Chị Trần Hồng (41 tuổi, sống tại vùng nông thôn ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và người chồng tên Trương Vĩ là bạn cùng lớp, nhưng gia cảnh của anh Trương không được tốt. Khi anh Trương 6 tuổi, anh trai của anh (8 tuổi) mắc bệnh hiểm nghèo và không thể qua khỏi. Do đau buồn quá độ nên mẹ của anh đã mắc bệnh tâm thần và để chạy chữa cho mẹ, gia đình anh rơi vào cảnh bần cùng.
Dù nhiều người nói rằng lấy anh Trương làm chồng không khác gì nhảy vào bể khổ nhưng chị Hồng vẫn kiên định với quyết định của mình, bất chấp ý kiến phản đối của gia đình. Chị tin rằng chỉ cần 2 người yêu nhau thật lòng, chăm chỉ làm ăn thì cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng vận mệnh lại không hề ưu ái cặp đôi này.
Bố mẹ chồng của chị Hồng.
Sau khi kết hôn, tuy anh Trương và chị Hồng rất yêu thương nhau nhưng cả hai mãi vẫn chưa có con. Cặp đôi tới bệnh viện thăm khám thì phát hiện ra chị Hồng mắc hội chứng buồng trứng đa nang, hiếm muộn. Kể từ khi đó, hai vợ chồng vừa làm lụng kiếm tiền vừa chạy chữa bệnh nhưng không ngờ đợt điều trị lại kéo dài hơn chục năm.
Họ đã thử rất nhiều cách từ phương pháp dân gian, liệu pháp khoa học, thụ tinh trong ống nghiệm,…nhưng vẫn không có kết quả. Vốn dĩ chị Hồng muốn sinh một đứa con trai và một đứa con gái nhưng giờ đây chị lại cảm thấy rất đau lòng, bất lực khi thử hết mọi cách vẫn không được.
Cho rằng số phận đã an bài, người vợ cũng dần dần chấp nhận thực tế. Nhưng tới năm thứ 2 sau khi cặp vợ chồng từ bỏ hoàn toàn ý định sinh con, tức 15 năm sau cuộc hôn nhân, thì phép màu đã xảy ra.
Hai con trai của chị Hồng.
Ở tuổi 35, chị Hồng bất ngờ mang thai và hạ sinh một bé trai khỏe mạnh. Cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc, riêng sản phụ bật khóc nức nở vì cuối cùng chị cũng được làm mẹ. Đáng ngạc nhiên hơn, vào năm 2015, người phụ nữ lại tiếp tục mang thai và hạ sinh cậu con trai út tên là Hiểu Vũ.
Sinh liền 2 cậu con trai, gánh nặng kinh tế tăng lên gấp bội nhưng cặp vợ chồng vẫn rất vui, tràn đầy hy vọng vào tương lai. Cả hai nhờ ông bà chăm các con rồi cùng nhau rơi quê đi làm ăn xa, nhưng mọi hy vọng về cuộc sống tươi đẹp của cặp vợ chồng lại tan tành vì căn bệnh hiểm nghèo của cậu con trai út.
Vào tháng 8/2018, chị Hồng đang làm việc ở tỉnh Chiết Giang thì bỗng nhận được cuộc gọi của mẹ, nói rằng Hiểu Vũ đang được khám ở bệnh viện quận. Bác sĩ xét nghiệm máu 2 lần và nghi ngờ cậu bé bị ung thư máu, khuyên họ nên đưa con tới bệnh viện lớn thăm khám càng sớm càng tốt.
Bé Hiểu Vũ bị mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính.
Anh rể của chị Hồng ngay lập tức đưa Hiểu Vũ tới bệnh viện nhi Vũ Hán để kiểm tra, vợ chồng chị Hồng cũng tức tốc từ Chiết Giang tới Vũ Hán. Khi đến bệnh viện, cậu bé đã được đưa vào ICU vì lượng tiểu cầu trong máu quá thấp. Nhìn qua cửa kính, thấy con trai nằm một mình trên giường với đủ loại dây gắn trên người, hai vợ chồng như tan nát cõi lòng. 3 ngày sau, Hiểu Vũ được rời khỏi phòng ICU, nhưng vợ chồng chị Hồng như chết lặng khi hay tin con trai mình được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính.
Chị Hồng suy sụp và đau đớn. Chị lo lắng liệu có phải do mình sinh con muộn nên con mới không khỏe mạnh như vậy không. Tuy nhiên, bác sĩ cho biết các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư máu. Gen di truyền và các yếu tố môi trường được cho là nguy cơ chính tạo cơ hội làm bệnh phát triển và bùng phát.
“Sau hóa trị, tỷ lệ chữa khỏi bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp ở trẻ em là rất cao”, lời nói của bác sĩ đã mang lại hy vọng cho cặp vợ chồng. Tuy nhiên, tiền họ dành dụm bao năm đã tiêu gần hết sau 15 năm chữa trị hiếm muộn rồi người mẹ bị bệnh tâm thần quanh năm phải chạy chữa khiến gia đình chị trở thành gia đình nghèo khó nhất thôn, nên khi con phải điều trị bệnh hiểm nghèo, gia đình họ càng thêm túng quẫn. Sau khi bàn bạc với vợ, anh trương quyết định về Chiết Giang để tiếp tục làm việc, chị Hồng sẽ ở lại chăm sóc con.
