Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành - Chuyên gia Da liễu, thành viên Hội Da liễu Việt Nam vừa tiếp nhận một bé gái 8 tuổi, tới khám trong tình trạng vùng nách trợt loét, nề đỏ, chảy dịch vàng do tiếp xúc với kiến ba khoang. Gia đình cháu bé cho biết, do bị đau rát, cháu không ăn ngủ được và quấy khóc rất nhiều.
Trước đó, trong thời gian ở quê chơi, một hôm ngủ dậy, trẻ thấy nách bị vệt đỏ, phù, có mụn nước mụn mủ, con kêu đau rát và tỏ ra sợ hãi, không dám giơ tay lên vì vùng da tổn thương rất nặng. Ban đầu, gia đình nghĩ con bị viêm da đơn giản nên điều trị bằng phương pháp dân gian, tự mua thuốc về bôi, tắm nước lá cây… Bác sĩ Thành cho biết, chính điều này khiến cho tổn thương bị nhiễm khuẩn và lan rộng hơn, nguy cơ để lại vết thâm sẹo vĩnh viễn.
Hình ảnh bé gái bị tổn thương do kiến ba khoang tấn công khi về quê chơi.
Sau khi thăm khám, bé gái được chẩn đoán bị viêm da tiếp xúc do côn trùng, trực tiếp là do kiến ba khoang gây ra, nên đã được chỉ định dùng các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn nhẹ, kết hợp kháng sinh, kháng histamin tổng hợp, thuốc giảm đau... Sau 2 ngày điều trị theo phác đồ, tình hình của bé đã cải thiện.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành cho biết, trường hợp bị kiến ba khoang tấn công nhưng lại nhầm lẫn sang bệnh khác, nhất là zona thần kinh không phải là hiếm gặp, điều này làm tổn thương trầm trọng hơn.
Theo bác sĩ Thành, hiện đang vào mùa mưa - là mùa kiến ba khoang phát triển mạnh, chúng thường theo ánh đèn bay vào nhà và trú ngụ tại đây. Do vậy, khi người dân sinh hoạt, làm việc rất dễ bị kiến tấn công. Đặc biệt nhiều người có thói quen bắt giết côn trùng bằng tay không, sau đó dùng tay tiếp xúc với các vùng da khác trên cơ thể khiến chất độc do côn trùng tiết ra bám ở tay và gây viêm da, gây bỏng ở những vùng tiếp xúc.
Bé gái sau khi được bác sĩ khám và điều trị, tổn thương vùng nách do kiến ba khoang tấn công cơ đã được xử lý.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiến ba khoang có độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ mang nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên chủ yếu gây bỏng da, phỏng rộp da. Do vậy, nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó, đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Bác sĩ Thành cho biết, các trường hợp viêm da do kiến ba khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách, tuyệt đối không nên đắp lá cây hoặc tự ý bôi thuốc theo quan điểm dân gian để tránh bị nhiễm trùng và sẹo.