Thường thì các cha mẹ rất ngại nói chuyện về giới tính, về cách “sản xuất” em bé với con, bởi một lẽ đây là một chủ đề khá nhạy cảm. Đặc biệt, cách dùng bao cao su, cách sử dụng băng vệ sinh lại càng hiếm khi được nhắc đến. Tuy nhiên trên thực tế lại có một số phụ huynh bất cẩn đến độ để con mang “dụng cụ” đến trường chơi.
Là một bà mẹ đơn thân nên Giai Hàm (sống ở Thường Châu, Trung Quốc) rất quan tâm đến con trai, nhất là chuyện học hành của con. Đổi lại, con trai đang học lớp 3 của cô là một cậu bé ngoan ngoãn, rất biết nghe lời và yêu thương mẹ.
Một buổi tối, sau khi ăn xong, Giai Hàm và con trai cùng ngồi vào bàn học. Như thường lệ, bà mẹ này sẽ mở cặp con và lấy hết sách vở ra. Song, ngón tay của cô lại chạm phải một thứ gì đó dài dài đang nằm ở dưới đáy cặp. “Cái gì thế này?”, vừa hỏi Giai Hàm vừa lấy nó ra. Nhìn kỹ lại, cô “kinh hoàng” phát hiện đó là một cái bao cao su đã bị kéo giãn.
Giai Hàm phát hiện ra trong cặp của cậu con trai học lớp 3 là một cái bao cao su đã bị kéo giãn (Ảnh minh họa)
Mặc dù khá sốc nhưng thật tâm Giai Hàm vẫn tin tưởng con trai mình “trong sạch”. Thế nên, thay vì giận dữ, cô chỉ nhẹ nhàng hỏi bao cao su này ở đâu ra. Con trai chị kể rằng hôm nay có một bạn trai cùng lớp đã mang “quả bóng bay” này đi học. Sau đó, những bạn khác xé nó ra, thổi nó to lên rồi thả cho “quả bóng” bay tự do xung quanh lớp. Cuối cùng, các bạn giao cho con trai Giai Hàm giữ “quả bóng” này và mai mang nó lên chơi tiếp.
Quá bất ngờ trước câu trả lời của con, Giai Hàm đành từ tốn nói: “Thật ra, đây không phải là quả bóng bay, mà nó được gọi là bao cao su. Nó được dùng để bảo vệ con trai khỏi các bệnh lây nhiễm và ngăn ngừa giúp con gái không mang thai. Thế nhưng, các con không nên chơi với nó vì xung quanh và bên trong nó có chứa một số chất không tốt cho sức khỏe của các con. Bây giờ mẹ sẽ dẫn con đi mua một quả bóng bay thật sự để mai con chơi cùng các bạn nhé”.
Tuy rằng con trai đã gật gù có vẻ hiểu và đồng ý cho mẹ vứt bao cao su đi nhưng Giai Hàm vẫn quyết định cuối tuần sẽ đưa con đi nhà sách mua thêm một số sách giáo dục về giới tính để con hiểu thêm.
Trên thực tế, không phải chỉ có mỗi bà mẹ Giai Hàm rơi vào tình huống dở khóc dở cười như thế này, bởi một số giáo viên cấp 1 cũng tiết lộ họ đã từng gặp phải tình huống học sinh mang bao cao su lên lớp chơi vì tưởng đó là bóng bay. Điều này cho thấy, việc giáo dục giới tính cho trẻ từ trong gia đình là vô cùng quan trọng.
Cha mẹ đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục giới tính cho con (Ảnh minh họa)
Độ tuổi tốt nhất để bắt đầu giáo dục giới tính là bao nhiêu?
Theo bà Hồ Bình – một chuyên gia về giáo dục giới tính nổi tiếng ở Trung Quốc, tác giả của cuốn sách “Hiểu biết về giới tính”, ở mỗi độ tuổi, trẻ em sẽ có khả năng tiếp nhận kiến thức về giáo dục giới tính khác nhau. Cụ thể là trước 6 tuổi, cha mẹ có thể áp dụng nguyên tắc con hỏi gì trả lời nấy. Từ 6 – 7 tuổi, các bố mẹ cần nói cho trẻ nghe về sự khác biệt cấu tạo cơ thể giữa con trai và con gái, cách tự bảo vệ mình. Ở độ từ 8 – 9 tuổi, quy tắc an toàn và cách bảo vệ cơ thể để tránh bị kẻ xấu xâm hại là điều quan trọng mà cha mẹ cần giảng dạy rõ cho con hiểu.
10 -11 tuổi là thời điểm vàng để dạy con về các vấn đề liên quan đến dậy thì, sự thay đổi của cơ thể và tâm tính. Còn 12 – 13 tuổi thì hãy giúp con hiểu rõ về khái niệm tình dục an toàn, và việc quan hệ tình dục sớm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào đối với sức khỏe cũng như cuộc sống của trẻ.
Bà Hồ Bình cũng cho biết thêm rằng hiện nay trẻ em đa phần là dậy thì sớm, bé gái 9 tuổi đã có kinh nguyệt và bé trai khoảng 10 tuổi là xuất tinh không hề hiếm gặp. Do đó, việc giáo dục giới tính cho con lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, Chuyên gia tâm lý Phương Cương – giảng viên cao cấp ngành tâm lý học, đồng thời là tác giả của cuốn sách “Những điều cần biết về tuổi mới lớn” - cho biết cha mẹ chính là người giáo dục giới tính hoàn hảo của con. Để làm được việc này, các ông bố bà mẹ cần phải gạt bỏ sự xấu hổ, bình tĩnh đối mặt với những câu hỏi hoặc vấn đề mà trẻ đang gặp phải.
"Đối với một đứa trẻ, câu trả lời về giới tính không cần phải đầy đủ tất cả mọi thông tin. Nếu bạn đưa ra quá nhiều dữ liệu, trẻ sẽ không thể hiểu được. Bạn chỉ cần giải quyết những thắc mắc của con một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Cha mẹ cũng nên hiểu rằng sự tò mò của trẻ là có tính hệ thống, chứ không phải là một hành động bộc phát. Và sự tò mò ở mỗi độ tuổi là khác nhau nên bạn phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng giải đáp. Điều tối kỵ nhất trong giáo dục giới tính là cha mẹ cấm con đặt câu hỏi, hoặc lảng tránh khi nghe con hỏi. Bởi thái độ này sẽ chỉ khiến trẻ tò mò hơn và con sẽ tự tìm hiểu theo cách của mình, từ đó có thể dẫn đến một số tình huống không hay”, Phương Cương chia sẻ.