Thời còn son trẻ, ai cũng nghĩ rằng làm mẹ là một chuyện gì đó đơn giản mà bất kỳ người phụ nữ nào khi đến thời điểm phù hợp cũng sẽ trải qua. Nhưng đến khi đã thực sự có con, tôi mới hiểu "công việc" này vốn không dễ dàng chút nào, nuôi con đã khó, dạy con càng khó hơn, nhất là lúc các con bước vào hành trình với những con chữ. Làm thế nào để con có một tuổi thơ trọn vẹn, nhưng vẫn học hành "đến nơi đến chốn" và trở thành những công dân tốt trong tương lai luôn là nỗi trăn trở lớn của nhiều bậc bố mẹ, dĩ nhiên không ngoại trừ tôi trong đó.
Dù phải thừa nhận rằng, sự giỏi giang và thành công của con là niềm tự hào, mong ước của bố mẹ. Nhưng tôi hiểu con đường đạt được điều đó vốn dĩ chưa bao giờ là nhàn hạ. Thế nên tôi càng không muốn tạo áp lực cho các con bằng cách bắt ép, hay thúc giục con học ngày học đêm, hết giờ học trên lớp lại vội vã đến các lớp học thêm. Tuổi thơ của các con cứ thế vì 2 chữ "thành tích" mà dần ngắn lại, thậm chí là mất đi khi các con còn chưa kịp trải nghiệm.
Ảnh minh hoạ
Là một người mẹ, tôi nghĩ mình cần phải tạo cho con cơ hội và môi trường để con phát triển đúng với những gì tự nhiên nhất của lứa tuổi, như thế thì không cần bố mẹ phải làm gì cả, mà tôi tin rằng trên hành trình khôn lớn, đến một thời điểm thích hợp thì các con sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Đó là lý do mà từ trước đến nay, trong tư tưởng của tôi, việc con học nhiều, hay phải đăng ký học thêm từ lớp này đến lớp nọ không bao giờ là vấn đề gây áp lực đối với con.
Nhưng cũng chính vì vậy mà trong vấn đề này, tôi và chồng đã không ít lần cãi vã do bất đồng quan điểm. Chồng tôi luôn cho rằng nếu không đi học thêm con sẽ thua thiệt bạn bè, còn tôi lại không muốn vậy. Thử nhẩm tính xem, thu nhập cả gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc, đủ tiền nộp học phí cho con ở trường, làm gì còn khoản dư nào để đăng ký cho con các lớp học thêm.
Mà đã học thêm vì mục đích cho bằng bạn bằng bè, thì dĩ nhiên sẽ không chỉ học một môn duy nhất, ngược lại còn là nhiều môn, nào là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh,... Tuy tài chính có ảnh hưởng lớn đến quyết định có nên cho con đi học thêm hay không? Nhưng điều quan trọng hơn hết là tôi muốn con được làm trẻ em đúng nghĩa, điều đó có gì là sai?
Ảnh minh hoạ
Vào bữa cơm tối hôm trước, chúng tôi lại tiếp tục bàn chuyện học thêm của con, tại thời điểm đó cô con gái vừa vào cấp 2 cũng nghe cuộc tranh luận của bố mẹ. Thế là bất ngờ, con nói một câu khiến tôi và chồng như chết lặng.
- Bố mẹ cho con đi học thêm đi! Con không muốn đứng bét lớp đâu ạ, phải đi học thêm thì điểm số mới cao. Các bạn học sinh giỏi trong lớp con đều đăng ký học thêm ở nhà cô chủ nhiệm đấy bố mẹ ạ! Thành tích của các bạn hiện tại đang tốt lắm!
Trước lời tâm sự thẳng thắn, ngây thơ của cô con gái nhỏ, tôi cảm thấy lòng mình như nặng trĩu, vô cùng khó chịu. Tôi hiểu tâm lý lo lắng của các con, nhưng cũng càng hiểu các con sẽ phải đối diện với những áp lực như thế nào nếu cứ liên tục "chạy đua" ở các lớp học thêm, rồi dần đánh mất đi tuổi thơ hồn nhiên, đẹp đẽ của mình, khoảng thời gian mà một khi để nó trôi tuột khỏi kẽ tay, sẽ không bao giờ lấy lại được.
- Không sao đâu con yêu à! Trước đây mẹ cũng đã từng trải qua những điều tương tự như con ở hiện tại. Vì thế mà hơn ai hết, mẹ hiểu cảm nhận của con lúc này. Nhưng ở độ tuổi của con, mẹ nghĩ con đừng quá áp lực chuyện thành tích, hay phải học hành thật giỏi giang. Sau khi con lớn hơn chút nữa, đến một thời điểm phù hợp thì dĩ nhiên con sẽ cần tập trung hơn vào việc học.
Mẹ không khuyến khích con học quá sức mình, mẹ chỉ hy vọng con được tự do làm điều mình thích và vừa với sức lực của con lúc này, như vậy thì con sẽ có một tuổi thơ trọn vẹn và đáng nhớ nhất. Đó mới là điều tuyệt vời nhất, quan trọng nhất với chính con và cả với bố mẹ nữa!
