Khả năng sống sót của trẻ sinh non ở tuần 24 thai kỳ là 50% và đứa trẻ đó không thể tránh khỏi một số loại bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, vẫn có những đứa trẻ chiến đấu với bệnh tật rất kiên cường để dành lại sự sống cho bản thân.
Bé gái Francesca Bradley-Curran (đến từ Liverpool, Merseyside, nước Anh) không may phải chào đời ở tuần 24 và được các bác sĩ dự đoán có tỷ lệ sống sót rất thấp, thậm chí ngay cả khi sống sót thì cô bé sẽ không bao giờ đi lại hoặc nói chuyện được như bình thường. Tuy nhiên, phép màu đã xảy ra, hiện cô bé đã được 4 tuổi và có sức khỏe rất tốt.
Bé Francesca từng sinh ra với bàn chân nhỏ bằng đồng xu.
Chị Victoria Bradley (41 tuổi, mẹ của Francesca) cho biết, chị sinh con gái sau 48 tiếng làm phẫu thuật. Đứa trẻ chỉ nặng vọn vẻn 600g và do các cơ quan trong cơ thể chưa được hoàn thiện nên Francesca phải trải qua một số căn bệnh. Cụ thể, đứa trẻ đã phải chiến đấu với bệnh viêm màng não, viêm phổi, 3 đợt nhiễm trùng huyết, 2 lá phổi bị xẹp, chấn thương thận cấp tính, phải truyền máu 16 lần và phẫu thuật mắt bằng laser trước khi xuất viện.
Cuối cùng, Francesca đã vượt qua mọi khó khăn và bắt đầu đi học vào tháng 9/2020. Thậm chí, dù sắp đón sinh nhật lần thứ 5 vào tháng 4 tới nhưng bé gái trông còn cao lớn hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Bé Francesca lúc mới sinh chỉ nặng vọn vẻn 600g và phải đối mặt với nhiều bệnh tật.
Lúc đó các bác sĩ nói rằng bé có sống sót cũng không thể đi lại hay nói chuyện được.
“Thật điên rồ khi bác sĩ nói với chúng tôi rằng, ngay cả khi con bé sống sót thì nó cũng không thể đi lại hoặc nói chuyện được, nhưng giờ chúng tôi còn không thể khiến con bé ngồi yên một chỗ hoặc im lặng được. Khi tôi nói chuyện với những bà mẹ có con sinh non, con của họ vẫn còn rất nhỏ, nhưng Francesca đã phải mặc quần áo của những đứa trẻ 6-8 tuổi và có thị lực hoàn hảo”, chị Victoria chia sẻ.
Bức ảnh chụp bàn chân của bé Francesca bên cạnh một đồng xu.
Đứa trẻ này từng gây chú ý dư luận vào năm 2017 sau khi bố mẹ đăng tải bức ảnh chụp một đồng xu có kích thước 17mm đặt bên cạnh chân của bé. Từ lúc đó, bé gái được mọi người gọi là “đứa bé có bàn chân cỡ đồng xu”.
Giờ đây, chị Victoria đã cho con gái xem một số hình ảnh và video về cô khi còn bé để giải thích tại sao cô lại đặc biệt như vậy.
Hiện bé gái lại có sức khỏe bình thường, thậm chí còn cao lớn hơn bạn bè cùng trang lứa.
“Tôi giải thích với con bé rằng, chúng tôi đặt một đồng xu bên cạnh bàn chân của con để chứng tỏ con bé thực sự từng nhỏ bé như thế nào. Nhưng khi nhìn lại những hình ảnh và video năm đó, tôi cũng vô cùng xúc động và không thể ngờ rằng con tôi đã thay đổi nhiều như vậy. Khoảng thời gian đó thật đáng sợ nhưng tôi đã vượt qua được rồi”, chị Victoria nói.
Nguyên nhân gây sinh non Sinh non là khi trẻ được sinh ra từ hết tuần thứ 22 đến trước khi hết tuần thứ 36 của thai kỳ. Nguyên nhân sinh non bao gồm: - Sinh non do thai: + Vỡ ối non: Chiếm 30% các cuộc chuyển dạ sinh non, 80% các trường hợp vỡ ối non không xác định được nguyên nhân. + Đa thai: Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày đối với đơn thai, song thai là 261,5 ngày và 3 thai là 246,5 ngày. + Đa ối: Chiếm 0,4-1,6% các thai. Khoảng 1/3 trường hợp đa ối có thể gây chuyển dạ sinh non. + Thai dị dạng: Thường gây chuyển dạ sinh non nhất là khi kết hợp với đa ối (thai vô sọ), hoặc thiểu ối (không có thận). + Viêm màng ối do nhiễm trùng. - Sinh non do mẹ: + Tiền sử sảy thai, sinh non. + Mẹ có bất thường ở tử cung. + Mẹ mang thai ngoài 35 tuổi. + Mẹ có lối sống không lành mạnh, hút thuốc, uống rượu. - Sinh non do nhau thai: + Nhau tiền đạo, nhau bong non. + Thiểu năng nhau nên dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ. |