Sau khi quan hệ không sử dụng biện pháp an toàn và thấy có các dấu hiệu của việc mang thai như chậm kinh, ra máu báo… Chị em có thể sử dụng que thử thai để kiểm tra xem mình có thai hay chưa. Que thử thai là một dụng cụ được chị em sử dụng khá phổ biến bởi phương pháp đơn giản, dễ sử dụng, giá thành rẻ, độ chính xác cao.
Tuy nhiên sau khi thử thai lên 2 vạch - nghĩa là xác nhận đã có thai, mẹ vẫn phải đến bệnh viện để kiểm tra chính xác việc mình có thai hay không, thai đã vào "ổ" chưa và nhận tư vấn thai kỳ từ bác sĩ. Bà mẹ dưới đây đã chủ quan bỏ qua mốc kiểm tra này và cái kết suýt mất mạng.
Chị Hà (34 tuổi, sống tại Hợp Phì, Trung Quốc) có một bé gái đầu lòng đã gần 8 tuổi. Đầu năm nay, vợ chồng anh chị lên kế hoạch sinh thêm bé thứ 2. Sau khoảng 6 tháng "thả" tự nhiên, chị Hà phát hiện chậm kinh nguyệt, người mệt mỏi. Chắc mẩm mình đã mang bầu thành công, chị đi mua que thử thai về kiểm tra và hạnh phúc khi thấy đúng là que cho kết quả 2 vạch. Ông xã giục chị Hà đi khám nhưng chị nói rằng lần khám thai đầu tiên thực ra không cần thiết, đợi đến 12 tuần đi đo độ mờ da gáy mới là mốc quan trọng để biết con có bị dị tật không. Tin tưởng vợ là người có kinh nghiệm nên ông xã không có thêm ý kiến gì.
Chị Hà thử thai lên 2 vạch nhưng không đi kiểm tra thêm vì nghĩ không cần thiết. (Ảnh minh họa)
Không ngờ rằng chưa đợi được đến mốc 12 tuần, chỉ 3 tuần sau, chị Hà bỗng nhiên bị đau bụng dữ dội. Sau 10 phút đau bụng kèm theo ra máu, chị hốt hoảng bắt taxi đến trung tâm y tế địa phương để thăm khám. Qua kết quả siêu âm, bác sĩ nhận định chị có khả năng bị mang thai ngoài tử cung, thai đã vỡ dẫn đến xuất huyết nghiêm trọng. Ngay lập tức, trung tâm y tế chuẩn bị xe cứu thương để đưa chị tới bệnh viện tuyến trên cấp cứu.
Khi đến bệnh viện, chị Hà đã rơi vào tình trạng ý thức mơ hồ, huyết áp giảm sâu, bên ngoài thì máu chảy ồ ạt. Các bác sĩ kiểm tra cho biết chị bị vỡ thai ngoài tử cung dẫn đến vỡ vòi trứng, xuất huyết nặng. Nhờ sự nỗ lực của các nhân viên y tế, sau hơn 3 tiếng phẫu thuật và truyền máu liên tục, huyết áp của chị Hà đã dần tăng lên, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và cuối cùng chị cũng qua cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ vòi trứng bên trái của chị, đồng nghĩa với việc tỉ lệ mang thai tự nhiên thành công sẽ giảm xuống. Bác sĩ cũng khuyên chị nên chờ khoảng 6 tháng cho cơ thể hồi phục hoàn toàn rồi mới "thả" lại và nếu mang thai cần đi kiểm tra ngay lập tức.
Chị Hà gặp tình trạng nguy kịch vì vỡ thai ngoài tử cung. (Ảnh minh họa)
8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua
Đối với các mẹ bầu, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ đến lúc sinh là việc làm rất quan trọng. 8 mốc khám thai cần thiết dưới đây mẹ bầu phải thực hiện đầy đủ, không được bỏ qua.
- Lần thứ nhất (6-8 tuần): Xác định lại thai kỳ, kiểm tra tim thai.
- Lần thứ hai (11-14 tuần): Đo độ mờ da dáy, sàng lọc dị tật.
- Lần thứ ba (16 tuần): Theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Lần thứ tư (22-23 tuần): Tầm soát các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở các cơ quan nội tạng.
- Lần thứ năm (26 tuần): Tiêm mũi uốn ván. Phát hiện bất thường ở mẹ và con.
- Lần thứ sáu (31-32 tuần): Phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung.
- Lần thứ bảy (36 tuần): Đo tim thai và chuyển động thai, lên kế hoạch sinh con.
- Lần thứ tám (sau 36 tuần): Bác sĩ sẽ chỉ định khám 1 tuần - 2 tuần/lần để theo dõi dấu hiệu sinh.