Trước khi bước vào cuộc hôn nhân ở hiện tại, tôi là mẹ đơn thân, chồng cũ ngoại tình rồi bỏ vợ bỏ con. Vì quá khứ tổn thương đó mà suốt 7 năm qua, tôi không dám mở lòng với ai, cho đến khi tôi gặp chồng hiện tại và quyết định cho bản thân mình một cơ hội để hạnh phúc.
Khoảng thời gian làm mẹ đơn thân, tôi dọn về sống cùng bố mẹ ruột, cũng nhờ có ông bà và chị giúp việc mà cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ đi thêm bước nữa, phần vì tôi sợ quá khứ lặp lại, phần vì tôi ngại đưa con gái vào hoàn cảnh bố dượng - con riêng.
Nhưng với sự chân thành của chồng hiện tại và được gia đình hết lòng ủng hộ, tôi đã mạnh mẽ bước ra khỏi vùng an toàn và thử thêm một lần nữa. Để chuẩn bị tinh thần cho con trước môi trường sống mới, tôi đã nhiều lần tạo ra các cuộc gặp gỡ, đi chơi giữa con và chồng mới. Ban đầu đứa trẻ phản ứng mạnh, nhưng dần dần tôi thấy con cởi mở hơn.
Ảnh minh hoạ
Tiến triển đó khiến tôi rất vui. Trước khi kết hôn, tôi và chồng mới đã mua một căn chung cư. Đêm tân hôn cũng là lần đầu tiên cả nhà 3 người dọn về sống. Lúc kết thúc tiệc cưới và di chuyển về nhà mới, bố mẹ và giúp việc cũng theo cùng để phụ vợ chồng tôi mang một số đồ cần thiết vào chung cư.
Hoàn thành xong mọi thứ, giúp việc bỗng gọi vợ chồng tôi ra nói chuyện riêng và xin được ở lại một đêm. Lời thỉnh cầu của giúp việc khiến tôi và ông xã bất ngờ, dĩ nhiên chồng không đồng ý vì dù sao đây cũng là đêm tân hôn riêng tư. Thế nhưng sau khi nghe lý do, tôi đã ngay lập tức đồng ý và cảm ơn vì chị đã nghĩ cho gia đình tôi.
Chị kể là lúc ở tiệc cưới, thấy con gái tôi buồn bã, chị có hỏi chuyện thì đứa trẻ nói có một người khách đã trêu con bé rằng “con sắp bị cho ra rìa rồi, con sắp bị cướp mất mẹ rồi”. Mặc dù tôi biết đây là một lời đùa giỡn, nhưng là người lớn, giỡn như vậy với một đứa trẻ quả thực rất vô duyên, thiếu suy nghĩ.
Ảnh minh hoạ
Điều đó khiến con gái tôi cảm thấy lo lắng. Hơn nữa, bình thường khi còn ở nhà với ông bà, con sẽ ngủ cùng mẹ nhưng khi dọn qua nhà mới, bé sẽ ngủ phòng riêng. Biết được mình sắp đối diện với vấn đề đó, con càng thêm sợ hãi và tổn thương, buồn bã. Thấy thương đứa trẻ, giúp việc muốn xin ở lại 1 đêm để tập cho con gái tôi quen với môi trường sống mới này.
Biết được toàn bộ câu chuyện, tôi không thể nào từ chối tấm lòng của giúp việc, vì dù sao thì chị ấy cũng là người chăm sóc và đồng hành cùng con bé từ khi con còn bé tí, có sự hỗ trợ của chị tôi nghĩ chuyện rồi cũng sẽ được giải quyết êm đềm. Mọi người nghĩ có đúng không…
Tâm sự từ độc giả lanphuong…@gmail.com
Bố mẹ ly hôn, tái hôn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm lý của con trẻ. Sau ly hôn, bố mẹ có thể có nhiều bạn đời mới, nhưng con mãi chỉ có một người cha và một người mẹ. Đó chắc chắn là sự thiếu hụt lớn trong cuộc đời đứa trẻ sau này. Khi bố mẹ bắt đầu một mối quan hệ mới, cũng là lúc cuộc sống của đứa trẻ có thể đứng trên bờ vực cheo leo, vì vậy, để một đứa trẻ được ổn định tâm lý, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý những khía cạnh sau đây:
- Đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu: Ly hôn - tái hôn để đảm bảo đời sống tình cảm cá nhân nhưng cũng nên tôn trọng con trẻ, cho trẻ có tâm lý ổn định nhất có thể với sự thay đổi tình cảm của bố mẹ. Cho trẻ lựa chọn quyền ở cùng ai sau ly hôn, trẻ con luôn có cảm nhận đúng nhất về sự an toàn của bản thân khi chọn lựa sống cùng ai. Trong trường hợp không xác định được nhờ sự can thiệp của pháp luật, tôn trọng quyết định của tòa án, chu cấp đầy đủ, hoàn thành trách nhiệm làm bố làm mẹ.
- Đảm bảo tâm lý cho con: Tâm lý vô cùng quan trọng, đừng để cuộc ly hôn, tái hôn của bố mẹ thay đổi cuộc đời của con. Luôn yêu thương, săn sóc con cho dù đã ly hôn hoặc có bạn đời mới, để trẻ cảm nhận được dù bố mẹ có không ở với nhau, bố có vợ mới, mẹ có chồng mới... nhưng tình cảm dành cho con không hề thay đổi.
- Không kìm hãm trẻ, ép trẻ theo suy nghĩ của người lớn: Sau ly hôn, cha mẹ có thể làm một số việc để giảm thiểu tác động tới con cái, cố gắng duy trì cuộc sống bình thường cho trẻ. Sau khi ly hôn, không được tước quyền thăm nom của bên kia, mà hợp tác hết mức có thể. Không được phép để con tham gia vào cuộc đấu tố của đôi bên. Không nói xấu đối phương, tranh luận vấn đề nuôi dạy trước mặt trẻ. Nếu một bên tái hôn, đừng đặt ra quá nhiều yêu cầu và ép trẻ làm những việc chúng không muốn, chẳng hạn như gọi bạn đời mới là "bố" hoặc "mẹ".
- Xây dựng mối quan hệ của con với bạn đời mới: Nếu có ý định tiến xa trong tình cảm với người mình quý mến, bố mẹ hãy nghĩ đến việc cho con cảm giác gần gũi với người đó, nhằm tạo dựng tình cảm trong con về mối quan hệ mới giữa người bạn yêu và cô bé. Hãy kiên trì để con chấp nhận theo cơ chế lấn dần từng bước từ quen biết đến quan tâm đến tạo dựng sự thân thiết, gần gũi và chiếm được lòng tin của con trẻ.
Tóm lại, ly hôn tái hôn là chuyện không ai mong muốn nhưng người lớn hay tỉnh táo suy xét, đặt lợi ích con cái lên hàng đầu để đảm bảo cuộc sống của con không bị thay đổi sau sự chia rẽ của bố mẹ, cùng hợp sức tìm hướng giải quyết với con chung, để đứa trẻ lớn lên với tâm lý vững vàng, ổn định nhất.