Ảnh minh hoạ
Sau khi nghe những lời an ủi, động viên từ mẹ, cô con gái của tôi cũng trở nên vui vẻ hơn. Ban đầu, con bé còn lo sợ việc bố mẹ sẽ bắt ép, thúc giục chuyện học hành nên mới tự giác hiểu chuyện như thế. Nhưng tôi không hy vọng con sẽ hiểu chuyện ở tuổi này, tôi chỉ hy vọng con được sống với những gì chân thật nhất từ bản thân.
Ở góc nhìn của các bố mẹ khác, tôi không biết mọi người sẽ lựa chọn ra sao trong vấn đề này, nhưng tôi chắc chắn với quan điểm của mình, tôi muốn các con có tuổi thơ, là một tuổi thơ đúng nghĩa với những trò vui chơi hồn nhiên, chạy nhảy ngoài công viên, hoà mình cùng nắng gió thiên nhiên, chứ không phải là tuổi thơ sáng đêm gồng mình ở các lớp học thêm, mang theo đó là những gương mặt bơ phờ, thiếu ngủ,...
Tâm sự từ độc giả [email protected]
Trên thực tế, sẽ không có một quy chuẩn đúng sai nhất định nào cho vấn đề này, vì nó phụ thuộc vào quan điểm nuôi dạy con của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu bố mẹ quyết định cho con đi học thêm thì cần phải xem xét kỹ lưỡng. Thời điểm thích hợp để bố mẹ cho con đi học thêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm sự quan tâm và nhu cầu của con, tình hình học tập hiện tại, thời gian và tài chính, cũng như khả năng tự quản lý sức khỏe của con. Dưới đây là một số tình huống mà bố mẹ có thể xem xét để đưa ra quyết định kịp thời, và đúng đắn trong vấn đề cho con đi học thêm:
Nhu cầu của con
Bố mẹ dành thời gian để quan sát, và lắng nghe con là điều quan trọng nhất khi quyết định cho con đi học thêm. Nếu con thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến một môn học nào đó, hoặc có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về một môn học cụ thể, đi học thêm là một lựa chọn nên được xem xét. Bởi vì điều này có thể giúp con phát triển sở thích và đam mê cá nhân của mình.
Tình hình học tập hiện tại
Xem xét thành tích học tập hiện tại của con là một yếu tố quan trọng, khi bố mẹ quyết định có nên cho con đi học thêm ngoài giờ lên lớp hay không? Nếu con gặp khó khăn trong một môn học cụ thể hoặc có nhu cầu nắm vững kiến thức, đi học thêm có thể giúp con củng cố nền tảng và tiếp thu kiến thức một cách chi tiết hơn.
Mục tiêu học tập của con
Nếu con có mục tiêu học tập cao hơn và muốn đạt thành tích xuất sắc, đi học thêm có thể cung cấp sự hỗ trợ và thách thức phù hợp để con phát triển, cũng như đạt được mục tiêu của mình. Điều này đặc biệt quan trọng khi con đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như kỳ thi đánh giá kết quả, xếp loại học sinh ở từng năm học, kỳ thi tốt nghiệp hay kỳ thi đại học.
Thời gian và tài chính
Đi học thêm đòi hỏi sự cam kết thời gian và tài chính từ bố mẹ và con. Trước khi quyết định cho con đi học thêm, bố mẹ hãy xem xét xem, liệu có đủ thời gian để con tham gia vào các buổi học thêm và có thể quản lý được công việc học tập bổ sung này một cách tốt nhất hay không? Ngoài ra, mỗi gia đình cũng cần xem xét khả năng tài chính để hỗ trợ cho việc đi học thêm của các con, bao gồm cả học phí, sách giáo trình và chi phí đi lại...
Khả năng tự quản lý và sức khỏe của con
Đi học thêm có thể cần đòi hỏi kỹ năng tự quản lý của con. Vậy nên bố mẹ hãy xem xét khả năng tự học, khả năng tập trung, quản lý thời gian và sức khỏe của con để đảm bảo rằng, con có thể chịu được áp lực học tập thêm bên ngoài việc học chính, và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của con.
Cuối cùng, quyết định cho con đi học thêm là một quyết định cá nhân và phụ thuộc vào từng gia đình. Bố mẹ cần cân nhắc và thảo luận cụ thể với con, lắng nghe ý kiến của con và xem xét các yếu tố trên để đưa ra quyết định tốt nhất cho con. Bố mẹ hãy đảm bảo rằng quyết định này được đưa ra dựa trên tình yêu thương, và sự quan tâm đến quá trình phát triển, cũng như hạnh phúc của con.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý rằng, đi học thêm không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt cho tất cả các trường hợp. Đôi khi, việc cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, tự học hoặc cải thiện phương pháp học tập hiện tại có thể đủ để con phát triển và đạt được mục tiêu học tập của mình.