Như các bác sĩ thường tư vấn, trong quá trình mang thai và sinh nở sẽ có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra. Chẳng hạn như tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao, tiền sản giật, băng huyết, nhau thai bong non, sinh khó… Tuy nhiên, trường hợp bị rơi vào tình trạng nghiêm trọng đến mức bị gãy xương cụt và hai đĩa đệm thoát vị ở cột sống do đầu em bé bị kẹt trong lúc sinh như bà mẹ Elizabeth Smith (32 tuổi), sống ở Ontario (Canada) thì khá hiếm gặp.
Được biết, chị Elizabeth đã có một thai kỳ nhẹ nhàng và khỏe mạnh. Song, trong quá trình chuyển dạ có một loại biến chứng y khoa xảy ra khiến cô bị đau đớn. Bà mẹ 1 con nhớ lại: “Tôi đã vượt cạn và Sawyer chào đời an toàn, nhưng tôi vô cùng đau đớn. Tôi được tiêm gây tê tủy sống đến 4 lần nhưng vẫn cảm nhận được hết mọi biến chuyển trong cơ thể của mình. Bác sĩ đã giải thích rằng đầu của em bé bị kẹt nên họ cần sử dụng máy hút để đưa con ra ngoài”.
Chị Elizabeth đã bị gãy xương cụt và hai đĩa đệm thoát vị cột sống.
Sau khi Sawyer chào đời, các cơn đau của chị Elizabeth không những không thuyên giảm, ngược lại nó lại có dấu hiệu tăng lên. Nhưng vì nghĩ đây là cơn đau sau sinh mà mẹ nào cũng phải trải qua nên chị chỉ biết cắn răng chịu đựng. Tuy nhiên, khi được khám tổng quát trước khi xuất viện, bác sĩ thông báo bà mẹ này đã bị gãy xương cụt và hai đĩa đệm thoát vị ở cột sống, cần được tập vật lý trị liệu.
“Trong một thời gian dài sau khi sinh Sawyer, tôi không thể đi từ giường đến ghế sofa mà không khóc. Thậm chí, tôi còn không thể ngồi vì quá đau đớn”, bà mẹ 1 con nói. Không chịu nổi cảm giác bị đấm liên tục vào cột sống, chị Elizabeth đã yêu cầu bác sĩ cho mình được phẫu thuật chỉnh sửa cột sống – kéo các đĩa đệm về đúng vị trí để nó không ảnh hưởng đến các dây thần kinh nữa - nhưng câu trả lời của họ là không vì sức khỏe của chị không đảm bảo. Bác sĩ hẹn hơn 1 năm sẽ thực hiện phẫu thuật, còn bây giờ tạm thời chị Elizabeth hãy uống thuốc. Song, loại thuốc này lại khiến chị tăng cân mất kiểm soát, trong 2 tuần đã lên 11kg.
May mắn là khi Sawyer được 18 tháng, chị Elizabeth đã được phẫu thuật chỉnh lại cột sống nên có thể đi lại và sinh hoạt bình thường.
Rồi dần dần, tình trạng đau đớn này cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của chị Elizabeth. Hàng ngày, chị vừa phải chịu nỗi đau thể xác, vừa dằn vặt chính mình khi là một người mẹ tồi, không thể tự tay chăm sóc cho con trai của mình. Chị tâm sự: “Tôi không thể ôm hay bế con vì tôi luôn luôn phải nằm yên một chỗ, chỉ cần nhúc nhỏ thôi là tôi đau đến phát khóc. Mẹ tôi là người chăm sóc cho cả con gái lẫn cháu ngoại. Còn bố và chồng tôi sẽ phụ giúp mẹ. Thành thật mà nói, cảm giác bất lực tàn phá tinh thần tôi. Tôi là một người mạnh mẽ nhưng tôi đang ngày một yếu ớt, phải sống dựa vào người khác. Tôi dần đánh mất chính mình. Tôi cảm thấy có lỗi với con. Tôi muốn chấm dứt cuộc sống của mình”.
Thế nhưng may mắn là khi Sawyer được 18 tháng, bác sĩ thông báo sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh cột sống cho chị Elizabeth. Nghe tin này, bà mẹ 1 con đã bật khóc vì sung sướng.
Tháng 9/2020, chị Elizabeth đã tổ chức lễ cưới với anh Kyle - người đã tận tình chăm sóc chị trong suốt quãng thời gian chị bất động.
Mặc dù việc phục hồi sau ca phẫu thuật không hề dễ dàng nhưng chị Elizabeth đã lấy lại được “tự do”. Vào tháng 9/2020, chị đã có thể đi bộ vào lễ đường trong đám cưới của chính mình với người chồng Kyle (37 tuổi).
“Cuối cùng chúng tôi cũng được tổ chức đám cưới để nhận lời chúc phúc từ người thân và bạn bè. Trong lúc quẫn bách, tôi đã từng nghĩ rằng có lẽ Kyle – một nhân viên trong bộ quốc phòng – có lẽ sẽ rời bỏ người vợ “vô tích sự” là tôi. Nhưng không, trong suốt quãng thời gian qua, anh ấy chưa nói một lời than phiền nào. Anh ấy thay tôi chăm sóc con trai, nấu ăn, dọn dẹp nhà và chăm sóc cho tôi. Anh ấy và Sawyer là cả thế giới của tôi”, chị Elizabeth nói.
Giờ đây, gia đình của chị Elizabeth thường xuyên đi du lịch cùng nhau.
Mẹ bầu cần biết về các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình sinh nở
Theo tiến sĩ Robin Elise Weiss - Trợ lý Giáo sư của trường Y tế Cộng đồng thuộc trường Đại học Louisville (Mỹ), khả năng sản phụ gặp phải biến chứng khi chuyển dạ hoặc sinh nở sẽ phụ thuộc vào tiền sử sức khỏe cụ thể tại thời điểm sinh. Có một số biến chứng chuyển dạ và sinh nở phổ biến mà các mẹ bầu cần biết như:
- Tử cung không mở: Mặc dù các cơn co thắt đã xuất hiện, nước ối đã vỡ nhưng tử cung vẫn không chịu mở. Đến lúc này, bác sĩ sẽ tiêm cho bạn thuốc để kích thích sự chuyển dạ nhưng tử cung vẫn không giãn nở thì bạn sẽ được đẩy vào phòng sinh mổ.
- Các vấn đề về nhau thai: Nhau thai tiền đạo, nhau thai bám vào thành niêm mạc hoặc nhau bong non đều là những biến chứng nghiêm trọng có thể gây chảy máu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.
- Các vấn đề về dây rốn: Sa dây rốn hay dây rốn quấn cổ em bé cũng rất nguy hiểm, trong trường hợp này bác sĩ thường lựa chọn sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và em bé.
- Em bé bị mắc kẹt: Trường hợp này rất hiếm khi xảy ra vì nó phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khung xương chậu của mẹ quá nhỏ, em bé to hay thai nhi ở vị trí ngôi mông hoặc nằm ngang... Và trong quá trình sinh thường, em bé dễ bị kẹt vai, kẹt đầu hay kẹt tay vào khung xương của mẹ. Nếu đỡ đẻ không khéo dễ dẫn đến tình trạng em bé bị gãy xương hoặc sản phụ bị gãy xương như chị Elizabeth.