Do hệ thống miễn dịch còn non yếu, chưa có đủ đề kháng để chống lại nhiều loại virus nên trẻ em rất dễ cảm lạnh, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Cảm lạnh thông thường ở trẻ sơ sinh không có gì đáng nguy hiểm nhưng nếu không điều trị và chăm sóc cẩn thận thì bệnh tình của trẻ sẽ nghiêm trọng hơn, dẫn đến viêm phổi hoặc viêm phế quản. Do đó, khi trẻ sơ sinh bị cảm lạnh, bố mẹ không nên lơ là mà nên đưa trẻ tới bệnh viện, đặc biệt là khi trẻ bị sốt.
Dấu hiệu bé bị cảm lạnh
Nghẹt mũi, chảy nước mũi là những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ bị cảm lạnh. Ban đầu, nước mũi của trẻ sẽ lỏng và trong suốt, nhưng sẽ đặc quánh và có màu vàng xanh trong vài ngày sau đó. Điều này là hoàn toàn bình thường và không có nghĩa là bệnh cảm lạnh của trẻ trầm trọng hơn.
Chảy nước mũi là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trẻ sơ sinh bị cảm lạnh. (Ảnh minh họa)
Các triệu chứng cảm lạnh khác ở trẻ sơ sinh bao gồm:
- Quấy khóc
- Sốt
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm
- Hắt xì
- Chán ăn
- Bồn chồn, khó chịu
- Khó ngủ hoặc ngủ li bì
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị cảm lạnh
Cảm lạnh là sự nhiễm trùng đường miệng, mũi và cổ họng (đường hô hấp trên), được gây ra bởi virus. Các loại virus này có thể sống trong không khí và trên các bề mặt trong thời gian ngắn, nên nó rất dễ lây lan qua tiếp xúc hoặc hít thở.
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có thể là do bị lây khi ở gần những người mang bệnh có triệu chứng ho, hắt xì hoặc chảy nước mũi. Hoặc trẻ cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm tay lên bề mặt bị nhiễm virus rồi đưa tay lên mũi, miệng, khiến virus xâm nhập vào bên trong.
Khi nào nên đưa trẻ tới bác sĩ?
Nếu trẻ có những triệu chứng dưới đây, bố mẹ nên đưa trẻ tới bác sĩ đề phòng bệnh nghiêm trọng hơn:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi bị cảm lạnh.
- Trẻ dưới 3 tháng sốt từ 38 độ C trở lên, trẻ 3-6 tháng sốt từ 39 độ C trở lên.
- Sốt kéo dài hơn 5 ngày.
- Có dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như tiểu ít hơn bình thường.
- Bứt tai hoặc những biểu hiện khác thể hiện sự khó chịu.
- Trẻ có một trong những dấu hiệu sau: phát ban, nôn, tiểu chảy, ho dai dẳng, khó thở, dịch mũi có màu xanh lá cây hoặc có máu, móng tay hoặc môi nhợt nhạt.
Mẹ nên hút rửa mũi thường xuyên cho trẻ khi trẻ bị cảm lạnh. (Ảnh minh họa)
Cách chữa cảm lạnh cho trẻ sơ sinh tại nhà
Thông thường, trẻ sơ sinh bị cảm lạnh sẽ tự khỏi sau 6 đến 9 ngày, nhưng mẹ có thể giảm bớt sự khó chịu cho con bằng những cách sau:
- Kê cao đầu trẻ để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.
- Cung cấp nhiều chất lỏng như sữa mẹ, sữa công thức để tránh không bị mất nước và cơ thể phục hồi nhanh hơn.
- Khuyến khích bé bú thành nhiều bữa nhỏ, tốt nhất nên cho trẻ bú sữa mẹ vì sữa mẹ có chứa nhiều kháng thể.
- Hút mũi hoặc giúp bé xì mũi để giảm bớt chất nhầy, giúp lưu thông đường thở.
- Giữ ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm hoặc đặt khăn ẩm trong phòng ngủ.
- Đảm bảo chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng cho mẹ để trẻ bú.
Ngoài ra, khi trẻ bị cảm lạnh, bố mẹ không nên làm những điều sau:
- Không nên dùng thuốc kháng sinh để điều trị cảm lạnh cho trẻ vì thuốc kháng sinh không có tác dụng với virus.
- Các loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn không được khuyên dùng cho trẻ 3 tháng tuổi, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Không nên dùng asprin cho trẻ nhỏ.
- Không nên để nằm sấp khi ngủ vì điều này có thể gây tắc nghẽn đường thở.
Cách phòng tránh bệnh cảm lạnh cho trẻ sơ sinh
- Nuôi con bằng sữa mẹ để tăng cường hệ thống miễn dịch của trẻ.
- Cố gắng cho trẻ tránh xa những người bị ho hay cảm lạnh.
- Các thành viên trong gia đình nên rửa tay thật kỹ trước khi bế trẻ.
- Vệ sinh tay thường xuyên cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người, vì đây là những nơi tập trung nhiều vi khuẩn.
Trẻ bị cảm lạnh nếu không được chăm sóc đúng cách có thể khiến bệnh tình của trẻ nghiêm trọng hơn. (Ảnh minh họa)
Trẻ sơ sinh bị cảm lạnh có nên tắm không?
Nhiều người cho rằng trẻ sơ sinh bị cảm lạnh không nên tắm vì điều này có thể khiến bệnh tình nặng hơn, nhưng thực tế tắm sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn. Điều quan trọng là mẹ nên tắm cho bé như thế nào. Dưới đây là cách tắm cho trẻ sơ sinh bị cảm lạnh:
- Tắm cho trẻ bằng nước ấm trong phòng kín gió. Vào mùa đông, bố mẹ nên bật thêm máy sưởi để làm ấm phòng trước khi tắm cho con.
- Tắm nhanh cho trẻ từ 5-10 phút.
- Sau khi tắm mẹ nên cuốn trẻ trong một chiếc khăn tắm to rồi lau khô người trẻ trước khi mặc quần áo.
- Khi tắm xong bố mẹ không nên đưa trẻ ra ngoài trời ngay (nếu trời lạnh), hoặc cho trẻ ngồi trong phòng điều hòa, trước quạt để giúp trẻ điều chỉnh thân nhiệt.