nghe rõ tên để phân biệt giới tính, nhưng chỉ cần nghe đến chữ “Thị” hoặc chữ “Văn” là ai cũng có thể nhận biết được đứa trẻ đó là con trai hay con gái.
Cộng đồng mạng đua nhau tranh luận.
Tuy nhiên, một bộ phận bố mẹ trẻ ngày nay cho rằng, lót chữ “Thị” hay “Văn” vào tên con không còn là xu hướng thịnh hành, bởi vì các chữ lót này quá phổ biến, sẽ khiến cho tên gọi của con không còn sự độc lạ, thể hiện điểm khác biệt mang tính cá nhân. Nếu trẻ nào cũng “Thị” và “Văn” thì sẽ rất dễ trùng nhau, chính vì lẽ đó mà nhiều bố mẹ hiện đại đã bỏ hẳn việc sử dụng 2 chữ lót này khi đặt tên cho con.
Thực tế thì sẽ không có luật nào bắt buộc các ông bố bà mẹ phải làm theo khi đặt tên cho con. Mỗi gia đình sẽ có những quan điểm, sự lựa chọn khác nhau nhưng chung quy thì bố mẹ nào cũng muốn chọn cho con một cái tên vừa hay vừa ý nghĩa nhất.
Có 8 điều này là những lưu ý cần thiết để đảm bảo con có một cái tên đẹp, ý nghĩa và không gặp rắc rối sau này.
Lưu ý vị trí của tên con khi xếp theo thứ tự bảng chữ cái
Nhiều bậc cha mẹ rút ra "kinh nghiệm xương máu từ bản thân là không nên đặt tên con xếp ở đầu sổ hoặc cuối sổ vì rất dễ bị gọi lên bảng trả bài. Rõ ràng, những cái tên bắt đầu bằng chữ ở giữa bảng chữ cái như H, K, M, L,... sẽ không bị gọi quá sớm hoặc quá muộn trong các cuộc thi. Tuy nhiên, đặt tên con bắt đầu bằng những chữ ở đầu bảng chữ cái cũng không thể nói là bất lợi, vì đây cũng là cơ hội để trẻ rèn luyện tính bình tĩnh và khả năng đương đầu với thử thách trong mọi hoàn cảnh.
Tuyệt đối không dùng tên người yêu cũ đặt cho con
Con cái là kết quả của tình yêu giữa hai vợ chồng, và chuyện tình yêu trong quá khứ cần được để yên ở quá khứ. Nếu dùng tên người cũ để đặt tên cho con, rất có thể nó sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến dẫn đến đổ vỡ của hai vợ chồng.
Đặt tên cho con nên tuân theo luật bằng trắc
Một cái tên của trẻ nên có sự kết hợp hài hòa giữa cả thanh bằng (gồm thanh ngang và thanh huyền) và thanh trắc (gồm các thanh sắc, hỏi, ngã, nặng), tuân theo quy luật cân bằng âm dương. Đặc biệt, tránh những cái tên chỉ toàn thanh trắc vì nó dễ gợi cảm giác trúc trắc, nặng nề, không suôn sẻ.
Tên con có thể gồm cả họ cha lẫn họ mẹ
Đa phần người Việt đặt tên con theo họ cha. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình đã bắt đầu đặt tên con gồm cả họ cha lẫn họ mẹ, chẳng hạn như Lê Vũ Bảo Hân, Phạm Nguyễn Đăng Khoa,... Đặt tên con mang cả hình bóng của cha lẫn mẹ trong đó cũng là cách đặt rất ý nghĩa mà các bậc phụ huynh có thể cân nhắc.
Tên nên có ý nghĩa hay
Cần chọn tên cho con có ý nghĩa tích cực và lịch sự, vì cái tên sẽ đi theo con suốt cả cuộc đời. Đã qua rồi cái thời bố mẹ thích đặt tên con thật xấu cho... dễ nuôi và để ông Trời không bắt đi mất.
Tên phải hợp với giới tính của con
Con gái mang tên giống con trai hay con trai mang tên con gái đều dễ gây nhầm lẫn trong giao tiếp, xưng hô hay làm giấy tờ và có thể dẫn đến nhiều rắc rối khác.
Có thể đặt tên con và các anh chị em trong nhà cùng tên hoặc cùng chữ lót
Bố mẹ có thể đặt cho các con tên hoặc chữ lót giống nhau. Chẳng hạn như một nhà có 3 con có thể đặt là Bảo Lan, Bảo Phúc, Bảo Ngọc hay Minh Hà, Thanh Hà, Việt Hà. Điều này tạo nên mối liên kết đặc biệt thân thương và gần gũi giữa các thành viên trong gia đình. Cách đặt này không bắt buộc nhưng cũng là một gợi ý hay để bố mẹ tham khảo.
Không nên đặt tên trùng tên tiền nhân
Văn hóa Việt thường không ủng hộ cách đặt tên người ở vai vế nhỏ hơn, trùng với tên của người có vai vế lớn hơn. Để tránh rơi vào tình huống khó xử này, bố mẹ nên "khảo sát" tên của cả gia đình hai bên ít nhất 3-4 đời để tránh cho tên bé yêu bị trùng lặp với một người nào đó lớn tuổi hơn.