Trẻ 10 tuổi nặng 60 kg thì có béo không, liệu có nguy cơ mắc tiểu đường? Nên đi khám ở đâu tốt nhất?

Dù con mới 10 tuổi nhưng cân nặng lên tới 60kg, tuy nhiên mẹ vẫn phân vân không biết có nên đi khám hay không và khám ở đâu? TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) sẽ tư vấn về trường hợp này.
TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng

Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.

Xem tất cả bài viết của chuyên gia
Nguyễn Thị Kim Tuyền (ở TP.HCM) (kimtuyen***@gmail.com)

Bé nhà em năm nay 10 tuổi, bé cao 147cm nặng 60kg. Cổ, nách và bẹn bị thâm đen mấy năm nay. Trước đây bé bệnh, em có cho bé đi hỏi về tình trạng bị thâm đen của bé nhưng bác sĩ bảo không sao, không cần khám. Em đọc tin tức thấy tình trạng của bé có nguy cơ tiểu đường và liên quan nội tiết tố. Bác sĩ cho hỏi tình trạng bệnh của bé nên đi khám ở đâu ạ?

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng

Trước hết với thông tin bạn cung cấp thì tôi chưa rõ bé nhà bạn là bé trai hay bé gái và hiện đã có dấu hiệu dậy thì hay chưa. Tuy nhiên, cho dù là bé trai hay gái, nếu 10 tuổi mà nặng 60kg là ở trong tình trạng thừa cân - béo phì.

Đối chiếu bảng chiều cao cân nặng của trẻ theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cân nặng tối đa của một bé trai 10 tuổi là 45kg (trung bình là 31,2kg), còn với trẻ gái là 46,9kg (trung bình là 31,9kg). Như vậy có thể thấy cân nặng của con bạn đã vượt ngưỡng tối đa rất nhiều, trong khi chiều cao không quá vượt trội. Do vậy, bạn cần đi đưa con đi khám càng sớm càng tốt để có xét nghiệm, tư vấn cụ thể.

Về tình trạng cổ và nách có thâm đen hay còn gọi là gai đen, đây là dấu hiệu trẻ thừa cân-béo phì. Gai đen là một trong những dấu hiệu kết hợp ở bệnh nhân béo phì rất điển hình với những vệt màu từ nâu nhạt đến đen, chúng xuất hiện ở vùng cổ, nạch, háng và dưới bầu ngực hay nói cách khác ở những chỗ có nếp gấp là chủ yếu.

Với những trẻ có cân nặng vượt ngưỡng cao như con bạn, trước hết bác sĩ cần thăm khám trực tiếp mới đưa ra được tư vấn cụ thể. Hơn nữa bạn cần cung cấp cho chúng tôi biết về chế độ ăn uống, sinh hoạt của con bạn cũng như tình trạng sức khỏe trẻ có hay ốm không, đã sử dụng những loại thuốc gì, có hướng dẫn của bác sĩ hay không?

Phụ huynh cần theo dõi bảng cân nặng, chiều cao để biết tình trạng con mình và tìm tư vấn hướng điều chỉnh phù hợp.

Tôi mới gặp một trường hợp trẻ gần 3 tuổi nhưng nặng 25kg. Dù có cân nặng vượt trội nhưng trẻ rất hay ốm, gia đình cho biết họ thường xuyên tự ý mua thuốc mỗi khi trẻ ốm. Với trường hợp tự ý sử dụng thuốc, nếu thuốc có chứa corticoid cũng khiến trẻ bị tăng cân, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

Với độ tuổi như con bạn (10 tuổi) có thể còn liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Ở tuổi này (tiền dậy thì) nhu cầu sử dụng thực phẩm đang tăng cao, nếu chúng ta không cho trẻ ăn khoa học, hợp lý sẽ rất dễ gây tình trạng thừa cân - béo phì. Theo đó, trẻ độ tuổi này có thể sẽ ăn nhiều hơn trước, nhưng chế độ ăn vẫn phải đảm bảo cân đối 4 nhóm chất là đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán trong bữa ăn hàng ngày. 

Với câu hỏi liệu con bạn có bị tiểu đường hay có liên quan đến nội tiết hay không? Chúng tôi không thể trả lời có hoặc không ngay được mà cần phải có xét nghiệm và đánh giá cụ thể.

Bạn ở TP.HCM có thể đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn hoặc các bệnh viện lớn có khoa dinh dưỡng, nội tiết chuyển hóa hoặc bạn ra Hà nội đến BV Nhi Trung ương và Viện Dinh dưỡng  để bác sĩ có tư vấn chính xác nhất.

Trong lúc chưa bố trí đi khám được ngay, bạn nên cho bé ăn 3 bữa/ngày, hạn chế ăn vặt, cho con tăng cường hoạt động thể lực mỗi ngày.

Chúc con bạn nhanh có thân hình khoẻ, đẹp!

Mọi thắc mắc của bạn độc về các vấn đề sức khỏe sẽ được các chuyên gia tư vấn trong những bài tiếp theo. Mời quý độc giả đón đọc các bài Hỏi đáp bác sĩ vào các ngày thứ 3 - 5 hàng tuần trên mục Sức khỏe.

Bé trai Thanh Hóa gần 3 tuổi nặng bằng trẻ lên 7, BS cảnh báo một sai lầm chăm con nhiều bố mẹ mắc