Bác sĩ Trần Ánh Trang thuộc Bệnh viện Đài Bắc, Đài Loan chia sẻ với Ettoday, có một bé gái 8 tuổi được gia đình đưa đi khám trong tình trạng bị đau bụng sau khi ăn bữa sáng.
Bác sĩ chẩn đoán ban đầu là mắc bệnh đường tiêu hóa, nhưng gia đình lại cho biết thêm đứa trẻ còn xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ ở dưới chân, số lượng ngày càng nhiều, kéo dài từ mắt cá, bắp chân đến tận mông đùi. Sau khi ấn, nốt phát ban không biến mất, kèm theo đau bụng, bác sĩ chẩn đoán là do bị ban xuất huyết dị ứng.
Bác sĩ Trần Ánh Trang giải thích, ban xuất huyết dị ứng là một bệnh tự miễn dịch gây viêm mao mạch, thường xảy ra ở trẻ em từ 2 đến 8 tuổi, tỷ lệ nam cao hơn nữ. Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ. Bác sĩ Trang tiết lộ, có 3 triệu chứng chính bao gồm ban xuất huyết tập trung nhiều ở chi dưới và mông, một nửa trường hợp sẽ bị đau bụng, 75% số người bị đau khớp chủ yếu là khớp gối và cổ chân. .
Bác sĩ Trần Ánh Trang nhắc nhở rằng cha mẹ cần phải cẩn thận khi trẻ mắc bệnh này, bởi có từ 25%-50% trẻ em mắc ban xuất huyết dị ứng có thể dẫn tới viêm thận, và 3%-4% trong số đó sẽ bị suy thận. Do đó, phải theo dõi chức năng thận thường xuyên. Bác sĩ Trang nói rằng về cơ bản, chỉ cần có triệu chứng ban xuất huyết da điển hình và đau bụng hoặc đau khớp xuất hiện, rất có thể được chẩn đoán là ban xuất huyết dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết dị ứng
Bệnh ban xuất huyết dị ứng có thể đến do các nguyên nhân sau:
- Cơ địa dị ứng: Đây là nguyên nhân chủ yếu.
- Do nhiễm các loại vi khuẩn hoặc virus như: Liên cầu nhóm A, cytomegalovirus, Campylobacter, Varicella virus, Mycoplasma, Parvovirus B19… Nguyên nhân này hầu hết xuất hiện ở trẻ em sau khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.
- Do thời tiết thay đổi hoặc người bệnh ăn phải đồ ăn gây dị ứng.
- Do di truyền: Gia đình có tiền sử mắc bệnh.
- Do dị ứng với thuốc: Các loại thuốc như thuốc kháng sinh hay kháng histamin có thể gây dị ứng xuất huyết.
Điều trị bệnh xuất huyết dị ứng
Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho trường hợp bệnh xuất huyết dị ứng, do đó các phương pháp điều trị chủ yếu chỉ hỗ trợ và bảo tồn.
Đối với các bệnh nhân bị xuất huyết dị ứng nhẹ thì các biện pháp bảo tồn sau sẽ hiệu quả: Nghỉ ngơi tại nhà, sử dụng vitamin C liều cao, để cao chân, uống nhiều nước cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý là có thể khỏi bệnh mà không cần các thuốc điều trị khác.
Đối với bệnh nhân nặng hơn, xuất hiện các triệu chứng như: sưng đau khớp, hạ huyết áp, suy thận thì cần sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm như: glucocorticoid, prednisolon, methylprednisolon….để ngăn chặn tổn thương đến thận.
Bệnh ban xuất huyết dị ứng có nguy hiểm không?
- Đa số các trường hợp xuất huyết dị ứng sau khi được điều trị đều không gây biến chứng nặng.
- Các bệnh tự dị ứng thường bệnh nhân bị trong 4 - 6 tuần và tự khỏi sau đó, trường hợp này chiếm 2/3 số trẻ mắc bệnh xuất huyết dị ứng.
- Trẻ em mắc bệnh xuất huyết dị ứng thường nhẹ, nhanh khỏi, ít tái phát hơn so với người lớn.
- Có khoảng 5%-10% trường hợp mắc bệnh ban xuất huyết dị ứng gây tổn thương thận kéo dài.
- Có 1% trường hợp tử vong do bệnh ban xuất huyết dị ứng dẫn tới suy thận giai đoạn cuối. Thường rơi vào các bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh muộn khi suy thận đã nặng.
- Như vậy, bệnh ban xuất huyết dị ứng nếu được điều trị đúng cách và kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng và biến chứng nhiều đến sức khỏe.