Mặc dù ai cũng công nhận rằng, trẻ em có trí tưởng tượng, năng lực sáng tạo vô cùng phong phú mà đôi khi đến người lớn cũng phải ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này không tự nhiên mà có, trên thực tế sự sáng tạo của trẻ là được kích hoạt từ việc bé quan sát, khám phá mọi thứ có thật ở xung quanh mình. Trong quá trình học tập, trẻ sẽ thường kết hợp linh hoạt giữa tính chân thật và tưởng tượng, đó cũng là lý do khiến cho nhiều thành quả của trẻ tạo cho mọi người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Đơn cử như mới đây, theo sohu, một nhóc tỳ tiểu học đã vẽ bức tranh với chủ đề về cô giáo chủ nhiệm của mình. Được biết, sau khi nhìn thấy tác phẩm này, cô giáo của em đã không giấu được cảm xúc đến mức đỏ cả mặt, còn CĐM thì đoán rằng bố mẹ học sinh mà trông thấy bức tranh của con chắc hẳn cũng lo lắng, bất an lắm.
Cụ thể, trong tranh bé tiểu học vẽ cô giáo trong cùng một hình hài nhưng lại chia rõ ràng 2 thái cực hoàn toàn khác nhau, một bên được cho là biểu tượng của thiên thần (ngụ ý những lúc cô giáo hiền dịu, nhẹ nhàng với học sinh thì cô giống như thiên thần), và ngược lại là biểu tượng của ác quỷ (ngụ ý những lúc cô giáo hung dữ, la mắng hay trách phạt học sinh thì cô giống như ác quỷ).
Không những thế ở bên dưới, nhóc tỳ còn vẽ rất nhiều học sinh. Trong đó một bên thì có biểu hiện buồn bã mỗi khi cô giáo “hoá” thành ác quỷ, còn một bên thì vui vẻ khi cô trong vai thiên thần. Quả thực, đây là một bức tranh có tính tưởng tượng và sáng tạo cực kỳ cao.
Nhìn thấy tác phẩm này, nhiều người dành lời khen cho năng khiếu hội hoạ của em học sinh tiểu học, một số khác thì để lại nhiều bình luận hài hước nhắc về phản ứng của cô giáo khi xem tranh. Ai cũng đoán chắc cô sẽ tức giận vì học sinh dám vẽ mình như thế, còn bố mẹ của nhóc tỳ hẳn cũng lo sợ không kém trước độ “liều lĩnh” của con.
Song đa số đều tuyên dương sự chân thật của học sinh, xuất phát từ những gì bé quan sát và cảm nhận được khi tiếp xúc với cô giáo của mình mỗi ngày ở lớp học để vẽ bức tranh đúng theo như những gì em nhìn thấy. Nhiều phụ huynh “dở khóc dở cười” cho rằng, trong tình huống này cô giáo muốn chối cũng khó, nên chắc chắn bức tranh sẽ đạt được điểm số cao.
Tại sao trẻ nhỏ thường vẽ tranh khác so với những gì người lớn nghĩ?
Có một sự khác biệt hoàn toàn giữa người lớn và trẻ em. Ví dụ khi có 1 đồng tiền xuất hiện trước mặt người lớn và trẻ em. Hình ảnh xuất hiện trong não người lớn và trẻ em không giống nhau. Nếu người lớn nghĩa rằng đồng tiền này có thể mua những thứ nhu yếu phẩm hàng ngày thì trẻ em chỉ có thể muốn mang đi mua bánh kẹo hoặc kem. Vì vậy, những bức tranh bé vẽ sẽ khác so với tưởng tượng của người lớn.
Trẻ có thể nhận thấy những chi tiết mà người lớn không nhận thấy. Người lớn thường nghĩ rằng họ hiểu biết nhiều hơn so với trẻ nhỏ. Đó là sự thật nhưng nếu người lớn và trẻ cùng lúc quan sát một sự vật hoặc sự kiện, trẻ sẽ không nhất thiết phải quan sát ít hơn người lớn, thậm chí bé còn quan sát nhiều chi tiết mà người lớn không chú ý.
Trẻ có trí tưởng tượng phong phú. Trẻ nhỏ vốn dĩ có trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Trong quá trình trưởng thành những trí tưởng tượng này sẽ bị hạn chế và thay vào đó là những suy nghĩ khác của người lớn. Vì vậy, nói về trí tưởng tượng thì đương nhiên trẻ phong phú hơn cha mẹ đấy.
Theo các chuyên gia tâm lý học, trái với xu hướng ngăn cấm, bố mẹ thậm chí còn phải hỗ trợ tích cực cho giai đoạn trẻ có nhu cầu được thỏa sức thể hiện sở thích, tính sáng tạo và tưởng tượng của mình vì điều này có lợi đối với sự phát triển lâu dài của con. Trẻ sẽ thông minh, có óc quan sát và phát triển khả năng thẩm mỹ.
Cụ thể:
- Thông minh và có óc quan sát: Khi được khuyến khích phát huy tính sáng tạo và tưởng tượng, trẻ sẽ trở nên rất tò mò, chú ý quan sát và phân tích thế giới xung quanh. Điều này giúp bồi dưỡng tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và trí thông minh của chúng.
- Phát triển khả năng thẩm mỹ: Các hoạt động sáng tạo như vẽ, tập viết, làm thủ công... sẽ giúp trẻ phát triển thẩm mỹ, giác quan, nhận biết và yêu thích những điều đẹp đẽ, hài hòa. Điều này không chỉ tốt cho sự phát triển tâm hồn, mà còn giúp trẻ có một cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn.
- Tăng cường tự tin và khả năng bộc lộ bản thân: Khi được khuyến khích thể hiện sở thích và ý tưởng sáng tạo, trẻ sẽ cảm thấy được công nhận và trân trọng. Điều này sẽ giúp con xây dựng niềm tin và lòng tự trọng, cũng như khả năng bộc lộ bản thân một cách tự nhiên.