Phương pháp để dạy con hiệu quả nhất chính là bố mẹ làm gương. Tôi luôn hiểu rất rõ điều này, nên dù ai có nói gì hay làm gì thì trước mặt con cái, tôi vẫn luôn cố gắng thể hiện những lời nói và hành vi chuẩn chỉnh nhất có thể.
Tôi là con dâu út trong nhà, khác với 2 anh chị thì gia đình tôi hiện tại chưa có nhà riêng nên tạm thời sống chung với bố mẹ chồng. “Trộm vía” vì hợp tính nhau nên vợ chồng tôi cùng con gái khá hoà thuận với ông bà nội, hiếm khi xảy ra xích mích gì.
Cuối tuần này là lễ Vu Lan báo hiếu, các thành viên trong gia đình đã thống nhất với nhau sẽ làm một bữa tiệc nhỏ, sum họp lại cùng ăn uống, tâm sự với ông bà nội cho ông bà vui. Vì bình thường ai cũng bận công việc riêng, vả lại anh chị chồng đều có nhà ở những nơi khác nhau nên khó có dịp về thăm bố mẹ.
Ảnh minh hoạ
Để chuẩn bị cho bữa tiệc gia đình trọn vẹn, tôi đã lên kế hoạch các món ăn từ trước đó 2 ngày. Sáng nay dậy sớm đi chợ, loay hoay làm mọi thứ đến chiều tối thì mọi thứ cũng đâu vào đấy. Cứ tưởng bữa tiệc sẽ cực kỳ vui vẻ, nhưng nào ngờ lúc tôi bày biện mâm cơm có 7 món ngon lành thì một tình huống bất ngờ xảy ra khiến cho bữa tiệc nhanh chóng tan vỡ.
Lúc này con gái tôi bỗng “dở chứng” khó chịu, không muốn ngồi vào bàn ăn dù ai có nói gì đi nữa. Tôi tưởng con gặp vấn đề gì nên nhỏ nhẹ hỏi chuyện đứa trẻ. Ngay sau đó, với giọng vừa tức giận vừa tủi hờn, con bé nói một câu khiến cả nhà chết lặng.
- Con không muốn, không cho các bác trai và bác gái ăn đâu!
- Con nói gì thế Min, con bị sao vậy? Tại sao con lại nói thế?
- Chẳng phải mẹ luôn dạy con là “có làm thì mới có ăn hay sao”, mẹ bảo dù nhỏ hay lớn thì con cũng phải tập thói quen biết giúp đỡ, sẻ chia và có trách nhiệm. Hàng ngày vào mỗi bữa ăn, con sẽ phụ mẹ vì mẹ bảo đây cũng là một cách để con trả ơn, thể hiện tình cảm đối với việc mẹ đã vất vả nấu cho con một bữa ăn ngon.
Mẹ dặn con không được lười nhác, trông đợi vào người khác. Vậy mà từ sáng đến giờ, con chỉ thấy một mình mẹ cặm cụi trong bếp nấu nướng mà không ai giúp đỡ mẹ cả. Các bác ai cũng về rất trễ, đợi đến khi mẹ đã nấu xong cả rồi thì mới về. Hoặc có người về sớm cũng mải mê nói chuyện với ông bà, hàng xóm mà chả phụ mẹ một tay. Nếu các bác không làm, không tham gia nấu nướng thì tại sao lại được ăn hả mẹ. Con thấy chả công bằng gì cả!
Ảnh minh hoạ
Nghe lời con bé nói, các thành viên trong gia đình tôi lúc đó ai cũng đỏ mặt vì quả thực trẻ nhỏ không biết nói dối, và nó đã nói không trật một chút nào cả. Chỉ là dù biết vậy, nhưng tôi vẫn im lặng không ý kiến gì vì nghĩ lâu lâu anh chị mới về nên coi như để anh chị có thời gian vui chơi với bố mẹ, còn mình chịu khó một chút cũng không sao. Tôi nào có ngờ, con gái lại để ý, quan sát vấn đề này kỹ càng đến thế.
Bị cháu gái “vạch trần”, các anh chị của tôi cảm thấy có chút xấu hổ. Tuy nhiên lúc này, người có phản ứng khó chịu ra mặt nhất là chồng tôi. Thấy vợ cực khổ, anh cũng không vui vẻ gì nên xin lỗi gia đình rồi bỏ vào phòng. Trước hoàn cảnh khó xử, gia đình anh chị chồng cũng vội vã bỏ về.
Chỉ vì tôi mà bữa tiệc dành cho ông bà nội của con gái nhân dịp lễ Vu Lan bị phá vỡ, dù biết không phải lỗi của mình nhưng tôi thực sự vướng bận trong lòng. Càng nghĩ về lời nói của con gái, tôi càng nhận ra tầm quan trọng của một tấm gương phản chiếu từ bố mẹ, từ gia đình có sức ảnh hưởng lớn đến nhường nào đối với sự phát triển về nhận thức và lối sống của con trẻ.
Vậy nên, từ câu chuyện của gia đình tôi, các bậc bố mẹ hãy dừng ngay suy nghĩ “con nít thì biết gì”... nếu không chuyện dạy con sẽ đổ sông đổ bể, không bao giờ mang lại một kết quả có hậu.
Tâm sự từ độc giả hongnhung…@gmail.com
Trẻ em như những tờ giấy trắng, dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ những gì chúng nhìn thấy và nghe được. Bởi vậy, vai trò của bố mẹ, người lớn trong việc làm gương cho con trẻ vô cùng quan trọng. Hành động của bố mẹ chính là bài học sống động nhất cho trẻ.
Khi bố mẹ luôn thể hiện sự tử tế, tôn trọng, trung thực, con trẻ sẽ học theo và hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Lòng tốt và sự đồng cảm cũng được gieo mầm từ những hành động nhỏ nhặt của bố mẹ. Bố mẹ quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người khác sẽ giúp con trẻ học cách yêu thương, đồng cảm và biết sẻ chia với mọi người xung quanh.
Sự kiên nhẫn và kiềm chế của bố mẹ trong mọi tình huống, sẽ giúp con trẻ học cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và bình tĩnh. Không chỉ về nhân cách, bố mẹ còn là tấm gương cho con trẻ học hỏi về kỹ năng sống. Bố mẹ giao tiếp cởi mở, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con sẽ giúp con trẻ tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp và thể hiện bản thân.
Việc dạy con cách suy nghĩ, phân tích vấn đề và đưa ra giải pháp, đồng thời hướng dẫn con cách đối mặt với thất bại và rút kinh nghiệm từ sai lầm cũng là những bài học quý giá mà bố mẹ truyền đạt qua hành động của mình. Bố mẹ cũng cần tạo điều kiện cho con trẻ tự lập, tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, giúp con trẻ tự tin và độc lập.
Cuối cùng, bố mẹ cần dành thời gian cho con trẻ, trò chuyện, chơi đùa, chia sẻ những câu chuyện vui buồn, giúp con trẻ cảm thấy được yêu thương và quan tâm. Việc tạo dựng một bầu không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc cũng là điều vô cùng quan trọng, giúp con trẻ cảm thấy an toàn, yêu thương và hạnh phúc.
Tóm lại, bố mẹ, người lớn chính là tấm gương phản chiếu cho con trẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ về mọi mặt. Bố mẹ cần nỗ lực trở thành tấm gương sáng để con trẻ noi theo, giúp con trẻ trở thành những người tốt, có ích cho gia đình và xã hội.