Mới đây, trên một nhóm hội, các bậc phụ huynh chia sẻ rầm rộ những câu chuyện than thở về những khó khăn, bất lực khi dạy con học ở nhà. Cụ thể khó khăn nhất là với trẻ học tiểu học, các bé thường chưa có tinh thần tự giác học và làm bài tập ở nhà mà thường bị xao nhãng bởi các vấn đề xung quanh hay có 1000 những câu hỏi dành cho cha mẹ không liên quan đến việc học hành.
Tình trạng cha mẹ khổ sở khi rèn luyện cho con tinh thần tự giác học bài, hoặc trẻ chậm hiểu khi học xảy ra ở rất nhiều các gia đình, thậm chí có bậc phụ huynh còn thổ lộ gia đình mất đoàn kết, các mối quan hệ thành viên sứt mẻ, con cái và cha mẹ giận dỗi nhau... cũng chỉ vì xuất phát từ việc nhiều ý kiến xung quanh chuyện dạy dỗ học bài của con nhỏ ở nhà.
Trên thực tế chuyện gặp khó khăn khi cho trẻ vào nếp tự học ở nhà không chỉ xảy ra ở một hoặc hai gia đình, hoặc chỉ xảy ra với các em bé Việt mà trên thế giới, điển hình như Trung Quốc, cha mẹ còn gặp tình trạng nặng nề hơn được báo đài đưa tin khiến nhiều người phải giật mình.
Bố xuất huyết não vì dạy con học
Thông tin được trang Sohu đăng tải cho biết, ông Xia (45 tuổi, ở Ích Dương, Hồ Nam, Trung Quốc) lên cơn đau đầu khi đang dạy con làm bài tập về nhà.
Được biết bản thân ông Xia có tiền sử bị huyết áp cao đã 10 năm nay. Trong quá trình dạy con trai 14 tuổi học bài ở nhà, bé chểnh mảng, không tập trung nên ông rất tức giận.
Tình trạng trở nên tồi tệ khi khoảng nửa tháng, ông bố cảm thấy không khoẻ nên đi khám thì bác sĩ cho biết ông bị xuất huyết não. Gia đình đã chuyển ông đến Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam để điều trị. Tại đây, ông Xia được chẩn đoán tụ máu cấp tính thùy chẩm trái và nhồi máu cơ tim.
Các bác sĩ kết luận ông Xia bị trầm cảm sau đột quỵ nên bệnh rất dễ tái phát. Khuyên ông cần giữ gìn sức khoẻ, cần để đầu óc thư thái, tuy nhiên ông cho biết bản thân luôn lo lắng về việc học của con, ngay cả khi nằm viện nên không thể ngủ ngon mỗi tối.
Bố ngất xỉu, nhồi máu cơ tim khi dạy con lớp 3 làm toán
Nặng nề hơn ông bố Xia, ông Liu (45 tuổi, ở Thâm Quyến, Trung Quốc) còn từng suýt mất mạng khi dạy con trai học lớp 3 làm toán.
Ông kể, mỗi khi giảng bài cho con ông không thể giải thích cho con hiểu các công thức, cách làm. Thậm chí, nhiều bài toán đơn giản nhưng phải dạy theo phương pháp dành cho trẻ lớp 3 khiến Liu "bó tay". Điều này khiến ông Liu căng thẳng, ngực trái co giật. Thậm chí có lần quá đau cơ ngực, ông đã khó thở và ngất xỉu. Trong một lần đi khám tại Bệnh viện Nhân dân số 3 (Thâm Quyến), ông Liu bất ngờ co giật, sùi bọt mép và rất may được cứu chữa kịp thời.
Các bác sĩ thăm khám và cho biết ông Liu bị nhồi máu cơ tim, tình trạng này có thể gây đứt mạch máu não. Vì thế khuyên ông mỗi lần dạy con học bài ông không nên quá căng thẳng nữa, vì căng thẳng có thể khiến huyết áp tăng và tổn thương mạch máu cùng tim.
Phải làm gì khi trẻ chậm hiểu, thiếu tập trung mau quên khi học bài?
Như đã kể ở trên dường như rất nhiều bậc phụ huynh gặp phải tình trạng khó khăn khi dạy kèm con học bài vì trẻ mất tập trung, không tự giác học bài hoặc chậm hiểu.
Trong trường hợp này, nhiều bậc cha mẹ nghĩ đến việc thuê gia sư cho con. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ giáo dục Vũ Thu Hương, Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, con không tập trung, học trước quên sau mà cha mẹ kèm con học, thuê gia sư là làm hỏng con. Cha mẹ không được quyền nhắc con học bài, làm bài tập, không dạy con hay thuê gia sư vì như vậy con sẽ hiểu việc học là việc của bố mẹ và gia sư.
Muốn con tự giác học bố mẹ phải dạy cho con đó là trách nhiệm của mình. Nếu con không làm bài tập thì trước khi đi ngủ nhắc con: "Con ơi, tối nay con không làm bài tập". Rồi cha mẹ cho con đi ngủ. Sáng hôm sau đưa con đi học bảo cô: "Cháu không làm bài tập, cô phạt đi". Lần sau con sẽ làm bài tập vì sợ cô phạt.
Có thể một vài lần con chưa quen, chưa sợ. Vì vậy bố mẹ cần lặp lại nhiều lần và nói khi con không còn sự lựa chọn "Bây giờ đi ngủ, không được học nữa".
(Ảnh minh hoạ)
Nếu luôn nhắc nhở thì con sẽ ỷ lại đó là việc của bố mẹ, có bố mẹ nhắc cho và sẽ không quan tâm đến việc học.
Bên cạnh đó, không được mắng con điểm số. Con được điểm 10 hay điểm 1 cha mẹ nên giữ thái độ giống nhau vì đó là việc của con. Nếu không con sẽ sợ nói chuyện học với bố mẹ hoặc sẽ nói dối. Nên hỏi cô bài tập đó có thực sự khó không. Nếu khó thì không nên trách phạt vì đó là ngoài khả năng của con. Nhưng con chưa nghĩ mà đã buông bỏ, không nhắc được đầu bài thì phải nhắc cô phạt nặng.
Về việc có nên cho trẻ chơi trò chơi rèn luyện tập trung cho con hay không, tiến sĩ Hương cho rằng, đó chỉ là hoạt động vui chơi giải trí chứ không phải trong lúc học. Ví dụ như con ngồi chơi xếp hình sẽ rất tập trung nhưng đến lúc học chán lại lơ là. Vậy điều khiến con tập trung là xác định đó là việc của mình. Làm nhanh thì được chơi, làm chậm thì cứ ngồi đó.
Thêm nữa, trẻ con rất nhạy. Khi con kêu buồn ngủ trong lúc học, bố mẹ đồng ý cho con ngủ thì vô tình tạo nên thói quen cứ học là kiếm cớ buồn ngủ.
Bố mẹ cần phải nhúng tay khi nào? Đó là khi con có lượng bài tập tết, hè quá nhiều, con không biết phân bổ bài thế nào, ngồi cả ngày không xong thì bố mẹ giúp con chia nhỏ lượng bài theo ngày. Nên nhớ không trả lời khi con hỏi bài vì con sẽ ỷ lại không chịu nghe lời cô mà về hỏi bố mẹ.