Tôi và chồng cưới nhau được 6 năm và đã có với nhau 2 cô công chúa nhỏ. Chồng tôi là người ở quê, còn tôi sinh ra đã là gái thành phố. Dù gia cảnh nhà tôi tốt hơn anh, nhưng tính tình anh lại rất chu đáo, có chí làm ăn và là người đàn ông của gia đình nên tôi quyết định cưới anh sau nửa năm yêu nhau. Nhờ vào một phần của hồi môn bố mẹ tôi tặng khi lập gia đình, cộng thêm của để dành tính góp sau vài năm 2 vợ chồng phấn đấu làm việc, thì hiện tại chúng tôi đã xây được một căn nhà riêng ở phố.
Mấy năm nay từ khi dọn ra ở riêng, vừa bận rộn với công việc, vừa bận chăm con nên vợ chồng tôi cũng ít khi về quê thăm bố mẹ chồng, trừ khi có dịp lễ đặc biệt. Vả lại, khoảng cách giữa quê chồng tôi và nhà chúng tôi hiện tại cũng khá xa, mỗi lần muốn về sẽ phải lên kế hoạch trước và dành dụm tiền vì sẽ tốn khá nhiều chi phí, không thể nói về là về ngay hay đi đi về về thường xuyên được.
Mùa hè này tôi và chồng tính sẽ đưa 2 đứa nhóc về quê thăm ông bà nội, tuy nhiên kế hoạch chưa được thực hiện thì chồng tôi có một dự án ở công ty cần xử lý đột xuất, vì vậy ý định cho chuyến về quê này đành gác sang một bên. Bố mẹ chồng dưới quê lúc nghe tin gia đình tôi sẽ về chơi hè vài ngày thì rất vui, nhưng sau khi nghe tôi điện về báo tình hình thì ông bà có vẻ như khá buồn và hụt hẫng.
Vì cũng hơn nửa năm rồi ông bà chưa được gặp các cháu nên việc nhớ nhung là điều dễ hiểu. 2 đứa nhóc nhà tôi cũng nhắc tới ông bà nội hoài và đòi bố mẹ đưa chúng về quê chơi. Hè này là dịp thích hợp để thực hiện lời hứa với các con, nhưng sự việc bất khả kháng khiến vợ chồng tôi không biết phải xoay sở như thế nào.
Bố mẹ chồng cũng thông cảm cho vợ chồng tôi, và rồi đưa ra quyết định là nếu các con các cháu không thể về được thì ông bà sẽ lên thành phố để thăm vợ chồng tôi và 2 đứa cháu gái. Nghe bố mẹ chồng báo dự định này, vợ chồng tôi không đồng ý vì sợ đường xá xa xôi như thế, tuổi lại cao nên bố mẹ chồng sẽ rất vất vả. Hơn thế, mẹ chồng tôi mới vừa khỏi bệnh nên việc di chuyển đường xa sẽ không tốt cho sức khoẻ của bà.
Nhưng mặc cho vợ chồng tôi ra sức ngăn cản, ông bà vẫn muốn lên thăm con cháu và bố chồng tôi sẽ đi một mình, còn mẹ chồng thì ở nhà dưỡng bệnh. Nói rồi 2 ông bà nhanh chóng đặt vé xe lên ngay vào sáng hôm sau. Đến chập choạng tối thì đến bến xe cách nhà tôi khoảng 10 cây số, và chồng tôi đã đợi sẵn ở đó để đón ông nội các con. Còn tôi thì ở nhà chuẩn bị sẵn một mâm cơm tối thịnh soạn để tiếp đón bố chồng.
Nửa tiếng sau bố chồng và chồng tôi về đến trước cửa, 2 đứa con gái tôi đã hóng đợi từ rất lâu và khi nhìn thấy ông nội bước vào nhà, chúng nó vui mừng hò reo, ôm cổ ông nội rồi thương lấy thương để. Trông thấy cảnh đoàn viên này tôi và chồng đứng bên rất vui, tôi cũng mỉm cười rồi chào hỏi bố chồng. Lúc này, 2 đứa cháu gái bỗng nhìn ông nội với ánh mắt long lanh, trông đợi. Bố chồng cũng hiểu ra vấn đề nên vui vẻ nói:
- 2 đứa nhóc này đang ngóng quà của ông nội đúng không?
- Dạ vâng ạ! Ông ơi, ông có mang quà dưới quê lên cho cháu không ạ?