Chị Hồng đành phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con, cùng con chiến đấu với bệnh tật.
Mỗi ngày với đủ thứ việc từ đi chợ, nấu ăn, tắm rửa cho con, lấy thuốc, giao đồ,… đều đổ dồn lên vai chị Hồng vì mẹ chồng chị mắc bệnh tâm thần, không thể tới phụ giúp được. Nhưng vì con, chị vẫn cố gắng chịu đựng, đồng hành cùng con trong cuộc chiến khắc nghiệt này.
Dù chưa đầy 4 tuổi nhưng Hiểu Vũ lại rất lanh lợi và ngoan hơn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Có lẽ sau 1 năm trời chống chọi với căn bệnh quái ác, cậu bé cũng biết rằng cuộc đời của mình đã định sẵn rất nhiều khó khăn và vất vả. Mỗi lần gọi video với bố, Hiểu Vũ còn biết động viên bố: “Con ngoan lắm, bố yên tâm đi nhé”. Thấy con trai hiểu chuyện, chị Hồng vừa vui mừng vừa xót xa và hơn nữa là lo lắng cho chi phí điều trị của con.
Từ sau khi con mắc bệnh, anh Trương làm việc không quản ngày đêm để kiếm tiền.
Việc chữa trị đã đến liệu trình thứ 10 nhưng cùng với đó là một đống nợ đọng lại dày đặc. Anh Trương làm việc trong một xưởng sản xuất áo len ở Chiết Giang, nhưng 2 năm nay tình hình kinh tế khó khăn nên anh cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Vậy mà 6 người trong gia đình chỉ có thể nhìn vào anh.
Anh Trương cho biết, khi con trai được chẩn đoán mắc bệnh, số tiền tích cóp bao năm chẳng có bao nhiêu nên hầu như tất cả chi phí điều trị từ trước đến nay đều phải đi vay mượn. Nếu không có sự giúp đỡ của người thân, bạn bè thì việc điều trị của con trai anh cũng không thể kéo dài được đến bây giờ. Vợ chồng anh Trương cũng cẩn thận ghi chép các khoản vay nợ, dự định trả từng người một sau khi con trai khỏi bệnh nhưng đến bao giờ họ mới trả hết đống nợ đó đây?
Ưu nhược điểm khi mang thai sau tuổi 35 Ngày nay, có rất nhiều người làm mẹ ở độ tuổi trên 35 hay thậm chí là ngoài 50. Việc mang thai muộn này có những ưu điểm riêng nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro. Ưu điểm: - Người mẹ sống lâu hơn: Phụ nữ có con sau 50 tuổi thường sống lâu hơn, dù họ thụ thai tự nhiên hay thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản. - Tài chính: Đây là giai đoạn mà tài chính của cả hai vợ chồng đều đã ổn định. Thậm chí, một nghiên cứu còn nhận thấy rằng thu nhập của người phụ nữ thường tăng từ 9 đến 10% mỗi năm nếu họ trì hoãn việc có con. Việc làm cha mẹ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, đặc biệt là những cha mẹ đơn thân. Do đó, giai đoạn này bạn sẽ cảm thấy vấn đề tài chính thoải mái hơn. - Có nhiều kinh nghiệm hơn: Một trong những ưu điểm của việc mang thai trễ đó chính là bạn đã biết được rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước. Bên cạnh đó, tâm lý của bạn đã vững vàng hơn rất nhiều, do đó bạn sẽ dễ dàng thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của cha mẹ. Hạn chế và nguy cơ: - Rủi ro về sức khỏe: Một nghiên cứu cho thấy rằng những phụ nữ mang thai sau 50 tuổi bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh, miễn là bạn được chăm sóc tốt trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, vẫn có một số rủi ro tồn tại. Mang thai muộn khiến bạn dễ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, tiền sản giật… Ngoài ra, bạn còn dễ sinh non, thai chậm phát triển và nhiều biến chứng tiềm ẩn khác. - Các vấn đề về thể chất: Việc mang thai sẽ khá vất vả đối với những phụ nữ lớn tuổi. Bên cạnh đó, trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thời kỳ mang thai cũng khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi. - Đối với thai nhi: Không chỉ người mẹ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe mà thai nhi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, chẳng hạn như hội chứng Down hoặc những bất thường về di truyền. Để giảm nguy cơ này, bạn có thể sử dụng trứng hiến tặng của những phụ nữ trẻ tuổi. - Tài chính và chăm con: Nếu như ở độ tuổi sau 50 bạn đã có tài chính ổn định thì bạn sẽ phải đối mặt với một vấn đề khác. Bạn vẫn sẽ phải tiếp tục làm việc dù đã lớn tuổi trong khi những người bạn khác đã bắt đầu nghỉ hưu. Liệu bạn có thể có đủ sức khỏe để kiếm tiền và chăm sóc con được hay không? Thậm chí, những căn bệnh tuổi già còn tăng thêm gánh nặng cho bạn nữa. |