Muốn học tốt môn văn, khả năng quan sát và lượng từ vựng là hai yếu tố cực kỳ quan trọng. Từ vựng có thể được trau dồi dần qua thời gian, và quá trình rèn luyện của trẻ, còn khả năng quan sát có thể được phát triển mọi lúc mọi nơi, trong chính cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Ở giai đoạn tiểu học, trẻ thường có tính tò mò, quan sát rất tốt. Đó là lý do mà nhiều bố mẹ “dở khóc dở cười” khi vô tình trở thành nhân vật chính trong những bài văn của con, bố mẹ làm gì, ra sao, vui hay buồn thì đều sẽ bị trẻ lôi ra kể tuốt tuồn tuột. Thậm chí còn chân thật đến mức bố mẹ được phen “hú hồn hú vía”.
Đơn cử như bài văn tả về người bố của một học sinh tiểu học gần đây, đã khiến những ai đọc qua cũng không thể nhịn được cười vì quá sức hài hước. Khi nhận được đề bài viết về bố, em học sinh này đã lập tức vận dụng những gì mình tận mắt nhìn thấy được từ bố mỗi ngày để viết thành một bài văn dài 12 dòng, tả rất chi tiết về người bố làm nghề chuyên gia tâm lý của mình.
Bài văn tả bố không thể nào chân thật hơn của nhóc tỳ tiểu học, dân tình đọc mà cười ná thở.
Cụ thể như sau: “Bố em làm nghề chuyên gia tâm lý. Bố em năm nay mới 40 tuổi nhưng ai cũng chê bố già thì bố nói tao suốt ngày suy nghĩ chuyện thiên hạ bảo sao không già. Bố em hay gọi các cô chú là thân chủ. Cứ mỗi lần mẹ nghe thấy là quát ngậu xị cả lên: Thân ông còn lo chưa xong thì lo được cho ai.
Cuối tháng bố đóng lương cho mẹ nhiều lắm, cả 3 triệu nên mẹ hay khen bố chã bỏ dính răng. Em thích nghề của bố nhưng mẹ nói mày là làm nghề đấy thì "mát" sớm con ạ. Nhìn bố mày có giống bình thường không. Em rất thích nghề tiktoker của mẹ".
Nhiều dân tình hài hước để lại bình luận đoán rằng, nếu “nhân vật chính” trong bài văn này mà đọc được bài văn con tả mình như thế thì chắc hẳn sẽ xúc động đến phát khóc mất thôi. Mà quả thật cộng đồng mạng đa số đều thừa nhận, mấy “camera chạy bằng cơm” đã quan sát thì chỉ có chuẩn chứ không trật phát nào đâu, “có sao nói vậy”, bố mẹ dạy con phải thành thật, không được dối trá cơ mà!
Thực tế, đây chỉ là một trong hàng tá những bài văn “bóc phốt” bố mẹ bá đạo của các nhóc tỳ học tiểu học. Thế nên ông bố trong tình huống này cũng không nên buồn, vì ngoài kia còn có rất nhiều ông bố bà mẹ khác cũng cùng chung cảnh ngộ. Dù sự thật đôi khi có chút “sát thương”, nhưng mà không sao, quan trọng là bố mẹ cần ghi nhận tài quan sát tốt của con. Bởi như đã nói ở trên, đây là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ có thể học tốt môn tiếng việt, đặc biệt là khi viết văn.
Ảnh minh hoạ
Làm thế nào để bố mẹ giúp con học tốt môn văn?
- Tạo môi trường học thuận lợi: Đảm bảo rằng con có một môi trường yên tĩnh và không bị xao lạc khi học văn. Tạo ra một góc học riêng cho con, có đủ ánh sáng và không khí trong lành.
- Khuyến khích việc đọc sách: Hãy tạo cho con thói quen đọc sách từ nhỏ. Cung cấp cho con những cuốn sách văn học phù hợp với độ tuổi và sở thích của trẻ. Đọc sách giúp mở rộng vốn từ vựng, cải thiện khả năng diễn đạt và phát triển trí tưởng tượng.
- Thực hành viết hàng ngày: Yêu cầu con viết ít nhất một đoạn văn hoặc một bài tập viết ngắn hàng ngày. Có thể là nhật ký, mô tả cảnh quan, hoặc viết về những trải nghiệm cá nhân. Thực hành viết thường xuyên giúp con cải thiện kỹ năng diễn đạt và tự tin hơn khi viết.
- Hướng dẫn phân tích và suy luận: Khi con đọc một bài văn, bố mẹ hãy thảo luận với con về nội dung, ý nghĩa và cấu trúc của bài văn. Hướng dẫn con phân tích các yếu tố như nhân vật, cốt truyện, tình huống và ý tưởng chính. Truyền đạt cho con kỹ năng suy luận, và phân tích giúp con hiểu sâu về văn bản cũng như cách xây dựng bài văn tốt.
- Sử dụng ví dụ và minh họa: Khi giải thích các khái niệm văn học cho con, bố mẹ hãy sử dụng ví dụ minh họa để giúp trẻ dễ hình dung và hiểu rõ hơn. Có thể sử dụng các truyện ngắn, câu chuyện hoặc phim để minh họa các khái niệm văn học một cách cụ thể và sinh động.
- Khuyến khích viết sáng tạo: Để con có hứng thú hơn với việc viết văn, hãy khuyến khích và kích thích sự sáng tạo. Bằng cách cho con tham gia viết truyện, thơ, hay những bài viết tự do theo sở thích của mình. Đây là cách tuyệt vời để phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo của trẻ.
- Đọc và phản hồi các bài viết của con: Khi con hoàn thành một bài viết, bố mẹ hãy dành thời gian để đọc và phản hồi, góp ý để con chỉnh sửa. Khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ và ý kiến của mình. Quan trọng là bố mẹ hãy đánh giá tích cực và gợi ý cách cải thiện để con cảm thấy được động viên, hỗ trợ và từ đó tiếp tục cố gắng phát triển.