Trước sự mong chờ được nhận quà từ ông nội của 2 đứa cháu gái, bố chồng tôi liền đi ra phía cửa và mang vào một túi quà khá bự. Tôi và chồng tò mò nhìn chằm chằm vào nó, không biết bố chồng tặng quà gì cho các cháu mà có vẻ "giá trị" đến thế. Tuy nhiên trước sự hào hứng của các con, khi bố chồng mở túi quà ra tôi lại giật mình khi nhìn thấy rất nhiều quần áo ở bên trong, nhưng không phải là quần áo mới mà là quần áo cũ. Bố chồng vui vẻ nói:
- Ông và bà già rồi nên không có đồ gì giá trị để tặng cho các cháu. Hai đứa con của anh chồng và chị dâu nay cũng lớn rồi, quần áo mặc không vừa nữa nên muốn để lại cho 2 đứa cháu gái. Bà con thấy đồ còn mới nên đã lựa ra một ít phù hợp bảo ông mang lên làm quà cho các cháu. Các cháu xem có thích không?
Nghe những lời này của bố chồng, tôi đứng bên cạnh mà mặt mày biến sắc, khó chịu và hơi tức giận. Mặc dù biết bố mẹ chồng có lòng, tuổi đã cao nên tiền bạc không có dư để mua quà xịn cho các cháu. Nhưng cũng không nên mang đồ cũ người khác đã mặc rồi để cho 2 đứa con gái tôi mặc lại. Tôi không thích điều này, và từ trước đến nay tôi luôn rất kỹ tính, cẩn thận trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho con. Quan niệm của tôi là đồ cũ của người khác thì không nên mặc lại, nhất là trẻ em sức đề kháng yếu, nếu lỡ có bệnh truyền nhiễm từ virus, vi khuẩn lưu lại trên quần áo, thì không khéo các con sẽ gặp nguy.
Nghĩ vậy tôi liền ngay lập tức bảo chồng mang túi quà này vứt vào nhà kho, trong sự ngỡ ngàng của bố chồng, chồng và 2 đứa con gái nhỏ ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lúc này, tôi cũng lựa lời khéo léo để nói với bồ chồng:
- Bố à, sau này bố không cần mang quà lên cho các cháu đâu. Ở trên phố đầy đủ và tiện nghi lắm bố ạ, nếu thiếu gì thì vợ chồng con có thể sắm. Con nhận tấm lòng của bố, nhưng bố mang vác đồ nhiều như thế mà lại di chuyển đường xa thì rất vất vả. Với cả, quần áo tụi nhỏ nhiều lắm bố ạ, chất đống trong tủ mặc còn không hết ấy!
Tôi vui vẻ, nhẹ nhàng và có chút hóm hỉnh trong lời nói để xua tan đi sự ngượng ngạo, và không làm mất lòng bố chồng khiến ông buồn. Tôi nghĩ mình làm như thế là đúng, và tôi đang không biết nên xử lý đống quần áo cũ đó như thế nào cho thoả đáng...
Tâm sự của độc giả [email protected]
Trên thực tế, việc cho trẻ nhỏ mặc lại đồ cũ của người khác là vấn đề mà nhiều phụ huynh đang phải đối mặt. Việc sử dụng lại đồ cũ có thể giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, nhưng nó cũng có thể gây ra một số vấn đề. Một trong những vấn đề đó là vấn đề vệ sinh.
Đồ cũ có thể chứa vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh, nếu trẻ mặc lại đồ cũ của người khác, trẻ có thể dễ tiếp xúc với các tác nhân này, và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc trẻ mặc lại đồ cũ của người khác cũng có thể ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý. Một số đứa trẻ sẽ cảm thấy không thoải mái, hoặc tự ti khi mặc lại đồ cũ của người khác, và cảm thấy mình không được bố mẹ quan tâm đúng mức. Điều này có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và phát triển tâm lý của trẻ.
Tuy nhiên, việc sử dụng lại đồ cũ cũng có nhiều lợi ích. Đồ cũ thường có giá trị kỷ niệm đặc biệt với người cho hay người nhận, và việc sử dụng lại đồ cũ có thể giúp trẻ nhớ lại những kỷ niệm đó. Ngoài ra, việc sử dụng lại đồ cũ còn là một cách tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường, giúp trẻ học cách được tính tiết kiệm và quý trọng môi trường.
Nếu quyết định cho trẻ mặc đồ cũ, phụ huynh cần chắc chắn rằng đồ cũ đã được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng trước khi cho trẻ sử dụng. Đồng thời, phụ huynh cũng cần trao đổi với trẻ về việc sử dụng lại đồ cũ, giải thích cho trẻ về giá trị của đồ cũ và thông tin về người đã sử dụng trước đó. Điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về việc sử dụng lại đồ cũ, và giảm thiểu những vấn đề tâm lý có thể phát sinh.